Dòng sự kiện:
Ngôi trường đặc biệt chưa từng có giáo viên nữ ở miền núi Thanh Hóa
20/11/2020 10:07:03
Ở xã Cao Sơn, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đến nay vẫn chưa có điện lưới, cuộc sống của các thầy ở đây còn nhiều thiếu thốn với 4 không: 'không điện, không sóng điện thoại, không tivi, không máy tính'.

Trường THPT Cao Sơn, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa nằm trên đỉnh núi Phà Hé, nơi có độ cao hơn 1.100m so với mực nước biển. Cao Sơn là tên gọi tắt của 3 bản Son, Bá, Mười, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào người Thái.

Trường THPT Cao Sơn Cao Sơn nằm bên sườn núi

Nơi đây được ví như Sa Pa của xứ Thanh bởi khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ luôn thấp hơn ở các vùng khác. 

Khoảng 5 năm trước, dù chỉ cách trung tâm xã 10km, Cao Sơn vẫn là nơi biệt lập với bên ngoài bởi không có đường giao thông, việc đi lại vô cùng gian nan. Giờ đây, một con đường bê tông đã được xây dựng, đưa người dân Cao Sơn đến gần hơn với xã hội hiện đại.

Thầy trò trường Cao Sơn cùng nhau cố gắng dạy và học dù trong điều kiện còn khó khăn

Đến thăm điểm trường đặc biệt, THPT-THCS Cao Sơn. 12 năm kể từ khi thành lập, điểm trường này chưa từng có giáo viên nữ giảng dạy.

Thầy Nguyễn Thế Tài, Hiệu trưởng trường THPT Cao Sơn cho biết, hiện nay nhà trường có 13 thầy giáo được phân công giảng dạy ở 2 cấp học.

"Từ khi lập trường đến nay, trường chưa từng có giáo viên nữ giảng dạy. Trước đây chủ yếu do đường sá đi lại khó khăn, để cắm bản được là cả một vấn đề nan giải nên các nữ giáo viên được ưu tiên dạy các điểm trường gần, còn điểm vất vả như ở đây thì được giao cho các thầy", thầy Tài cho hay.

Những lớp học chưa bao giờ có giáo viên nữ đứng lớp

Vị Hiệu trưởng cũng lý giải thêm, thời tiết ở Cao Sơn khắc nghiệt, có thời điểm nhiệt độ xuống 0 độ, sương mù bao phủ quanh năm, vì thế việc đi lại, ở bán trú đối với giáo viên nữ là rất khó khăn. Không có bóng dáng của phụ nữ, tại điểm trường, các thầy tự làm hết mọi việc từ trồng rau, khâu vá, nấu ăn, rửa bát.

Nếp sinh hoạt quen thuộc cứ thế tiếp diễn, với các học sinh, việc trường không giáo viên nữ đã trở thành điều hiển nhiên.

Thầy Trần Ngọc Hải (38 tuổi, quê huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã có 13 gắn bó với Cao Sơn. Dành cả thanh xuân cho mảnh đất này, thầy nhớ như in những những ký ức gian khổ nhưng ý nghĩa đối với cuộc đời nghề giáo.

Năm 2007, thầy Hải cùng 2 thầy giáo khác được phân công lên đây công tác khi trường Cao Sơn vẫn chỉ là điểm lẻ. 

Ngoài giờ dạy, các thầy còn trồng rau để tự phục vụ bữa ăn

Ngày đó, để đến được Cao Sơn, các thầy phải mất cả ngày đường đi bộ băng rừng, leo núi. Lớp học ngày đó cũng đơn sơ, nơi ăn ở của giáo viên cũng chỉ là căn phòng lợp mái tranh, thiếu thốn trăm bề.

Không điện chiếu sáng, không sóng điện thoại, không hàng quán, muốn mua thứ gì hoặc gọi điện thoại thì phải đi bộ 5km sang phía bên kia núi là Hòa Bình.

Mọi việc nấu nướng, rửa bát đều do các thầy tự đảm nhận

"Có khi cả tháng trời không liên lạc được với gia đình, việc đi lại càng khó khăn hơn. Nỗi nhớ gia đình và cuộc sống dưới kia càng thêm cồn cào. Vì thế, có lúc chúng tôi từng nản chí. Nhưng rồi tình yêu với nghề, với học trò đã tiếp thêm thêm động lực để chúng tôi gắn bó đến bây giờ", thầy Hải chia sẻ.

Thầy Hải nhớ tới những học sinh nghèo co ro trong giá rét vì không đủ quần áo, đi bộ từ tờ mờ sáng để đến lớp học chữ... Chính những hình ảnh xót xa đó đó đã khiến các thầy quyết tâm ở lại gieo con chữ ở Cao Sơn.

Trường Cao Sơn vẫn chưa có điện chiếu sáng

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, Cao Sơn đã có nhiều đổi thay. Đường đi thuận tiện hơn, trường học cũng khang trang hơn. Dù vậy, nơi đây vẫn chưa có điện lưới và Internet. Các thầy kể, hàng đêm, họ tự thắp đèn để soạn giáo án. Mỗi khi muốn liên lạc với gia đình, phải trèo lên cây cao để bắt sóng lạc, nhưng sóng cũng yếu.

Niềm mong mỏi lớn nhất của các giáo viên cũng như người dân ở Son, Bá, Mười là được các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa, sớm nối điện lưới để thắp sáng Cao Sơn, thắp sáng những ước mơ của các học trò nghèo nơi đây...

 Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến