Dòng sự kiện:
Nguy cơ phá sản, BOT cầu Bạch Đằng gửi đơn cầu cứu khẩn cấp Thủ tướng
07/04/2020 06:40:19
Đứng trước nguy cơ phá sản, Doanh nghiệp dự án – CTCP BOT cầu Bạch Đằng cùng các nhà đầu tư Dự án BOT xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao vừa cùng ký văn bản xin Thủ tướng giải cứu.

Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư theo hình thức BOT, khởi công tháng 9/2014 với tổng chiều dài 5,3km, tổng vốn đầu tư hơn 7.270 tỷ đồng. Cầu Bạch Đằng có chiều dài 5,4 km bao gồm cả đường dẫn, rộng 25m, thiết kế 4 làn xe. Đây là cây cầu kết nối tỉnh Quảng Ninh với thành phố Hải Phòng, thuộc tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và nối trực tiếp vào tuyến cao tốc Hải Phòng - Hà Nội.

Các nhà đầu tư tại Dự án này là Trung Nam Group, Phúc Lộc – Cường Thịnh Thi – Cienco1 – Cái Mép; Công Thành – Phương Thành; Tập đoàn SE (Nhật Bản).

Ngày 1/9/2018, cầu Bạch Đằng chính thức thông xe, bắt đầu thu phí từ ngày 15/10 với mức giá từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng tùy từng phương tiện.

Tuy nhiên theo CTCP BOT cầu Bạch Đằng, kể từ khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép thu phí hoàn vốn vào tháng 10/2018 đến nay, tình hình thu phí hoàn vốn tại Dự án là rất đáng lo ngại.

Một góc Dự án cầu Bạch Đằng

Cụ thể, tính từ khi thu phí đến ngày 31/12/2019, lưu lượng xe trung bình ngày đêm tại Trạm BOT cầu Bạch Đằng chỉ đạt 11.796/26.740 xe, đạt 44,11%; doanh thu thu phí lũy kế đạt 245,5 tỷ đồng/669 tỷ đồng đạt 36,7% so với phương án tài chính.

Nguyên nhân chủ yếu, theo doanh nghiệp dự án, là do lưu lượng, thành phần dòng xe qua trạm không đạt dự báo và mức phí đang thấp hơn rất nhiều so với mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT – BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT. Do doanh thu không đủ để trả lãi vay ngân hàng nên doanh nghiệp dự án đang phải sử dụng vốn tự có để bù đắp khoản lãi vay là 320 tỷ đồng và dự kiến phải chi thêm cho mỗi tháng tiếp theo khoảng 22 tỷ đồng/tháng.

Đến hết tháng 4/2020, doanh nghiệp dự án sẽ không còn khả năng chi trả và đứng trước nguy cơ phá sản doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đơn vị tài trợ tín dụng cho Dự án là Vietinbank – Chi nhánh Ba Đình cũng có nguy cơ không tái cấu trúc được khoản nợ này, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chỉ tiêu an toàn tín dụng của toàn hệ thống Vietinbank.

Thực hiện các giải pháp để giải cứu doanh nghiệp dự án, ngay từ đầu năm 2019, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và ngân hàng Vietinbank đã có nhiều văn bản kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét hỗ trợ như: điều chỉnh tăng mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ lên mức tối đa và tính toán điều chỉnh lại phương án tài chính; sử dụng ngân sách của tỉnh để hỗ trợ hoặc cho công ty vay để bù một phần dòng tiền thiếu hụt tại Dự án, đảm bảo đủ thanh toán nghĩa vụ nợ đến hạn; chia sẻ rủi ro trong trường hợp doanh thu thực tế sai khác; xem xét chuyển Dự án sang loại hình công trình sử dụng 100% vốn ngân sách…

Đại diện doanh nghiệp dự án cho biết là UBND tỉnh Quảng Ninh, Vietinbank đã tổ chức một loạt các cuộc họp để tìm giải pháp tháo gỡ nhưng chưa có kết quả với lý do các đề xuất xin hỗ trợ chưa có chính sách cụ thể của Nhà nước hướng dẫn.

"Đến nay, nguy cơ phá sản doanh nghiệp là rất rõ ràng nếu không được sự xem xét tháo gỡ của Chính phủ", đại diện doanh nghiệp dự án khẳng định.

Ở một diễn biến ngược lại, vào năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm 2,42 năm thu phí BOT cầu Bạch Đằng so với phương án tài chính nêu tại hợp đồng BOT. CTCP BOT Bạch Đằng cũng phải điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính, quyết toán và không tính vào chi phí hoàn vốn dự án hơn 286 tỷ đồng.

Đề xuất trên của Kiểm toán Nhà nước xuất phát từ thực tế kiểm toán phát hiện nhiều sai sót trong kê khai định mức, đơn giá làm tăng chi phí tại dự án cầu Bạch Đằng.

Cụ thể, theo kết quả kiểm toán chi phí đầu tư làm dự án này tới tháng 9/2018 là 4.319 tỷ đồng và giá trị được kiểm toán trên 4.312 tỷ. Tuy nhiên số kiểm toán chỉ hơn 4.145 tỷ, giảm trên 167 tỷ đồng do sai khối lượng, đơn giá. Kiểm toán giá trị còn lại 433 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm trên 193 tỷ. 

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án đầu tư như tổng mức đầu tư lập chưa rõ ràng, chưa có đủ dữ liệu báo giá vật tư nhà sản xuất và công bố giá vật liệu để xây dựng dự toán công trình. Mặt khác, tổng mức đầu tư điều chỉnh còn một số chi phí tạm tính, bố trí đường cong tròn mặt cầu, độ dốc dọc đường dẫn cầu chưa phù hợp, khoảng cách từ trạm thu phí đến đầu dốc cầu có thể ảnh hưởng đến quá trình lưu thông...

Trong công tác lựa chọn nhà thầu, thương thảo và ký kết hợp đồng, nhà thầu và nhà tư vấn giám sát chưa có nhiều kinh nghiệm với công trình cầu dây văng 3 nhịp, trụ tháp thấp. Dự án điều chỉnh tiến độ tới 3 lần nhưng chưa hoàn thành toàn bộ theo yêu cầu thiết kế. Đến thời điểm kiểm toán, hầu hết các gói thầu xây lắp chính đều chậm tiến độ so với hợp đồng ban đầu.

Công tác quản lý chi phí đầu tư, việc nghiệm thu và thanh toán một số khối lượng, đơn giá chưa phù hợp, trong đó chi vượt dự toán được duyệt hoặc không tuân thủ các điều khoản cam kết trong hợp đồng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư chưa có phương án thực hiện thanh lý, thu hồi giá trị vật tư, thiết bị còn lại đối với gói thầu điện tạm phục vụ thi công sau khi thi công xong.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát của đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

"Sở Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công ty cổ phần phần BOT cầu Bạch Đằng làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến chậm tiến độ dự án để xác định trách nhiệm của các bên liên quan và xử phạt theo hợp đồng, không tính chi phí lãi vay phát sinh do chậm tiến độ thuộc về doanh nghiệp dự án và nhà thầu", kết luận Kiểm toán Nhà nước nêu.

Kiểm toán cũng yêu cầu các đơn vị làm rõ trách nhiệm các bên liên quan trong việc để xảy ra hiện tượng mặt cầu hoàn thành ghập ghềnh, lượn sóng và đôn đốc các nhà đầu tư, các đơn vị liên quan có biện pháp xử lý mặt cầu.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến