Dòng sự kiện:
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại nhiều địa phương sau lũ quét, sạt lở đất
28/06/2018 10:02:28
Lũ quét và sạt lở đất xảy ra ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, gây nguy cơ bùng phát dịch, ô nhiễm môi trường...

Ngày 27/6, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Theo thông báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa lớn và dông mạnh đã kéo dài từ đêm 22/6, lũ quét và sạt lở đất xảy ra ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai... gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ quét, sạt lở đất, ô nhiễm môi trường tại nhiều địa phương.

Mưa lũ gây ngập lụt tại huyện Văn Bàn (Lào Cai). 

Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các phương án ứng phó về y tế và công tác phòng, chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau lũ lụt, sạt lở đất; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lụt đã được đăng tải trên website của Cục Y tế dự phòng. 

Địa phương triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau bão lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. 

Sở y tế các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ và ngập lụt như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...; duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới; tổ chức các đoàn đi kiểm tra, hướng dẫn người dân về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm khi cần thiết. 

Đồng thời, sở y tế hỗ trợ cung cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng bị lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt; tăng cường giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung, đảm bảo nồng độ Clo dư luôn đạt 0,3 - 0,5 mg/lít tại vòi sử dụng, người dân có nước an toàn để sử dụng. 

Các tỉnh cần bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm cho các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão, sạt lở đất và ngập lụt...

Theo TTXVN

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến