Dòng sự kiện:
Người hùng phá bom ở Điện Biên Phủ: 'Sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần'
28/04/2024 10:27:20
Những ký ức về một thời bom đạn của người lính Cao Xuân Thọ là minh chứng cho sự hy sinh, tình yêu với Tổ quốc của thế hệ cha ông trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Anh hùng phá bom mở đường cho chiến dịch Điện Biên Phủ

Những ngày tháng 4 lịch sử, ngôi nhà nhỏ của cụ Cao Xuân Thọ (SN 1925), xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) lại tất bật khách đến thăm.

Cụ Thọ năm nay đã 99 tuổi, không đủ sức khỏe để kể hết từng sự kiện trong suốt năm tháng ở chiến trường, nhưng cuộc đời người lính kháng chiến chống Pháp, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ của cụ đã được ghi chép lại, để con cháu không quên quá khứ hào hùng đáng tự hào của ông cha. 

Năm 1946, người thanh niên Cao Xuân Thọ rời quê hương Thanh Hóa lên đường theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Đến năm 1947, ông vào quân ngũ Đại đoàn 308, Trung đoàn 108 phục vụ chiến dịch Thu Đông. Năm 1949-1951, thì phục vụ chiến dịch Cao – Bắc – Lạng, sau đó thì đi học quân báo ở Trung Quốc. 

Cao Xuân Thọ (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng đội tại Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần thứ hai ngày 7/7/1958

Đầu năm 1951, ông trở về nước và gia nhập đội TNXP phục vụ chiến dịch Hòa Bình, Thượng Lào và chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong thời gian phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được giao giữ chức vụ Đội trưởng đội phá bom Đại đội 404, Đội TNXP 40. Đơn vị của ông được giao phá bom phục vụ kháng chiến ở “ngã ba lửa” Cò Nòi, nơi giao nhau của những con đường huyết mạch vào Điện Biên Phủ. Đây được xem là huyết mạch nối đường 13 với đường 41, là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc, là tuyến đường nối đồng bằng Bắc bộ, Chiến khu Việt Bắc, khu IV với chiến trường Điện Biên.

Mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực... lên chiến trường Điện Biên đều phải qua nút thắt quan trọng này, vì vậy địch đã tìm mọi cách nhằm chặt đứt sự chi viện của quân dân ta với chiến dịch.

Nói về những ngày tháng gian khổ, hào hùng ấy, trong cuốn sổ của mình, cụ miêu tả sống động: “Pháp triệt để lợi dụng điểm yếu của ngã ba Cò Nòi để tập trung không quân đánh phá ác liệt nhằm chặt đứt con đường huyết mạch duy nhất lên Điện Biên Phủ. Số lần đánh phá ngày một dày đặc hơn. Có ngày chúng ném xuống đây 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom bươm bướm với trọng lượng 69 tấn thuốc nổ. Tốp máy bay này vừa rời đi, tốp máy bay khác lại kéo đến, chưa phá xong loạt trước, loạt sau lại rải xuống. Bom chồng bom, thi nhau phát nổ, khói lửa ngập trời. Nhưng bom đạn địch không thắng nổi ý chí của anh em chúng tôi. Các đại đội đã hạ quyết tâm TNXP còn thì mạch máu giao thông được giữ vững”.

Lần nào đi phá bom, những người lính trong đội cũng xác định mình sẽ chết. Trong đời binh nghiệp của mình, cụ nhớ nhất là lần uống nước mắm để phá bom, đây cũng chính là 1 trong 4 lần “được” đồng đội làm truy điệu sống. Đó là vào một buổi chiều tháng 3/1954, cụ được lệnh về hỗ trợ gỡ bom nổ chậm tại cầu Tà Vài với độ sâu gần 4m.

“Lệnh của cấp trên phải phá được bom trước 18h. Đồng chí Trần Văn Cam lặn xuống thăm dò nhưng ngoi lên luôn vì rét quá. Chợt nhớ đến kinh nghiệm của người dân đi biển, tôi liền xin chỉ huy vài lít nước mắm nguyên chất rồi nhắm mắt uống liền 3 – 4 bát. Sau một hồi lặn xuống thì phát hiện quả bom nằm trong khe đá. Trước khi lặn, tôi dùng dây rừng buộc vào người rồi thống nhất, lúc nào ốp được bộc phá vào ngòi, đấu dây cháy chậm xong thì giật ba lần để anh em kéo lên bờ. Sau 10 phút kích nổ, một tiếng nổ vang trời, bọt nước tung trắng xóa cao hàng chục mét. Cầu Tà Vài được thông, làm tôi quên mất cái lạnh, quên cả những hiểm nguy mình vừa mới trải qua”, cụ nhớ lại.

Ông Thọ cùng những người đồng đội nhận phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Kết thúc chiến dịch, người lính TNXP Cao Xuân Thọ đã phá được trên 100 quả bom các loại; được Bác Hồ tặng 3 lần Huy hiệu của Người, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, là Chiến sĩ Thi đua toàn quốc của lực lượng công - nông – binh...

Với những gì đã cống hiến, năm 2014, cụ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhớ mãi 4 lần được gặp Bác

“Tháng 12/1953, ông cùng đồng đội về Chiến khu Việt Bắc dự Đại hội Chiến sĩ thi đua yêu nước. Khi mọi người đang kể cho nhau nghe về những chiến công mới giành được, bỗng có tiếng reo lên: “A, Bác Hồ! Bác Hồ đến!”. Cả căn phòng nín lặng trong giây lát rồi bỗng hò reo sung sướng”, cụ kể trong cuốn sổ nhỏ. 

Cụ bảo: "Trước đây được nghe kể về Bác, được nghe giọng Bác qua chiếc đài của đơn vị, đến khi gặp Bác bằng da, bằng thịt mà thấy vừa run, vừa hồi hộp xen lẫn vui sướng, hạnh phúc. Bác nói với chúng tôi rằng: Các chú được chuyển sang đoàn TNXP trung ương, công việc có khó khăn, chiến đấu phải hy sinh xương máu nhưng Bác tin các chú là người đầu tàu gương mẫu nên sẽ vượt qua được những khó khăn, thử thách. Rồi Bác nhờ đồng chí Vũ Kỳ gắn Huy hiệu Bác tặng cho ba chúng tôi là Cao Xuân Thọ, Nguyễn Văn Kích và Nguyễn An Tiêm. Những lời nói ân cần, những cử chỉ thân mật, những dặn dò của Bác... từ đó đã trở thành động lực thôi thúc tôi trong suốt quá trình sống và chiến đấu”. 

Lần thứ 2 được gặp Bác là sau chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, “vua phá bom” Cao Xuân Thọ cùng 15 chiến sĩ thi đua về dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn đoàn TNXP tại Hà Nội.

Lần này về dự đại hội, cụ Thọ cùng các đồng chí được đến thăm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và đến thăm Bác tại Phủ Chủ tịch. Ông Thọ nhớ lại: “Gặp Bác, Bác khen “thành tích về phá bom nổ chậm ở Điện Biên Phủ của các chú là rất tốt. Đồng chí hiệu trưởng đã ca ngợi các chú, các chú là tấm gương để sinh viên được học tập tại chỗ. Nói đến đó, Bác chia quà cho chúng tôi rồi cùng chúng tôi hát bài hát Đoàn kết là sức mạnh”.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, năm 1955, công trường 111 của ông được nhận nhiệm vụ làm đường từ Lai Châu đến biên giới Vân Nam, Trung Quốc. Đây là con đường hoàn toàn mới, núi cao hiểm trở nên cái gì cũng thiếu. Nhớ lời Bác dạy: “thực túc binh cường”, cả đại đội phát động phong trào tăng gia sản xuất.

“Đến khi thu hoạch, đơn vị đã cử tôi cùng 3 đồng chí nữa vào rừng chặt tre đan 2 cái sọt để đựng 10 kg su hào, 1 cây cải sen nặng 12 kg về Hà Nội biếu Bác. Khi đến Phủ Chủ tịch, chúng tôi được đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác ra đón. Bác rất vui khi nhận quà của đơn vị, rồi khen chúng tôi rằng các chú làm được như thế là rất tốt. Bác bảo, “các chú không những bảo vệ, làm đường giỏi, phá bom giỏi mà sản xuất cũng rất giỏi”. Trong lần gặp này, Bác đã tặng cờ thi đua cho Đại đội 407 của chúng tôi”, cụ Thọ kể lại.

Lần cuối cùng được gặp Bác là dịp ông Cao Xuân Thọ cùng 11 đồng chí của Đội 34 - 40 được về Thủ đô Hà Nội dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua công – nông - binh toàn quốc. Tại đại hội, ông cùng đồng đội đã được Bác Hồ bắt tay và khen ngợi “Bác rất vui khi biết các chú là thanh niên tiêu biểu, là bông hoa của mùa xuân mà đại hội đã bầu ra”... 

“Được gặp Bác Hồ lần thứ 4 này, tôi và đồng chí Nguyễn Tiến Thụ cảm động đến trào nước mắt khi được nắm đôi tay Người, được nhận phần thưởng của Nhà nước tặng. “Người ta được gặp Bác một lần đã thấy mình rất hạnh phúc và vinh dự, còn tôi vinh dự hơn khi được gặp Bác 4 lần. Được Người trực tiếp ân cần, dặn dò và biểu dương, khen thưởng... Đó là những khoảng khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời của một người lính...”, cụ nói.

Năm 2014, cụ Cao Xuân Thọ là một trong 3 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì những công lao của ông góp phần làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu” Điện Biên Phủ năm 1954.

Giờ đây, cụ Thọ đang ở tuổi 99, sống tại xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa)

Hơn nửa đời người sinh sống tại Hà Nội, thế nhưng, cuối đời ông tha thiết được trở về mảnh đất quê nơi chôn rau cắt rốn. Ông đưa vợ về sống tại xã Hoàng Giang, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).

Sống giản dị trong một ngôi nhà nhỏ cùng người vợ, ít ai ngờ, cụ già tóc bạc phơ, có vẻ ngoài gầy gò, dáng lưng hơi còng này chính là người lính, người thanh niên xung phong mưu trí, anh dũng, đã bao lần cảm tử ở chiến trường đánh Pháp năm nào.

Ở tuổi 99, sức khỏe không còn được như như xưa, nhưng ông cụ vẫn bồi hồi mỗi dịp đất nước kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đôi tay gân guốc run run, cụ lật lại từng tấm ảnh, tấm huy chương, những kí ức về một thời bom lửa ấy cứ chảy mãi một dòng vô tận.

Để lại những năm tháng thanh xuân ở chiến trường, ở đó, có máu thịt của ông, có sinh mạng của những người đồng đội. Tất cả họ đều là những anh hùng, họ cùng chung lý tưởng, sẵn sàng hy sinh vì sự sống còn của Tổ quốc, dân tộc.

“Khi đất nước lâm nguy, khi Tổ quốc cần thì mỗi người dân yêu nước, nhất là thanh niên, ai cũng có thể trở thành những anh hùng. Ký ức về những năm tháng chiến tranh thì nhiều vô kể, không thể nói hết trong một lúc. Tôi mong con cháu sẽ hiểu về lịch sử và đừng quên quá khứ của dân tộc”, người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nói.

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến