Nhiều nhà băng “lỡ hẹn”
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, trong đó có quy định đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết , đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức bao gồm HoSE, HNX và UPCoM.
Thực chất, đây không phải là quy định mới. Việc thúc giục các nhà băng lên sàn đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thực hiện từ rất lâu thông qua một loạt các văn bản, quy định như Thông tư 180/2015 của Bộ Tài chính hay Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018.
Dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 17/31 cổ phiếu ngân hàng đang được giao dịch trên cả ba sàn, trong đó, có 10 ngân hàng niêm yết trên HOSE, 3 ngân hàng niêm yết trên HNX và 4 ngân hàng niêm yết trên UPCoM.
Trước đó, trong năm 2018, đã có khoảng 10 ngân hàng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, đến hết năm, mới chỉ có 3 nhà băng thực hiện thành công là Techcombank, HDBank và TPBank. Còn lại một loạt các nhà băng khác dù đã lên kế hoạch nhưng tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin.
Như ngân hàng OCB là một ví dụ. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, OCB đặt kế hoạch đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HOSE trong quý cuối năm, bỏ qua bước giao dịch trên UPCoM như dự kiến trước đó. OCB kỳ vọng, vốn hóa thị trường của ngân hàng sẽ đạt 1 tỷ USD sau khi niêm yết. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc lên sàn vẫn nằm trong “kế hoạch”.
Hay như hai ngân hàng VietBank và NamABank cũng đã được cổ đông thông qua kế hoạch lên sàn UPCoM và dự kiến tiến hành các thủ tục để lên sàn này trong năm 2018. Và đến hiện tại, vẫn chưa có thêm bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc niêm yết.
ABBank cũng đã từng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp đôi (từ 5.319 tỷ đồng lên gần 10.639 tỷ đồng), đồng thời, sẽ niêm yết thẳng lên sàn HoSE trong năm 2018 mặc dù đã chuẩn bị hồ sơ đăng ký chứng khoán, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch UpCom trong năm 2017.
Giải thích về quyết định này, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị của ABBank cho biết thị trường chứng khoán đã có sự phát triển mạnh mẽ và vững chắc với tốc độ tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là nhóm cổ phiếu của các ngân hàng. Việc ABBank lên niêm yết ở HoSE vừa đảm bảo việc giao dịch cổ phiếu tập trung, vừa thu hút được các nhà đầu tư lớn.
Dù vậy, hết năm 2018, vốn điều lệ của ngân hàng mới chỉ tăng được thêm 393,6 tỷ đồng, lên mức 5.713 tỷ đồng trong khi thông tin lên sàn vẫn là một dấu hỏi lớn.
Một số ngân hàng khác thậm chí còn chưa có kế hoạch lên sàn, như Baovietbank, Saigonbank hay VietCapitalBank.
Hạn chót sắp hết, nhà băng có kịp lên sàn?
Rõ ràng, mặc dù nắm rõ chủ trương cũng như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước, nhưng nhiều nhà băng vẫn chưa muốn lên sàn. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, một trong những nguyên nhân chính là do hiệu quả kinh doanh ngân hàng còn thấp, ROE, ROA thấp hơn mức trung bình trong khi nợ xấu còn ở mức cao nên nếu lên sàn sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Cũng theo chuyên gia, việc niêm yết trên sàn chứng khoán cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải minh bạch hoạt động kinh doanh, công khai báo cáo tài chính. Trong khi đó, nhiều ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu này nên họ cần thời gian tự hoàn thiện trước khi niêm yết.
Việc chậm trễ lên sàn rõ ràng không chỉ ảnh hưởng đến tính thanh khoản của cổ phiếu mà còn có thể làm cản trở mục tiêu minh bạch hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng, ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một điều, việc xác định thời điểm thuận lợi để đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán là vô cùng quan trọng. Thị trường chứng khoán Việt đang trong giai đoạn diễn biến khó lường, có thể gây ảnh hưởng lớn tới giá cổ phiếu. Theo đó, giới chuyên gia dự báo, có thể năm nay sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều nhà băng lỡ hẹn lên sàn, dù hạn chót theo “lệnh” của Chính phủ đang tới gần.
Theo BizLive
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy