Dòng sự kiện:
Nghệ An: Nguy cơ sông 'nuốt' làng
23/10/2017 09:35:54
Hàng chục ha đất nông nghiệp đã bị dòng sông Lam “nuốt chửng”. Tình trạng sạt sở càng nghiêm trọng sau trận lụt lịch sử vừa qua.

Thời gian vừa qua, tình trạng sạt lở dọc sông Lam tại địa bàn xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương (Nghệ An) rất nghiêm trọng.

Theo phản ánh của người dân nơi đây, chỉ tính riêng trong năm nay dòng sông đã “ăn” sâu vào vùng đất sản xuất nông nghiệp của người dân hơn 12m. Đặc biệt, sau trận mưa lũ lịch sử vừa qua tình trạng càng trở nên thê thảm, hàng vạn khối đất chỉ chờ đổ sập xuống dòng sông và đang có nguy cơ ngày càng ăn sâu vào nhà dân.

Tình trạng đất sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông.

Có mặt tại đây, theo ghi nhận, dọc bờ sông kéo dài cả ngàn mét bị sạt lở. Những vách đất dựng đứng cao từ 2 – 3m, chênh vênh, chỉ chờ đổ sập xuống phía dưới dòng sông Lam đang cuộn chảy.

Tình trạng sạt lở đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên trong năm nay do mưa lũ quá lớn khiến quá trình sạt lở lại càng trở nên nghiêm trọng. Hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân các xóm 1, 2, 3, 4, 5 và xóm Hạ Long, xã Thanh Hà, huỵện Thanh Chương đã bị cuốn xuống dòng sông Lam.

Tình trạng sạt lở ngày càng lấn sâu vào nhà dân.

Ông Nguyễn Thanh Minh (SN 1952), trú tại xóm 4, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương cho biết: "Trước đây vùng đất này rộng lắm. Mỗi năm, người dân trồng được 2 vụ ngô hoặc lạc, năng suất rất cao. Nhưng thời gian qua mưa lũ, sông Lam thay đổi dòng chảy; thêm vào đó tàu hút cát lại hoạt động rầm rộ khiến tình trạng sạt lở dọc bờ sông càng trở nên nghiêm trọng. Người dân chúng tôi chỉ biết đứng lặng nhìn dòng sông càng ngày càng lấn sâu mà lo lắng trước thực trạng trên".

Điều đáng nói, trong khi người dân ngày đêm lo lắng về tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại khu vực ven sông, thì ngay dưới sông Lam, những chiếc tàu hút cát vẫn cứ ngang nhiên cắm "vòi rồng" hút cát rầm rộ. Theo người dân tại đây, bên cạnh việc biến đổi khí hậu, nước sông dâng cao sau mưa lũ, thì tình trạng sạt lở nghiêm trọng còn có tác động của hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Lam.

Người dân lo lắng trước tình trạng này.

Bà Đào Thị Mai (SN 1948), trú tại xóm 2, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương xót xa: "Cứ theo cái đà này thì chẳng mấy năm nữa mà dân chúng tôi mất hết đất nông nghiệp. Không những thế, còn nguy hiểm đến khu dân cư. Bờ sông bây giờ sạt lở dốc đứng, nứt gãy... người dân chúng tôi không ai dám ra gần vì rất sợ. Chúng tôi cũng mong muốn các cấp chính quyền và ban ngành sớm có phương án khắc phục tình trạng trên để người dân an tâm sinh sống và ổn định sản xuất.

Tàu hút cát tại sông Lam là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở đất.

Trước thực trạng trên, ông Phan Văn Lân, Chủ tịch UBND xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương cho biết: "Trước đây vùng đất sản xuất đất nông nghiệp của người dân tại đây rộng khoảng 30 ha. Trải qua nhiều năm bị sạt lở chỉ còn khoảng 1/3 ha. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở ngoài yếu tố do thiên tai, nước sông Lam dâng cao khiến đất nông nghiệp bị cuôn trôi. Bên cạnh đó, thực trạng này còn do việc khai thác cát trên sông khiến dòng chảy thay đổi.

Khi đề cập việc khai thác cát trái phép trên sông Lam, vị này cho biết thêm, những tàu hút cát trái phép thường lợi dụng vào ban đêm để hoạt động, chính quyền xã, huyện và các cơ quan chức năng đã phối hợp và cũng đã nhiều lần đẩy đuổi nhưng vẫn còn tồn tại.

Được biết, tình trạng đất nông nghiệp ngày càng bị giảm sút, sông nuốt làng không chỉ diễn ra tại các xã của huyện Thanh Chương mà ngay tại các huyện Nam Đàn, TP. Vinh (Nghệ An) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Cùng với đó, việc tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra tại các địa phương này.

Hiện, đứng trước nguy cơ sông "nuốt" làng, chính quyền địa phương bị ảnh hưởng cũng đã có nhiều tờ trình gửi cấp trên và cũng như các ngành nhắm gia cố, khắc phục tình trạng sạt sở nhưng vẫn chưa có kết quả vì còn liên quan đến nguồn kinh phí lớn. Để hạn chế thực trạng trên, các địa phương đã tích cực trồng các loại cây ven sông nhắm bảo vệ đất nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời cho người dân lao động, sản xuất.

Ngọc Tuấn

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến