Thời gian gần đây, thông tin báo chí phản ánh về một số cá nhân của cục Đường thủy nội địa Việt Nam thu 5 - 20% để lập “quỹ đen” từ gói thầu các công trình do ban Quản lý dự án đường thủy nội địa (trước đây thuộc Cục) và cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư như: Dự án nạo vét, phá đá, rà phá bom mìn, khảo sát thông báo luồng trong các năm 2015 – 2016.
Cục Đường thủy nội địa
Cụ thể, ông Phạm Văn Thông, Giám đốc ban Quản lý dự án đường thuỷ nội địa (từ 2015 - 2016) là người đứng ra thu tiền của các công ty, doanh nghiệp trúng thầu, sau đó chuyển cho một cán bộ cục Đường thủy nội địa để chi vào việc tiếp khách, thanh toán công tác phí, mua quà biếu... Số tiền mà ông Thông đưa cho cán bộ của cục Đường thuỷ gồm nhiều tỷ đồng và 22.000 USD.
Việc thu “quỹ đen” này được thực hiện vào tháng đầu năm, là thời điểm hoàn tất hồ sơ quyết toán, giải ngân toàn bộ ngân sách của năm trước.
Trước phản ánh về việc đơn vị trúng thầu phải cắt lại 5 - 20% giá trị gói thầu làm “quỹ đen” tại cục Đường thuỷ nội địa, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã yêu cầu xác minh nội dung này.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Văn An – Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang cho rằng, trước một vụ việc phức tạp, thuộc cấp Trung ương, mức độ tác động đến dư luận xã hội lớn nên cần phải có sự vào cuộc, thanh tra, kiểm tra một cách khách quan, toàn diện, triệt để nhưng cũng phải hết sức thận trọng.
Luật sư Trần Văn An - Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang
Theo quan điểm của luật sư Trần Văn An, trong vụ việc này, quá trình cơ quan chức năng thanh, kiểm tra cần phải làm rõ một số vấn đề cơ bản sau:
Đầu tiên, cần phải làm rõ có hay không có việc doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân đưa tiền và cán bộ cục Đường thủy nhận tiền từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đó. Nếu có việc đưa nhận tiền, thì phải làm rõ ai đưa, ai nhận, số lượng, thời gian, địa điểm...
Thứ hai, nếu có việc đưa và nhận tiền thì phải làm rõ động cơ, mục đích, lý do đưa, nhận tiền? Xuất phát từ động cơ, mục đích gì mà doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa tiền cho cán bộ Nhà nước. Việc đưa nhận tiền đó có kèm theo các điều kiện gì khác liên quan đến công vụ của cục Đường thủy không hay đơn thuần “do doanh nghiệp làm ăn phát đạt, quý mến nên cảm ơn, tán lộc".
Thứ ba, nếu có việc đưa và nhận tiền thì ai là người quản lý, chi tiêu số tiền đó như thế nào? Mở rộng hơn nữa, lúc này cần phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc đưa, nhận tiền, quản lý, sử dụng số tiền trên theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, cần thiết phải xem xét, thanh tra, kiểm tra lại các dự án liên quan đến các tổ chức, cá nhân đưa tiền cho cán bộ. Nếu cần thiết phải xem lại từ khâu lập hồ sơ thầu, đấu thầu, chỉ định thầu, thực hiện dự án, tính hợp lý, tính hiệu quả của dự án...
Luật sư An cho biết, hiện nay, một số vấn đề có liên quan, thuộc trách nhiệm quản lý, cấp phép của cục Đường thủy như nạo vét sông, hồ, tận thu cát sỏi... cũng đang là một vấn đề dư luận quan tâm và có nhiều dư luận trái chiều về hoạt động quản lý này. Quá trình thanh, kiểm tra cũng cần làm rõ có hay không việc chia chác, lại quả, đi đêm giữa doanh nghiệp với cán bộ trong việc cấp giấy phép khai thác, quản lý dự án…
“Chỉ khi làm rõ được các vấn đề mà luật sư nêu ở trên, lúc đó mới có thể xem xét đề cập đến vấn đề trách nhiệm cũng như hướng xử lý trong vụ việc này”, luật sư Trần Văn An nói.
Đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành, theo luật sư An, trong mọi trường hợp nếu có việc cán bộ, công chức, viên chức nhận tiền từ doanh nghiệp đang hoạt động, chịu sự quản lý của cơ quan mình, của ngành mình, sau đó tự quản lý, trích, chia nhau số tiền thu lời bất chính, mà không báo cáo cấp có thẩm quyền đều là hành vi vi phạm và phải xem xét thu hồi, sung công quỹ số tiền đó cũng như xem xét trách nhiệm hành chính, thậm chí là trách nhiệm hình sự của tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là đối với cán bộ trong công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng hiện nay.
Luật sư An phân tích, trong trường hợp xác định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái quy định của pháp luật và đã sử dụng quỹ đó gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tùy theo mức độ gây thiệt hại, có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 205, BLHS năm 2015 về tội Lập quỹ trái phép.
Trong trường hợp xác định có dấu hiệu thông thầu giữa doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì có thể khởi tố cá nhân vi phạm về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222, BLHS 2015).
“Hoặc xem có hay không có việc vi phạm pháp luật về đưa và nhận hối lộ thì xem xét theo tội Nhận hối lộ (Điều 354) và tội Đưa hối lộ (Điều 364), Bộ luật Hình sự năm 2015”, luật sư An phân tích.
NĐT
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy