Dòng sự kiện:
Nghịch lý tuyển sinh sư phạm: Khi người giỏi không muốn làm thầy
11/03/2018 20:11:45
Trong khi những nhà quản lý nhiều lần mong muốn thu hút người giỏi vào ngành sư phạm thì có một thực tế hiện nay là người giỏi không muốn theo nghề giáo viên. Bởi lẽ, họ không muốn rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp.

Với ngành sư phạm, lần đầu tiên bộ GD&ĐT có quy định riêng về điều kiện tuyển sinh. Cụ thể, đối với trình độ ĐH, ngành đào tạo sử dụng 3 môn văn hóa để xét tuyển, học sinh tốt nghiệp THPT phải có xếp loại học lực năm lớp 12 từ loại giỏi trở lên.

Nói về vấn đề này, thầy giáo Trần Trung Hiếu, trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) băn khoăn: “Rõ ràng thầy phải là người giỏi thì là lẽ đương nhiên. Nhưng, thời gian qua câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” được người ta nói khắp nơi. Những em học khá, giỏi không chọn ngành Sư phạm, còn những em chọn ngành này thì chất lượng đầu vào rất kém. Điều này thực sự đáng lo ngại bởi những trường sư phạm có đầu vào thấp như vậy chắc chắn không có giáo viên giỏi. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ mới ban hành đòi hỏi kiến thức tích hợp, liên môn của người thầy. Làm sao những học sinh có điểm đầu vào thấp đáp ứng được các điều kiện này?”.

Thầy giáo Trần Trung Hiếu.

“Rõ ràng, đang có một nghịch lý là người giỏi không muốn làm thầy, họ có rất nhiều sự lựa chọn khác tốt hơn, có thu nhập cao hơn. Nghề giáo là nghề cao quý, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay thì không thể để nghề cao quý ấy không đảm bảo được cuộc sống. Theo tôi, Nhà nước cần có chính sách nâng cao thu nhập với giáo viên. Có như vậy thì chắc chắn sẽ thu hút được nhân tài cho ngành giáo dục”, thầy Hiếu nói thêm

Nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc đưa quan điểm: “Tôi rất quan tâm đến việc này, vì chất lượng của các trường sư phạm có vai trò rất lớn trong việc quyết định đến chất lượng nhân lực của đất nước. Người ta thường nói, thầy giỏi trò mới giỏi. Tôi hoàn toàn ủng hộ nếu từ năm 2018 có điểm sàn riêng cho khối ngành đặc thù này. Điều đó sẽ giúp nâng cao hơn nữa chất lượng giáo viên.

Tuy nhiên, cần nhiều giải pháp đồng bộ mới có thể nâng cao chất lượng giáo viên. Đó là chế độ của Nhà nước với sinh viên khi đi học, chế độ sau khi ra trường, nâng lương cho giáo viên… Về chuyên môn, các trường sư phạm phải làm sao nâng cao trình độ, kiến thức, tay nghề của giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo”.

Trăn trở về nghề, thầy Trương Minh Nghĩa – Hà Nội giãi bày: “Học ngành Công an, ngành Quân đội sau khi ra trường được phân việc luôn, hệ số lương rất cao. Như tôi 12 năm làm giáo viên bây giờ hệ số được 3.33, không bằng một sinh viên mới ra trường của ngành Công an. Nhiều tỉnh hay ngay ở Thủ đô tôi dạy học, đến bao giờ lương mới cải thiện để dẫn đầu cả nước”.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến