Dòng sự kiện:
Nguồn vốn nào để triển khai 500 dự án truyền tải điện
28/05/2023 14:31:31
Có hơn 500 dự án truyền tải điện được đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII và ít nhất phải chờ kế hoạch thực hiện được ban hành, mới biết ai sẽ là chủ đầu tư của dự án.

Các nguồn vốn xã hội hóa rất được chờ trông để thực hiện kế hoạch phát triển mạng lưới truyền tải điện.

Nhu cầu vốn khoảng 1,5 - 1,9 tỷ USD/năm

Quy hoạch Điện VIII vừa được ban hành hôm 15/5 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021 - 2030 tương đương 134,7 tỷ USD, trong đó nhu cầu cho truyền tải trung bình khoảng 1,5 tỷ USD/năm. Với giai đoạn 2031 - 2050, ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải là 399,2 - 523,1 tỷ USD, trong đó nhu cầu cho truyền tải khoảng 1,7 - 1,9 tỷ USD/năm.

Theo các chuyên gia, với các phác họa hiện nay, hàng năm, đầu tư cho truyền tải điện sẽ phải tiêu khoảng 40.000 tỷ đồng - con số không nhỏ so với thực tế huy động vốn cho truyền tải bấy lâu. Đơn cử, năm 2022, là đơn vị đầu tư chính và chủ lực của hệ thống truyền tải cả nước, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) mới hoàn thành khối lượng đầu tư với giá trị 16.868 tỷ đồng, đạt 83,1% kế hoạch, giải ngân khối lượng đầu tư xây dựng là 16.524 tỷ đồng, đạt 81,4% kế hoạch.

Tìm vốn ở đâu?

Để có thể thực hiện kế hoạch phát triển mạng lưới truyền tải đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII, các nguồn vốn xã hội hóa rất được chờ trông. Trong các giải pháp tìm kiếm vốn đầu tư vào ngành điện, Quy hoạch cũng ghi rõ, nghiên cứu, cụ thể hóa chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải.

Dẫu vậy, nhìn vào thực tế triển khai Luật Điện lực sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/3/2022, thì chuyện kêu gọi xã hội hoá đầu tư vào truyền tải là không đơn giản. Cho tới nay, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật vẫn chưa được ban hành.

Còn nhớ, khi Luật Điện lực sửa đổi 2022 có hiệu lực được 6 tháng, các chuyên gia của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) thừa nhận, có rất nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình luật hóa các quy định để áp dụng chung cho việc đầu tư vào truyền tải giai đoạn sắp tới. Đó là, Luật Điện lực trước khi sửa đổi vào năm 2022 quy định, Nhà nước độc quyền về truyền tải, vì thế các hoạt động đầu tư lưới truyền tải vẫn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mà cụ thể là EVNNPT thực hiện chủ yếu.

Thực tế, vẫn có một số thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư lưới phân phối ở các khu đô thị, khu công nghiệp hay phạm vi xã, nhưng quy mô và cấp điện áp rất nhỏ, hay vẫn có những nhà máy/cụm nhà máy thủy điện đầu tư đường dây để nối công trình với điểm đấu nối của hệ thống điện quốc gia.

Tuy nhiên, chính sự bùng nổ các nhà máy năng lượng tái tạo giai đoạn 2019 - 2020 và việc một số tập đoàn tư nhân được phép đầu tư đường dây và trạm biến áp 220/500 kV - là cấp điện áp quan trọng - đã khiến câu chuyện xã hội hóa truyền tải trở nên nóng bỏng.

Khác với nhìn nhận của số đông về việc tư nhân “sẵn sàng” tham gia truyền tải qua các ví dụ trên, dưới góc độ chuyên ngành, lại có một sự thật hoàn toàn khác. Đó là các đường dây và trạm biến áp do tư nhân đầu tư thần tốc này chỉ nhằm phục vụ truyền tải điện từ nhà máy của họ tới điểm đấu nối của EVN (vốn không có trong quy hoạch điện, nên chưa biết bao giờ mới được đầu tư) để đạt được mục tiêu có ngày vận hành thương mại trong khoảng thời gian đã định nhằm hưởng được mức giá bán điện cao ngất ngưởng.

Ông Đặng Huy Cường, thành viên Hội đồng Thành viên EVN cho biết, tư nhân đầu tư đường dây cùng nhà máy điện của mình để giải toả công suất thì thu hồi được chi phí đầu tư truyền tải thông qua hợp đồng bán điện cho EVN, hoặc từ các nhà đầu tư thuê truyền tải điện của mình tới điểm kết nối để lên lưới quốc gia. Tuy nhiên, nếu chỉ là dự án tăng cường ổn định truyền tải lưới điện, thì ai là bên trả tiền cho nhà đầu tư vì EVN sẽ không trả.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, sẽ xây dựng mới 49.350 MVA và cải tạo 38.168 MVA trạm biến áp 500 kV; xây dựng mới 12.300 km và cải tạo 1.324 km đường dây 500 kV; xây dựng mới 78.525 MVA và cải tạo 34.997 MVA trạm biến áp 220 kV; xây dựng mới 16.285 km và cải tạo 6.484 km đường dây 220 kV.

Nguồn: Quy hoạch Điện VIII
Theo công bố của Đoàn kiểm tra liên ngành về chi phí sản xuất - kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN, năm 2021, giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 65,78 đồng/kWh, năm 2022 là 69,44 đồng/kWh.

Trong khi đó, nghiên cứu của Tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIET SE) cho hay, với mức giá truyền tải khoảng 86,25 đồng/kWh, chiếm 4,63% giá điện bình quân và dự kiến tăng lên cao nhất là 145,37 đồng/kWh trong giai đoạn 2021 - 2030, thì các phương án huy động vốn đều không khả thi, cho dù vốn đầu tư là vốn nhà nước hay ngoài nhà nước.

Như vậy, với danh mục không dưới 500 dự án đường dây và trạm biến áp nhiều cấp điện áp khác nhau được ghi tên và tiến độ trong Quy hoạch Điện VIII, cũng nhìn thấy tương lai khó hấp dẫn tư nhân vào đầu tư, nếu không gắn với nhà máy của họ và không có giá tốt.

Phải chờ giao việc

Quy hoạch Điện VIII ghi rõ, “EVN sẽ chỉ thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải theo nhiệm vụ được giao”. Nhưng danh sách hơn 500 dự án truyền tải điện nêu trong Quy hoạch không ghi cụ thể đơn vị thực hiện.

Trong khi đó, có rất nhiều công trình truyền tải như lưới và trạm biến áp 220/500 kV có vị trí và thời gian vào hoạt động cụ thể, nhưng chắc chắn là không có tư nhân nào đầu tư, bởi không có lợi ích gì. Ngay cả với một số đường dây cũ do các đơn vị của EVN đầu tư trước đây sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp công suất, thì các nhà đầu tư tư nhân cũng không lao vào.

Nhưng dù vậy, các dự án như trên cũng phải có tiêu chí chọn nhà đầu tư, chứ không phải nghiễm nhiên EVN hay EVNNPT được làm.

Theo các chuyên gia, Quy hoạch Điện VIII giao Bộ Công thương hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch thực hiện trong tháng 6/2023. Như vậy, Bộ sẽ phải đưa ra danh sách cụ thể dự án truyền tải nào do ai làm, thì mới tính được tiếp vốn huy động ra sao.

Tác giả: Thanh Hương

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến