Dòng sự kiện:
Người Thái yêu cầu VTV xin lỗi vụ lấy khăn Piêu đóng khố
15/10/2014 10:36:00
ANTT.VN – Rất nhiều người Thái trên cả nước bức xúc về việc nhóm nhạc F Band lấy khăn Piêu đóng khố, biểu diễn trong đêm Bán kết chương trình X – Factor – Nhân tố bí ẩn diễn ra ngày 12/10 vừa qua.

Khăn Piêu là biểu tượng văn hóa thiêng liêng của người Thái

Nguồn gốc chiếc khăn Piêu gắn với một truyền thuyết. Chuyện kể rằng, ngày xưa lắm, có một mường (làng - PV) toàn đàn bà sinh sống với nhau. Bất kỳ một người đàn ông nào đi qua đều bị giết chết. Một hôm, có một người đàn bà đi rừng và gặp một người đàn ông ở mường khác lạc sang. Hai người đi lại với nhau và sinh được một người con trai. Về sau, người con trai lớn lên và thấy được cách sống vô lý của "mường mẹ" nên đã sang "mường bố" huy động lực lượng sang đánh. Mường đàn bà thất bại, xin mường đàn ông tha chết và hứa sẽ ở chung với mường đàn ông. Để đánh dấu sự thất bại của họ, mường đàn ông bắt họ đội khăn có in những dấu ngón tay đã điểm chỉ vào đó, gọi là những chiếc "cút".

Khăn Piêu được phụ nữ tự dệt bằng loại vải bông, nhuộm chàm, thêu các hoa văn với các loại chỉ màu ở hai đầu khăn. Để làm một chiếc khăn Piêu phải mất từ 2 đến 4 tuần thêu liên tục. Nhưng phụ nữ Thái chỉ thêu trong lúc nông nhàn, rảnh rỗi, cho nên xong một chiếc khăn phải qua hàng tháng trời. Thêu khăn Piêu đòi hỏi sự khéo léo. Vì vậy, từ khi 6, 7 tuổi, người con gái Thái phải học tập cách thêu các hoa văn. "Piêu" đã trở thành một tiêu chuẩn xã hội để đánh giá người phụ nữ tài hoa siêng năng hay vụng dại, lười nhác.

Thêu khăn Piêu đòi hỏi sự khéo léo của người phụ nữ Thái

Trong đời sống tình cảm của người Thái, trai gái yêu nhau còn nhờ chiếc khăn Piêu nói hộ lòng mình. Lúc xa nhau, các cô gái thường tặng chàng trai mình yêu mến chiếc khăn Piêu đẹp nhất. Chiếc Piêu từ giây phút đó trở thành cầu nối tình yêu của họ. Đối với chàng trai, khăn Piêu ghi dấu tài hoa, hơi ấm bàn tay cô gái mình yêu.

Vào các dịp lễ hội, khi một cô gái tung còn, chàng trai nào bắt được phải đền cho cô gái một hoặc hai đôi vòng bạc. Ngược lại, khi chàng trai ném còn, nếu cô gái không bắt được phải đem khăn Piêu ra tặng. Nhiều khi vì cớ đó mà họ yêu nhau. Nếu cô gái không yêu chàng trai thì có thể đem vật khác đến xin lại chiếc khăn Piêu của mình.

Khi tình yêu không thành, chuyện tình ngắn ngủi được người Thái ví như "đời Piêu, đời vải". Họ cho rằng, tình cảm đôi lứa không thành như "Piêu lụa xoạc đôi" mà "Piêu lụa đã xé đôi không thể đội lại được".

Yêu cầu VTV xin lỗi chính thức

Trong tiết mục đêm bán kết, nhóm nhạc F Band đã biểu diễn chuỗi các ca khúc nổi tiếng của hai nhạc sỹ Trần Tiến và Nguyễn Cường: “Ngọn lửa cao nguyên”, “Còn yêu nhau thì về Buôn Mê Thuột”, “Đôi mắt Pleiku” theo phong cách “mash – up” các ca khúc với nhau.

Điều đáng nói ở tiết mục này là các thành viên F Band đã mặc áo của người Tây Nguyên cho phù hợp với tinh thần bài hát, nhưng họ dùng chiếc khăn Piêu đội đầu của phụ nữ Thái Tây Bắc biến tấu thành chiếc khố đóng ở phía dưới, thay vì sử dụng một chiếc khố đúng trang phục của người Tây Nguyên.

Hình ảnh nhóm F band dùng khăn Piêu đóng khố trong đêm diễn.

Sự việc này khiến nhiều khan giả thấy phản cảm, đặc biệt là những người Thái trên khắp cả nước hết sức phẫn nộ.

Anh Đinh Thành (người dân tộc Thái, trú tại Sơn La) bức xúc: “Sau khi xem xong chương trình Nhân tố bí ẩn phát sóng trên VTV3 tối 12/10/2014, phần hát của nhóm nhạc F Band do nhạc sĩ Dương Khắc Linh hướng dẫn hát về Tây Nguyên nhưng phần trang phục của nhóm hát phần trên là áo của Tây Nguyên nhưng phần dưới đóng khố lại là chiếc khăn Piêu của dân tộc Thái, là một người dân tộc Thái tôi thấy việc nhóm nhạc đó mang chiếc khăn Piêu là biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Thái có ý nghĩa thiêng liêng nhưng họ lại mang về để đóng khố, hết sức phản cảm và xúc phạm danh dự dân tộc Thái.

Chuyện tình yêu của trai gái Thái thật mãnh liệt, say sưa, xong cũng thật chân tình, mộc mạc, đằm thắm qua chiếc khăn Piêu. Khăn Piêu vừa là nét đẹp trang phục truyền thống, vừa thể hiện tinh hoa trong văn hoá ứng xử cần được nâng niu và giữ gìn.

Việc ban tổ chức chương trình Nhân tố bí ẩn sử dụng chiếc khăn Piêu sai công dụng, bôi nhọ hình ảnh chiếc khăn Piêu là không chấp nhận được, có thể các bạn nhóm nhạc không biết nhưng ban tổ chức phải có bộ phận trang phục, kiểm duyệt tiết mục chứ, sao lại đưa hình ảnh phản cảm lên sóng truyền hình quốc gia vậy.

Tôi nhớ ở chương trình Bài hát yêu thích năm 2013 ca sĩ Tùng Dương đã thể hiện ca khúc Chiếc khăn Piêu của nhạc sĩ Doãn Nho và đã dành giải thưởng cao nhật vậy sao ban tổ chức không biết được.

Xin thay mặt toàn thể đồng bào Thái sinh sống trên Việt Nam mong muốn Nhóm nhạc F Band và quan trọng là ban tổ chức đưa ra lời xin lỗi chính thức trước truyền thông để dành lại danh dự cho dân tộc Thái và hình ảnh khăn Piêu không bị bôi nhọ”.

Chị Tuyết - Sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: "Chiếc khăn Piêu là biểu tượng văn hóa của người Thái, thông thường phải mất 3 tháng thì người con gái Thái mới thêu xong chiếc khăn. Việc nhóm nhạc F band dung khăn đóng khố là không thể chấp nhận được. Dù rằng trên trang mạng cá nhân của nhóm đã có lời xin lỗi, nhưng cá nhân tôi và cộng đồng người Thái cần lời xin lỗi chính thức của VTV và nhóm nhạc".

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến