Dòng sự kiện:
Nguy cơ 'vỡ trận' dự án buýt nhanh BRT hàng nghìn tỷ đồng
19/04/2021 09:53:42
Hơn 5 năm đi vào hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT do BQL Dự án đầu tư phát triển (Sở GT TP Hà Nội) phụ trách đã phơi bày toàn bộ sự bất cập, lãng phí, sai phạm trong khai thác vận hành, đầu tư, thi công xây dựng.

Ngao ngán BRT

Vào giờ cao điểm sáng và chiều tối, trên tuyến phố Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu, tình trạng tắc đường xảy ra triền miên, kéo dài hàng km dọc trên những tuyến đường này. Người dân phải di chuyển qua tuyến đường này vào các cung giờ đều cảm thấy ngao ngán.

Từ ngày BRT được triển khai, tuyến đường huyết mạch của TP,  Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu vốn đã chật hẹp, càng bị thu nhỏ hơn. Các loại phương tiện khác chèn nhau trong phần đường còn lại gây ra tắc nghẽn kinh hoàng ở nhiều thời điểm trong ngày.

Dự án bus nhanh BRT đã phơi bày nhiều bất cập từ lúc đi vào hoạt động. 

Do áp lực giao thông lớn vào buổi sáng và giờ tan tầm, việc dành riêng hẳn 1 làn cho xe buýt nhanh BRT khiến phần đường dành cho các phương tiện khác bị hạn chế, co hẹp lại. Vì vậy, tuyến đường này luôn xảy ra tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn, các phương tiện di chuyển luôn gặp khó khăn.

Tưởng chừng con đường chỉ dành riêng cho xe buýt nhanh BRT lại trở thành "lối đi chung" cho các phương tiện khác. Theo ghi nhận của PV, nếu các phương tiện khác lấn làn BRT chưa đủ, họ còn leo lên vỉa hè để được di chuyển, tạo ra bức tranh giao thông vô cùng bát nháo, hỗn độn.

Người dân hàng ngày phải chen lấn, di chuyển qua tuyến phố có BRT đi qua thì vô cùng ngán ngẩm, bức xúc. Anh Nguyễn Nhất Nam (quận Hà Đông) chia sẻ: "Từ ngày tuyến bus nhanh BRT đi vào hoạt động, mỗi lần đi làm là phải chôn chân cả tiếng đồng hồ ở tuyến Lê Văn Lương.

Người, xe, phương tiện chen lấn nhau rất mệt mỏi. Đó chưa kể đến áp lực công việc. Nhiều khi biết phải đối mặt với nguy cơ bị phạt nguội nhưng cũng chấp nhận vì không làm thế sẽ phải trễ giờ làm"

Chị Thu Phương ở Khu đô thị Dương Nội bức xúc: "Tôi làm việc ở khu vực quận Cầu Giấy, hàng ngày cứ nghĩ đến phải qua tuyến Lê Văn Lương là ngán ngẩm không muốn rời nhà.

Không hiểu sao ai lại nghĩ ra cái BRT này không biết. Đường thì hẹp, tự nhiên lại phải nhường chỗ cho một ông xe bus chềnh ềnh giữa đường. Dân đi lại đến là khổ".

Anh Khánh Khôi, Khu đô thị ParkCity Hà Nội hàng ngày phải di chuyển qua tuyến BRT Lê Văn Lương – Láng Hạ - Tố Hữu, chứng kiến cảnh tắc đường chia sẻ: "Chắc tôi phải bán nhà tìm một khu khác để tránh cảnh tắc đường. Chứ chẳng may có người nhà bị ốm mà phải đi cấp cứu vào giờ cao điểm thì chắc không kịp mất. Không biết ai lại nghĩ ra cái BRT này. Nó lãng phí thật!".

Cần làm rõ trách nhiệm

Theo đánh giá của Trung tâm điều hành giao thông công cộng Hà Nội, Tổng hành khách vận chuyển năm 2018 của BRT đạt 5,3 triệu lượt, tăng 6,3%  so với năm 2017; sản lượng năm 2019 đạt 5,5 triệu lượt, tăng 3,7%  so với thực hiện năm 2018. Năm 2020, đạt 5,356 triệu lượt hành khách, giảm 2,6 % do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Có được kết quả trên là do buýt BRT có một số ưu điểm tạo sự khác biệt so với xe buýt thông thường. BRT có làn đường dành riêng nên chạy được thông thoát, êm thuận, tốc độ chạy xe trung bình gần 20km/h, thời gian chạy xe ổn định, tỉ lệ đúng giờ cao, tạo độ tin cậy cao cho hành khách sử dụng dịch vụ.

Nguyên nhân thất bại của dự án từ việc đầu tư thiếu đồng bộ, thiếu kết nối...

Thế nhưng mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ  Việt Nam cho biết, đến giờ phút này phải đánh giá nghiêm túc tuyến BRT đầu tiên của cả nước là thất bại lớn.

Lý do thất bại được ông Thanh đánh giá là do đầu tư tuyến BRT đầu tiên vội vàng, thiếu tầm nhìn trong cách thực hiện cũng như tầm nhìn quy hoạch.

Ông Thanh cũng cho biết, ngoài việc bố trí thí điểm BRT trên tuyến đường chưa hợp lý thì việc đầu tư thiếu đồng bộ, thiếu kết nối, chỉ một tuyến đơn độc cũng khiến BRT không thể phát huy được hiệu quả.

Được biết, ngay từ khi bắt đầu ra đời, mô hình BRT ở Hà Nội đã có nhiều ý kiến phản đối, trong đó giới khoa học, các chuyên gia giao thông. Theo đánh giá, dự án xe buýt nhanh BRT tại Hà Nội không chỉ gây lãng phí về tiền bạc, mà còn gây lãng phí về không gian.

Hơn ngàn tỷ đồng ban đầu được đầu tư vào dự án là nguồn vốn đi vay, nhưng về lâu dài đây thực chất là công sức, mồ hôi nước mắt của người dân đóng góp. Thế nhưng nó không phải là giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc, mà còn khiến tình hình trầm trọng hơn.

Đến thời điểm hiện tại, theo đánh giá, BRT gần như là một bài học cay đắng của Sở GTVT Hà Nội và UBND TP Hà Nội.

Một điều khiến nhiều người dân quan tâm nữa là tính minh bạch tài chính liên quan đến dự án BRT. Câu hỏi đặt ra, mỗi tháng, mỗi quý dự án này thu được bao nhiêu tiền, chi bao nhiêu và lỗ bao nhiêu? Trong khi báo cáo hàng tháng chỉ rất chung chung.

Từ con số thu bao nhiêu, chi bao nhiêu sẽ biết là lỗ bao nhiêu. Và số lỗ ấy so với lượng người đi BRT có tương xứng không? Từ đó sẽ quyết định có nên tiếp tục đầu tư nữa hay không.

Đây là dự án lớn, do đó, những sai phạm phải được cơ quan quản lý xem xét một cách nghiêm túc, thấu đáo, công tâm. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm mang tính hình sự, hoặc có yếu tố tiêu cực, cố ý làm trái đến mức phải khởi tố vụ án thì yêu cầu chuyển sang cơ quan công an, viện kiểm sát điều tra, khởi tố.

Cụ thể, phải làm rõ người chịu trách nhiệm chính như: Ai chủ trì? Ai phối hợp? Trách nhiệm chính như thế nào, trách nhiệm có liên quan ra sao? Nhất là dự án sai phạm lại nghiêm trọng và có liên quan đến trách nhiệm của nhiều người.

Được biết, tại thời điểm Dự án hàng nghìn tỷ đồng BRT được triển khai, ông Phạm Hoàng Tuấn là Phó giám đốc Sở Giao thông trực tiếp phụ trách. Hiện ông là Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thuộc UBND TP Hà Nội.

Cũng tại thời điểm đó, ông Vũ Hà là Giám đốc BQL Dự án đầu tư phát triển giao thông TP là đơn vị đại diện Chủ đầu tư trực tiếp triển khai dự án. Hiện, ông là Bí thư quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Đoàn Tân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến