Đền Chín Gian là một trong các di tích lịch sử văn hoá quan trọng của huyện Quế Phong nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung.
Đền Chín Gian được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV tại Pú Chỏ Nhàng, gọi là Tến Pỏm (Đền trên núi) thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Cuối thế kỷ XVIII, đền được chuyển đến Pú Cắm (Núi Vàng) thuộc bản Kim Khê, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Tại đây, đền được làm bằng nhà sàn 9 gian lợp nứa và thờ trời (thờ Pọ Phà), thờ con gái trời (thờ Náng Xỉ Đà) và phối thờ người có công xây bản, lập mường (thờ Tạo Ló Ỳ, Cắm Lự, Cắm Lạn).
Đền Chín Gian là một di tích lịch sử mang ý nghĩa sâu sắc gắn với tín ngưỡng dân gian của người dân Quế Phong
Năm 2004, thực hiện Nghị quyết huyện Đảng bộ khoá XVIII và theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc huyện nhà, được sự giúp đỡ của Sở Văn hoá và Thông tin tỉnh Nghệ An (nay là Sở Văn hóa và Thể thao), Đền Chín Gian được tôn tạo, phục hồi với 1 tòa thiết kế kiểu nhà sàn truyền thống của người Thái, gồm 9 gian, mỗi gian tượng trưng cho một mường. Đền có kích thước dài 16,5m rộng 8,4m, đây là công trình kết hợp hài hòa các nét kiến trúc đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, có hai cầu thang lên xuống, mỗi cầu thang gồm có 9 bậc.
Trong đền, các vật tế được sắp đặt tuân theo phong tục tập quán và có quy định chặt chẽ. Việc bài trí nội thất tuỳ theo các gian, gian chính để thờ Trời (thờ Pọ Phà), thờ con gái trời (thờ Náng Xỉ Đà) và thờ người có công xây Bản, lập Mường (thờ Tạo Ló Ỳ), 8 gian còn lại giống nhau, mỗi gian để 1 hương án, 1 cái ô bằng vải thổ cẩm và 1 ống nước.
Đây là Lễ hội lớn được mong chờ của bà con nhân dân huyện nhà
Bên cạnh Đền Chín Gian là Nhà thờ Phật và Bác Hồ, nhà được thiết kế 2 gian (gian thứ nhất thờ Phật và gian bên thờ anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Việc xây dựng nhà thờ Phật và Bác Hồ chứa đựng sâu nặng tấm lòng mộ đạo của tăng ni phật tử, đồng thời thể hiện truyền thống tốt đẹp và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân huyện Quế Phong đối với Bác Hồ kính yêu.
Nét đặc sắc của di tích Đền Chín Gian chính là giá trị lịch sử - văn hóa gắn với tín ngưỡng dân gian, thờ mẫu (Đức mẹ Xỉ Đà), thờ người có công xây bản lập mường (thờ Tạo Ló Ỳ). Du khách được thả hồn vào đời sống tâm linh, cầu mong cho sự bình an, sức khỏe, công danh, hạnh phúc, thịnh vượng…
Đền Chín Gian được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du Lịch xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia và Lễ hội đền Chín Gian được công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 2067/QĐ-BVHTTDL ngày 13/6/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch.
Lễ hội Đền Chín Gian năm nay diễn ra vào ngày 23-25/3 (tức 14 đến 16/2 âm lịch)
Hàng năm, vào các ngày từ 14 đến 16 tháng Hai (Âm lịch), tại huyện Quế Phong diễn ra Lễ hội Đền Chín Gian, là lễ hội du lịch, tâm linh lớn nhất vùng, thu hút hàng vạn khách thập phương. Về với Lễ hội Đền Chín Gian, du khách không những được thưởng thức các phần lễ trang nghiêm, mang đậm đà bản sắc dân tộc Thái của vùng đất miền Tây xứ Nghệ mà còn được hòa vào không khí tưng bừng lễ hội với những trò chơi dân gian, những hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao đậm đà bản sắc dân tộc như: kéo co, bắn Nỏ, ném Còn, chọi Gụ, đi Cà kheo, thi Khắc luống, Cồng Chiêng, thi hát đối đáp giao duyên, thi trình diễn trang phục dân tộc...
Từ một lễ hội chỉ thu hút được người dân xung quanh vùng, nay lễ hội đã được người dân khắp mọi miền đất nước để ý và hành hương trong những ngày đầu xuân năm mới. Lễ hội đền Chín Gian thực sự trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân Quế Phong nói riêng và du khách thập phương nói chung.
Dịp này, du khách sẽ được trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Cọ Muồng, xã Châu Kim, bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch. Du lịch sinh thái tại quần thể Thác 7 Tầng, rừng cây samu… để hiểu thêm tình đất, tình người và lịch sử hình thành vùng đất Phủ Quỳ Châu cũ, để cùng nhau suy ngẫm và nhắc nhau hãy gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa.
Sau nhiều năm bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 năm nay Lễ hội được tổ chức quy mô cấp huyện với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc
Đến với lễ hội năm nay, du khách còn được thưởng thức các món đặc sản của huyện Quế Phong như: thắng cố, thịt trâu thối, đầu chó thối, bò giàng, lợn giàng, vịt bầu, cá mát… của đồng bào các dân tộc miền núi Nghệ An.
Trong những ngày qua, anh Lô Văn Thuận, trú tại bản Tạ, xã Quang Phong cùng mọi người trong xã đã “cơm nắm, nằm lán” ra xã Châu Kim, nơi lán trại của xã được chỉ định để sửa sang và bài trí những vật dụng truyền thống của người dân trong xã với mong muốn có một lán trại đặc trưng nhất, đẹp nhất trong lễ hộ năm nay.
Không chỉ riêng anh Thuận, hơn 100 con người đến từ các xã trên địa bàn huyện cũng đang ngày đêm miệt mài chỉnh trang, đến nay đã cơ bản hoàn thành.
Lễ hội Đền Chín Gian luôn thu hút được đông đảo người tham gia
Không khí chuẩn bị cho ngày “hội” lớn của huyện Quế Phong không chỉ ở khuôn viên của Đền Chín Gian mà từ các bản làng, người dân đã chuẩn bị sắm sửa các vật dụng và trang phục cần thiết chuẩn bị để đi dự hội. Ở thị trấn Kim Sơn trong những ngày qua sôi động hơn bao giờ hết, phong trào thi đấu bóng chuyền nằm trong chuỗi các hoạt động của lễ hội Đền cũng đã diễn ra sôi nổi, thu hút hàng trăm người tham gia.
Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Văn hóa – Thể thao huyện Quế Phong cho biết, Lễ hội Đền Chín Gian 2024 diễn ra từ ngày 23-25/3 tại khuôn viên Đền Chín Gian xã Châu Kim, huyện Quế Phong, có nhiều điểm khác hơn so với những năm trước đó.
Cụ thể, ở những năm trước, các trại trên khuôn viên của đền giao cho các đơn vị sự nghiệp đóng trên địa bàn huyện thì năm nay giao cho các xã phụ trách quản lý. Cách bài trí, trang trí trong các gian trại ở lễ hội cũng có phần khác biết. Các sản phẩm trưng bày ở các trại của các xã mang đặc trưng riêng của xã. Năm nay, Ban tổ chức Lễ hội Đền Chín Gian sẽ không tổ chức chương trình thi “Người đẹp Đền Chín Gian” mà sẽ tổ chức thi Trình diễn trang phục dân tộc.
Các hoạt động thể dục thể thao chào mừng Lễ hội Đền Chín Gian diễn ra trên địa bàn huyện Quế Phong
Đặt vấn đề về việc khuôn viên Đền Chín Gian có phần khiêm tốn hơn so với các khu vực khác, và đường lên xuống cũng khá khó khăn, chị Lê cho biết, năm nay, phía Công an huyện cũng đã họp bàn và đưa ra phương án để quản lý giao thông đi lại trong những ngày tổ chức lễ hội.
Theo ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, trong những ngày qua, các thành viên của BTC đã nỗ lực hết mình để chuẩn bị cho một lễ hội lớn sắp sửa diễn ra.
“Tôi mong rằng, người dân và du khách đến với Lễ hội Đền Chín Gian không chỉ là trải nghiệm về du lịch tâm linh mà còn được trải nghiệm về những không gian văn hóa đặc sắc của người Quế Phong”, ông Vũ nói.
Hồ Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy