Ngoài OceanBank, PVN còn đầu tư vào những ngân hàng nào?
06/05/2015 16:37:49
ANTT.VN – Không chỉ là OceanBank, không chỉ là đơn thuần 800 tỷ đồng đứng trước nguy cơ “mất trắng”, có tới ngót 6.000 tỷ đồng khác đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PetroVietnam (PVN) “rót” vào các tổ chức tài chính, đủ các lĩnh vực: từ ngân hàng, bảo hiểm đến đầu tư…

Tin liên quan

Những ngày vừa qua, dư luận đang dành sự quan tâm đặc biệt đến câu chuyện “800 tỷ đồng của PVN và nguy cơ “mất trắng” tại OceanBank”.

Theo đó, sau sự kiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tuyên bố mua lại bắt buộc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank – OJB) với giá 0 đồng, những khoản đầu tư của các cổ đông OceanBank bỗng chốc lại hóa “một đi không trở lại”.

Khác với OGC (Công ty Cổ phần) và VNT (Công ty TNHH), những doanh nghiệp ngoài quốc doanh, làm ăn thị trường, “được ăn thua chịu”; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN, một cổ đông lớn khác của OceanBank, với vị thế là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (theo Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 18-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ), chuyện “mất vốn” sẽ phức tạp hơn nhiều.

Câu chuyện bỗng trở thành một ví dụ nhãn tiền cho hiện trạng đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn kinh tế “đầu tàu đất nước”.

Câu hỏi đặt ra: Ngoài OceanBank, PVN còn “rót” tiền cho những tổ chức tài chính nào khác nữa?

Quan sát Báo cáo tài chính được công bố gần nhất của PVN (Báo cáo tài chính Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014), không khó để liệt ra một “list” dài những những cái tên tương tự.

Không chỉ tích cực đem tiền đi “làm ngân hàng”, PetroVietnam cũng cho thấy “độ phủ sóng rộng khắp” của mình lên các địa hạt tài chính khác như bảo hiểm, đầu tư…

Cụ thể, theo báo cáo tài chính, bên cạnh 5,5 nghìn tỷ đồng đầu tư góp vốn tại các nhà băng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã “bơm” ngót 1 nghìn tỷ đồng khác vào Công ty Cổ phần PVI (831,5 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 35,5%) và Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí (105 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 35%).

Cùng với đó, PetroVietnam cũng đang sở hữu 29% cổ phần tại Công ty Cổ phần Phát triển Đông Dương Xanh (một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ khai khoáng, viễn thông) thông qua việc đóng góp 180 tỷ đồng vốn điều lệ.

Những con số nghìn tỷ - lạnh tanh và rảo hoạch, những khoản đầu tư cho một cuộc chơi đầy lạ lẫm, nguy cơ rõ ràng là đang hiện hữu, thiệt hại cũng đã bước đầu phát lộ nhưng liệu rằng trong số những doanh nghiệp tài chính mà PVN đã “bỏ” vốn đầu tư, đâu rồi sẽ lại trở thành một “OceanBank phiên bản mới”?!

Mặc dù việc góp cổ phần theo hướng lời ăn lỗ chịu nhưng chắc chắn lãnh đạo của PVN sẽ phải chịu trách nhiệm với Nhà nước. Việc lấy vốn của Nhà nước đầu tư không hiệu quả thì phải chịu trách nhiệm hoặc là hình sự hoặc phải bồi thường. Việc này cơ quan chủ quản sẽ quyết định dựa trên kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán”, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm chia sẻ vấn đề với báo giới.

Thêm vào đó, cũng theo TS. Cao Sỹ Kiêm, khoản đầu tư của PVN cần phải được làm rõ hai vấn đề: Đó là PVN dùng tiền nào để đầu tư và việc đầu tư này có được phép không. Nếu không được phép mà PVN vẫn quyết định đầu tư thì cần phải quy trách nhiệm cho những người ký quyết định này.

Ngoài việc “dấn thân” vào các công ty tài chính, PVN còn “đá chéo” những “sân” nào, hiệu quả của các cuộc chơi đó đến đâu? – Đón đọc kỳ tới…

Ninh Giang      

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến