Dòng sự kiện:
Người dân TP.HCM thiệt đơn, thiệt kép giữa ma trận kẹt xe
16/09/2019 13:03:06
Ô nhiễm không khí, cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa, doanh nghiệp vận tải đội chi phí lên 30-40% là "thảm cảnh" của người dân TP.HCM khi sống giữa ma trận kẹt xe.

Trong số 28 điểm đen ùn tắc giao thông của TP.HCM, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) là tuyến kẹt xe điển hình. Dù quãng đường chỉ dài 1 km, tình trạng ùn tắc đã trở thành "bệnh kinh niên".

Giao thông ùn tắc kéo theo kinh doanh ế ẩm, nhiều hàng quán phải đóng cửa từ sớm vì vắng khách.

8 tháng "gánh" 600 lần kẹt xe

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho thấy có gần 600 lần ùn tắc trên tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh trong 8 tháng đầu năm. Theo cách tính của sở, ùn tắc là khi ôtô đi với vận tốc dưới 5 km/h, thời gian kéo dài hơn 30 phút trên quãng đường dài 200-300 m.

Như vậy, tính trung bình, mỗi ngày tuyến đường có gần 3 lần ùn tắc.

Kẹt xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài nhiều năm khiến nhiều cửa hàng kinh doanh ế ẩm. Ảnh: Liêu Lãm.

Bà Nguyễn Thanh Hiền, ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh) đang tính đến chuyện trả mặt bằng vì buôn bán ế ẩm trong thời gian dài. Chủ cửa hiệu quần áo cho biết trước đây đường chỉ kẹt xe vào giờ cao điểm nhưng giờ thì đường luôn đông đúc từ sáng tới tận 20h khiến việc kinh doanh bị ảnh hưởng.

Để tiếp cận khách hàng, người phụ nữ này quảng cáo trên mạng xã hội nhưng nhiều vị khách khi muốn đến thử đồ, thấy shop nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thì không muốn đến nữa.

“Mấy tháng qua, đường chật như nêm, khách chỉ muốn thoát qua nhanh cho đỡ nóng nực, tâm trạng đâu mà mua đồ”, bà Hiền thở dài.

Ở khu vực cảng Cát Lái, giao thông qua nút giao Mỹ Thủy đã “dễ thở” hơn các năm trước từ khi có thêm hầm chui và cầu vượt. Tuy nhiên, cảnh xe container nối dài hàng trăm mét vẫn còn phổ biến.

Lượng xe đổ dồn vào điểm đen Xô Viết Nghệ Tĩnh từ 3 hướng chính, gồm: Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn đường hai chiều), đường Điện Biên Phủ và Bạch Đằng. Trong ảnh là những tuyến đường kẹt cứng giờ tan tầm xung quanh đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Google Maps. Đồ hoạ: Minh Hồng.

Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh, nói rằng việc ùn tắc giao thông làm phát sinh thêm nhiều chi phí như xăng dầu, thời gian, các loại phí cầu đường. Trước đây, xe container có thể chạy được 2-3 chuyến mỗi ngày nhưng giờ thì giảm còn 1-2 chuyến. Do toàn bộ chi phí dồn lên 1-2 chuyến khiến doanh nghiệp giảm lợi nhuận.

“Vé cầu đường theo tháng là 2,4 triệu đồng, nếu ngày chạy 2 lượt thì chi phí mỗi lượt là 40.000 đồng. Nhưng vì tắc đường, xe chỉ chạy một chuyến nên phí cầu đường trở thành 80.000 đồng/lượt”, ông Vinh phân tích.

Chủ doanh nghiệp này cho biết kẹt xe cũng khiến cho tốc độ xoay vòng của xe chậm hơn. Một số doanh nghiệp tính đến phương án chạy đêm nhưng không khả thi do nhiều kho hàng không mở cửa.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết ùn tắc giao thông đang khiến các doanh nghiệp tốn thêm 30-40% chi phí. Thông thường, chuyến hàng thứ 2 hoặc thứ 3 trong ngày là chuyến để doanh nghiệp gỡ gạc chi phí nhưng gặp ngay cảnh kẹt xe thì mọi chi phí dồn vào chuyến đầu.

Người dân mệt mỏi do kẹt xe kéo dài trên đường Trường Chinh. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đứng trước yêu cầu vận chuyển hàng hóa tăng nhưng gặp phải kẹt xe khu vực cảng, nhiều doanh nghiệp dùng chiêu dồn hàng để đảm bảo khối lượng giao cho khách.

Dù không đồng tình với việc này nhưng theo ông Quản, kẹt xe là nguyên nhân khiến doanh nghiệp phải nghĩ cách đối phó nhằm giảm lỗ.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM nhận định việc dồn hàng của một số doanh nghiệp là trái pháp luật và tạo môi trường cạnh tranh không sòng phẳng. Mặt khác, xe chở quá tải khiến đường sá bị hư hỏng, nguy cơ tai nạn cao hơn nên Hiệp hội không khuyến khích.

Gia tăng nguy cơ bệnh tật

Từ nhiều năm qua, người dân sống quanh các khu vực như ngã tư hàng Xanh, ngã tư Bình Phước, giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Cát Lái… đã quá quen với tiếng xe chạy rầm rập suốt ngày. Nhiều hàng quán thường xuyên lau dọn nhưng chừng 30 phút sau, bàn ghế lại ám lớp bụi mờ.

Theo số liệu thống kê 2 tháng đầu năm của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường TP.HCM, tình trạng ô nhiễm không khí và tiếng ồn ở các điểm ùn tắc giao thông đang vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép.

Một học sinh ngủ gục khi gặp phải tình trạng kẹt xe trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình. Ảnh: Quỳnh Danh.

GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, nhận định các đô thị như TP.HCM và Hà Nội đang phải hứng chịu ô nhiễm không khí do ùn tắc giao thông gây ra. Đường càng tắc, xe cộ chạy chậm càng phát ra nhiều khí thải gây ô nhiễm môi trường.

“Nếu người dân tiếp xúc nhiều với bụi và khí thải từ ôtô, xe máy sẽ bị ảnh hưởng đến hệ hô hấp và bệnh về mắt. Đáng lo ngại hơn, bụi mịn ở mức cao có thể đi thẳng vào phổi và cư trú trong đó, gây ra các bệnh về phổi và làm tăng nguy cơ ung thư phổi”, GS Lê Huy Bá cho biết.

Theo thống kê của Sở GTVT, đến giữa tháng 6, thành phố đang quản lý gần 9 triệu phương tiện, trong đó có hơn 825.000 ôtô và 8,12 triệu xe máy.

So sánh tương quan mức độ gây ô nhiễm giữa ôtô và xe máy, GS Lê Huy Bá cho rằng xe máy gây ô nhiễm nhiều hơn do số lượng xe máy lớn và chưa được kiểm soát khí thải. Nếu như ôtô bị siết chặt về tiêu chuẩn khí thải thì từ hàng chục năm qua xe máy vẫn chưa được kiểm soát.

Ngoài đối mặt với các nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm không khí, GS Bá lo ngại tiếng ồn cũng gây ra nhiều hệ lụy đối với người tham gia giao thông và người dân quanh các điểm ùn tắc.

Nếu tiếp xúc nhiều với âm thanh vượt tiêu chuẩn cho phép, người dân có thể bị giảm khứu giác tác động xấu đến hệ thần kinh. Khi lưu thông qua quãng đường dài kẹt xe, cơ thể trở nên mệt mỏi và nếu kéo dài sẽ dẫn tới stress.

Theo Zing.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến