Dòng sự kiện:
Nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh
28/11/2022 15:30:06
Cùng với việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Trung ương yêu cầu nghiên cứu thí điểm chính sách này ở cấp tỉnh cho phù hợp với quy hoạch.

Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 6. Ảnh: Nguyên Phúc.

Chủ trương này được đề cập trong Nghị quyết 27 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn mới.

Mục tiêu được Trung ương nhấn mạnh trong nghị quyết này là xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Trong nhóm giải pháp về đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương, Trung ương yêu cầu tổ chức các bộ, cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính” được Trung ương nhấn mạnh, cùng với định hướng từng bước xóa bỏ cơ chế phối hợp liên ngành, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu.

Cùng với chủ trương cải cách hành chính, tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Trung ương yêu cầu nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Với nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật, Trung ương quán triệt tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp; khắc phục tình trạng luật thiếu tính ổn định.

Song song với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng pháp luật.

Liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Trung ương yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội theo hướng nghiên cứu tăng hợp lý số kỳ họp của Quốc hội .

Để thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, Trung ương định hướng nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đi kèm với đó, cần hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.

Tác giả: Hoài Thu

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến