Dòng sự kiện:
Nghệ An khẩn trương ứng phó bão số 3, hơn 2.800 tàu thuyền đã vào nơi tránh trú
21/07/2025 19:00:31
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Nghệ An đã khẩn trương kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống thiên tai, từ chỉ đạo sớm, kiểm tra thực địa đến di dời tàu thuyền, lồng bè và chuẩn bị phương án “4 tại chỗ”.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN và PTDS) tỉnh Nghệ An, tính đến 16h ngày 21/7/2025, tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 120 km, Hưng Yên khoảng 280 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 9–10 (75–102 km/h), giật cấp 12; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10–15 km/h.

Tính đến 10h ngày 21/7, toàn tỉnh có 2.816 phương tiện/12.644 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Trong đó, 2.807 phương tiện với 12.608 lao động đã vào nơi neo đậu an toàn, gồm 2.551 tàu của tỉnh (10.728 lao động) và 259 tàu ngoại tỉnh (1.892 lao động). Chỉ còn 6 phương tiện/24 lao động đang hoạt động ven bờ và được duy trì liên lạc thường xuyên.

Toàn bộ 4.040 lồng nuôi cá, 4.008 nhà tạm và chòi canh trên biển đã được di dời, không còn người dân lưu lại trên lồng bè trong vùng nguy hiểm. Tỉnh khẳng định không có tàu nào mất liên lạc hoặc hoạt động tại khu vực nguy hiểm.

Nghệ An hiện có 1.061 hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ. Trong số 109 hồ do doanh nghiệp quản lý, có 12 hồ đầy nước, 40 hồ đạt trên 70% dung tích, 31 hồ ở mức 50–70%, còn lại dưới 50%. Hai hồ lớn là Vực Mấu (dung tích 75,11 triệu m³) và Sông Sào (77,7 triệu m³) đã được lên kế hoạch xả lũ từ 8h sáng ngày 22/7 với lưu lượng từ 25–364 m³/s. 

Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò – Bến Thủy (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) tổ chức tuần tra, tuyên truyền và hướng dẫn ngư dân. 

Trong 952 hồ do địa phương quản lý, có 178 hồ đã đầy nước, 431 hồ đạt trên 70% dung tích và 343 hồ ở mức trung bình. Tất cả đều được rà soát phương án vận hành theo quy trình đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Về thủy điện, 23 hồ chứa đang vận hành, trong đó có 8 hồ thực hiện theo quy trình liên hồ. Riêng thủy điện Bản Vẽ – hồ chứa lớn nhất tỉnh, hiện đang tích trữ 188,33 triệu m³ nước (đạt khoảng 1,35/1,83 tỷ m³ thiết kế) và được giám sát sát sao theo quy trình Bộ Công Thương.

Tổng diện tích gieo trồng vụ Hè Thu – Mùa 2025 đạt hơn 94.299 ha (đạt 89,2% kế hoạch), trong đó lúa Hè Thu đạt 99,2%, lúa Mùa đạt 85,4%. Về thủy sản, toàn tỉnh có 21.231,5 ha nuôi trồng, trong đó 19.315 ha nước ngọt, còn lại là nuôi lồng bè, hàu, cá lồng nước mặn...

UBND tỉnh đã chỉ đạo không để người dân ở lại các khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển, đồng thời tăng cường thông tin để người dân chủ động bảo vệ tài sản, giảm thiểu thiệt hại.

Do đặc thù có nhiều huyện miền núi dễ xảy ra sạt lở, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương lập danh sách, chuẩn bị sẵn sàng sơ tán người dân tại các vùng có nguy cơ cao lũ quét, ngập sâu. Phương châm “4 tại chỗ” được triển khai toàn diện với sự chuẩn bị về nhân lực, phương tiện, hậu cần và chỉ huy.

Các cơ sở hạ tầng như điện, viễn thông, giao thông... cũng được rà soát, gia cố. Lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra các điểm ngầm tràn, hướng dẫn phân luồng giao thông và chuẩn bị vật tư để xử lý sự cố sạt lở nếu xảy ra.

Phan Huy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến