Dòng sự kiện:
'Ngày thứ Hai đen tối' của chứng khoán Mỹ
17/03/2020 10:40:55
Ngày 16/3/2020, chứng khoán Mỹ đã trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất từ năm 1987. Wall Street phải ngừng giao dịch đến 3 lần do các chỉ số 'tuột dốc không phanh'.

Chứng khoán Mỹ lao dốc thảm bại

Tưởng rằng thị trường sẽ khả quan hơn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh mức lãi suất về gần 0%, thế nhưng mọi chuyện lại diễn biến theo chiều hướng đi xuống.

Nhà đầu tư lo ngại về tình hình lao dốc của cổ phiếu Mỹ.

Theo tổng hợp từ Vietstock, mở cửa phiên giao dịch ngày 16/3, S&P 500 rớt 8,4% trong khi Dow Jones sụt 2.083 điểm, tương đương 9%. Nasdaq Composite cũng hạ 8,2%. Giao dịch bị tạm ngưng trong 15 phút ngay sau giờ mở cửa vì đà sụt giảm tới 8,14% của S&P 500 đã kích hoạt thiết bị ngắt giao dịch tự động (circuit breaker).

Đây là lần thứ 3 trong 6 phiên gần đây chứng khoán Mỹ phải ngừng giao dịch. Tại Mỹ, khi mức giảm của các chỉ số chạm mức nhất định sẽ có cơ chế ngắt mạch, tạm dừng giao dịch. Có 3 cấp độ được thiết lập ở mốc 7%, 13%, 20%. Ở cấp độ 1 và 2, thời gian dừng giao dịch là 15 phút. Nhưng nếu chạm ngưỡng cấp độ 3, chứng khoán Mỹ sẽ dừng cả phiên.

Tới thời điểm 21h50, "đà sụt giảm đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai đã khiến cả S&P 500 và Nasdaq hiện đang thấp hơn 27% so với các mức cao kỷ lục thiết lập vào cuối tháng 2 vừa qua. Tương tự, Dow Jones cũng đang thấp hơn 29% so với mức cao mọi thời đại xác lập trong tháng trước. Có thời điểm trong phiên, Dow Jones giảm hơn 30% so với kỷ lục" - theo ghi nhận của Vietstock.

Có thể thấy, động thái của Fed không "thấm" gì so với áp lực mà dịch bệnh COVID-19 đang gây ra cho TTCK Mỹ. Số ca nhiễm virus corona chủng mới tại Mỹ tăng lên 4.281, bao gồm 70 trường hợp tử vong đã khiến Tổng thống Donald Trump thừa nhận "dịch Covid-19 có thể kéo dài tới tháng 8 tại Mỹ". Theo đó, ông Trump cũng khẳng định "chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ tối đa các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus Trung Quốc, ví dụ như hàng không".

Một ngày tồi tệ tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương

Chốt phiên giao dịch, chỉ số tại các thị trường lớn giảm phổ biến 2% - 4%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 4%, còn Nikkei 225 của Nhật rớt 2.5%, Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 3.4%. Trong ngày thứ Hai, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã bơm 100 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 14.3 tỷ USD) vào hệ thống tài chính bằng cách cho các ngân hàng thương mại vay tiền.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thông báo sẽ tổ chức cuộc họp chính sách một ngày, thay cho cuộc họp định kỳ vào thứ Ba và thứ Tư.

Cũng trong ngày thứ Hai, Ngân hàng Trung ương Úc (RBA) cho biết họ đã sẵn sàng để thu mua trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ cho thị trường. Tổ chức này còn nói rằng những biện pháp chính sách khác sẽ được công bố thêm vào ngày thứ Năm.

Những ngân hàng trung ương hàng đầu trên toàn thế giới đã sử dụng hết những công cụ chính sách của họ, đặc biệt là Fed, tổ chức lớn nhất và có tầm ảnh hưởng nhiều nhất trong số đó. Đây chính là nỗi lo lắng lớn nhất trong lúc này của nền kinh tế toàn cầu.

Thu Trang (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến