Dòng sự kiện:
Người dân vùng 'rốn lũ' Chương Mỹ: Sống trong nỗi lo '3 mất'
06/08/2018 18:15:35
Cuối tháng 7, những cơn mưa lớn đã khiến nhiều vùng ngoại ô Hà Nội thành 'ốc đảo'. Đến nay, cuộc sống người dân huyện Chương Mỹ vẫn bị chìm trong biển nước, sống trong cảnh '3 mất': Mất điện, mất nước và mất trộm.

 

Nước lũ  len lỏi mọi ngóc ngách bủa vây khắp làng xóm.

Lo lắng bị mất trộm tài sản

Sau những ngày mưa, nước bủa vây khắp các con đường làng, xã thuộc huyện Chương Mỹ. Người già và trẻ nhỏ đi sơ tán sang vùng khác để đảm bảo sức khỏe, tránh mối nguy hiểm dịch bệnh. Còn lại, người lớn phải cắt cử thay nhau trực chiến, bám trụ để trông nhà, trông giữ tài sản.

Vốn neo người, nay lũ về, gia đình bà Nguyễn Thị Duyên (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) lại càng khốn khó. Con trai và con dâu bà Duyên vẫn phải đi lái xe công nông thuê đến đêm mới về nhà. Các cháu nội phải gửi sang nhà ngoại để bà Duyên tiện việc “chạy ra chạy vào” trông nom nhà cửa. “Nhà còn mỗi cái tivi, tháo ra cũng không biết gửi ở đâu, không để thuyền mang theo bên người được. Hàng ngày, tôi chỉ loanh quanh ra cổng rồi lại vào, nhỡ ai lấy mất thì gia đình trắng tay”, bà Duyên than thở. 

 

Ngôi nhà từng đầy ắp tiếng cười của mấy đứa cháu nội, giờ đây chỉ còn lại bà Duyên với biển nước. 

Cùng chung nỗi lo với bà Duyên, anh Nguyễn Văn Sáng (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) cho biết: “Của nải trong nhà không đáng bao nhiêu tiền nhưng nước về ngập hết, hỏng gần hết. Biết thế nhưng vẫn phải trông nhà, nhỡ mất cái gì, không biết bao giờ mới mua lại được”.

 

Anh Sáng cúi đầu vào cổng vì nước lên quá cao.

Cuộc sống thiếu thốn, chắt chiu từng giọt nước

Bên cạnh nỗi lo lắng mất trộm, bà con Chương Mỹ còn canh cánh nỗi lo lắng mất nước, mất điện sinh hoạt. Chắt chiu từng giọt nước sạch, tính toán cách tiết kiệm từng ca nước mưa là “bài toán” khó bao trùm lên khung cảnh sống lay lắt vượt qua ngày của người dân Chương Mỹ.

Chi sẻ với PV Báo Lao động, anh Nguyễn Tất Hùng (xã Nam Phương Tiến) cho biết, lũ tràn về, các giếng nước trong thôn đều bị bẩn, không sử dụng được. Cả tuần nay, gia đình anh Hùng ăn mì tôm sống trừ bữa. Nước pha mì thì đến nay người lớn cũng phải tiết kiệm để có nước uống.

 

“Nước sạch bây giờ quý hơn vàng. Nước sạch được phát rất ít, chủ yếu ưu tiên cho trẻ con và người già, dùng để uống và nấu ăn. Giặt giũ, rửa chân tay dùng nước lũ. Hơn một tuần nay, cả nhà tôi còn chưa được tắm. Mưa xuống vừa mừng vừa sợ. Mừng vì có nước dùng nhưng sợ không biết bao giờ mới hết ngập”, anh Hùng than thở.

 

Theo ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, thống kê sơ bộ, toàn huyện bị thiệt hại hơn 1.380ha lúa; gần 308ha rau màu và 603 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, diện tích nhà ở bị sập đổ lên đến 170m2; 1,8km đường giao thông nông thôn bị sạt lở và 850 m kênh mương bị hư hỏng, hàng chục nghìn gia súc gia cầm bị chết và mất, chuồng trại bị hư hỏng nặng…

Ngoài ra, 6 nhà văn hóa, 4 trường học và 4 di tích bị ngập và hư hỏng. Toàn bộ hơn 3.600 hộ bị ngập nước, không chỉ đời sống kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

 

“Những ngày qua, nước rút chậm khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân hết sức vất vả, đi lại khó khăn. Nước sinh hoạt đang thiếu nghiêm trọng vì nước ngập sâu dẫn đến tình trạng bị ô nhiễm. Huyện đã huy động 100% các cơ quan thường trực tham gia phòng chống úng lụt, thực hiện nghiêm túc công tác cứu trợ, khám chữa bệnh và vệ sinh môi trường trong các xã, thị trấn trong vùng ngập úng. Đặc biệt, cần chủ động đề phòng đê bị tràn, xói lở có thể gây ra vỡ đê”, ông Hoàng Minh Hiến nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch huyện Chương Mỹ, huyện  đã huy động lực lượng tại chỗ gần 5.000 người và chỉ đạo vận hành 16 trạm bơm tiêu, đặc biệt tại các khu nước nội đồng khu vực tả Bùi, hữu Đáy cùng hơn 130 phương tiện các loại, hơn 74.800 bao tải, gần 1.000 hộ phải cắt điện để đảm bảo an toàn.

 

Nước đã bắt đầu rút nhưng những tổn thất của người dân Chương Mỹ vẫn còn kéo dài mãi, in đậm trong ký ức mỗi người. Dịch bệnh, rác thải, thiếu nước sạch, thiếu điện, nhà cửa ngập úng, đồ đạc hư hỏng... đau đáu nỗi buồn của những người nông dân sau lũ. Đến nay, ước mơ duy nhất của họ là có cuộc sống “bình thường” như trước khi cơn lũ đến.

Theo báo Lao Động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến