Ông Nguyễn Văn Chiến, em rể ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đăng ký bán ra toàn bộ 10.726.794 cổ phiếu HSG để giảm sở hữu từ 1,74%, về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 14/9 đến ngày 13/10.
Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 8/9 là 22.000 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Chiến sẽ thu về số tiền lên tới 235,99 tỷ đồng nếu thoái ra toàn bộ hơn 10,7 triệu cổ phiếu HSG.
Bối cảnh ông Chiến đăng ký bán, cổ phiếu HSG có nhịp tăng nóng và là một trong số cổ phiếu tăng nóng nhất sàn chứng khoán. Trong đó, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 8/9/2023, cổ phiếu HSG tăng 208%, từ 7.140 đồng lên 22.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, ông Đinh Viết Duy, thành viên HĐQT vừa bán ra 24.500 cổ phiếu HSG để giảm sở hữu từ 37.212 cổ phiếu (0,006% vốn điều lệ), về 12.712 cổ phiếu (0,002% vốn điều lệ), giao dịch được thực hiện từ ngày 4/8 đến ngày 30/8.
Quý III/2023, lãi Hoa Sen giảm 94,7%, luỹ kế 9 tháng ghi nhận lỗ 410 tỷ đồng
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III niên độ tài chính 2022 - 2023 (từ ngày 1/4/2023 đến 30/6/2023), Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 8.645,78 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 14,16 tỷ đồng, giảm 94,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 13,1%, về còn 10,3%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 44,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 702,87 tỷ đồng, về 892,1 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 71,2%, tương ứng giảm 31,36 tỷ đồng, về 12,71 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 70,6%, tương ứng giảm 154,29 tỷ đồng, về 64,15 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 26%, tương ứng giảm 294,29 tỷ đồng, về 835,97 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong kỳ mặc dù tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng lợi nhuận vẫn giảm 94,7%, nguyên nhân chủ yếu vẫn do lợi nhuận gộp suy giảm mạnh.
Luỹ kế 9 tháng đầu niên độ 2022 – 2023, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 23.544,1 tỷ đồng, giảm 43,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 410 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 1.128 tỷ đồng, tức giảm 1.548,05 tỷ đồng.
Được biết, trong niên độ 2022 - 2023, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên hai kịch bản.
Kịch bản đầu tiên với phương án sản lượng thành phẩm 1,4 triệu tấn, Công ty lên kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 100 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.
Kịch bản thứ hai tích cực hơn với sản lượng thành phẩm là 1,5 triệu tấn, ước tính doanh thu là 36.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 300 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, cho dù là kịch bản nào, với việc lỗ trong 9 tháng đầu năm niên độ 2022-2023, Hoa Sen còn cách rất xa kế hoạch lãi niên độ 2022-2023.
Trước đó, chia sẻ với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 10/3/2023, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen cho biết, thời điểm khó khăn nhất của đã qua, Công ty bắt đầu có lãi từ tháng 2/2023.
Giảm tồn kho, tăng phải thu ngắn hạn trong 9 tháng niên độ 2022 - 2023
Tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của Hoa Sen giảm 2,9% so với đầu kỳ, tương ứng giảm 498,8 tỷ đồng, về 16.526,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 6.248,8 tỷ đồng, chiếm 37,8% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 5.224,8 tỷ đồng, chiếm 31,6% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.416,4 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, tài sản biến động mạnh chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn tăng 66,4% so với đầu kỳ, tương ứng tăng thêm 964,3 tỷ đồng, lên 2.416,4 tỷ đồng; tồn kho giảm 15,5% so với đầu kỳ, tương ứng giảm 1.146,5 tỷ đồng, xuống 6.248,8 tỷ đồng.
Đối với các khoản phải thu, biến động tăng chủ yếu liên quan tới phải thu khách hàng các bên liên quan ghi nhận 389,6 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận; các bên khác tăng thêm 552,8 tỷ đồng, lên 1.738,5 tỷ đồng. Trong đó, phải thu bên liên quan chủ yếu là 389,54 tỷ đồng của Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen.
Đối với cơ cấu tồn kho, Công ty đang giảm hàng hoá, thành phẩm, nguyên liệu, vật liệu … Trong đó, giảm dự phòng từ 715,7 tỷ đồng, xuống chỉ trích lập 211,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính tới 30/6/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 4,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 183 tỷ đồng, lên 4.370 tỷ đồng và chiếm 26,4% tổng nguồn vốn (đầu kỳ chiếm 24,6% tổng nguồn vốn).
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/9, cổ phiếu HSG tăng 500 đồng lên 22.000 đồng/cổ phiếu.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy