Dòng sự kiện:
Nhà băng rộng cửa 'đón' doanh nghiệp nhỏ và vừa
10/10/2019 06:01:39
Hiện tại, nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng chính là động lực quan trọng trong sự phát triển của các DNNVV

Đa dạng sản phẩm

Các thống kê cho thấy, DNNVV hiện chiếm hơn 98% tổng số DN, tạo ra 63% số lượng việc làm cho xã hội và đóng góp 45% GDP của cả nước. Điều này cho thấy tầm quan trọng của nhóm DN này đối với sự phát triển chung của nền kinh tế. Ngày 24/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Cùng với đó, Quỹ bảo lãnh tín dụng dành cho các DNNVV ra đời, trở thành cầu nối giữa ngân hàng với các DNNVV, giúp các DN này được tiếp cận vốn vay kể cả khi không có tài sản để thế chấp.

Ngành Ngân hàng luôn đồng hành và hỗ trợ các DNNVV

Về phía mình, để giúp DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn, các ngân hàng cũng đã không ngừng tung ra các sản phẩm dành riêng cho nhóm DN này với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Đối với nhóm NHTM Nhà nước, trong thời gian từ 1/8 - 31/12/2019, BIDV triển khai 2 gói tín dụng cho các DN với quy mô 70 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Trong đó, DNNVV được dành 60 nghìn tỷ đồng và các DN siêu nhỏ và start-up là 10 nghìn tỷ đồng.

Ở khối các NHTM cổ phần, OCB đang triển khai gói vay ưu đãi 3 nghìn tỷ đồng dành riêng cho DNNVV hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và chuỗi cung ứng, với mức lãi suất 7%/năm, kỳ hạn lên đến 3 năm.

Còn từ năm 2012 đến nay, VPBank đã phục vụ hơn 70 nghìn khách hàng là DN, trong đó có tới 80% là DNNVV. Đại diện VPBank cho biết, dịch vụ tài chính của ngân hàng nhận được sự quan tâm lớn của các khách hàng DN chính là sản phẩm vay tín chấp. VPBank hiện đang tập trung vào việc hoàn thiện giải pháp thanh toán B2B (business to business), có tên gọi là BIZPAY - được xây dựng trên nền tảng số (digital platform) đang còn khá mới ở thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, VPBank còn đưa ra rất nhiều tiện ích tài chính trực tuyến, nhằm giúp khách hàng tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng mà không bị cản trở bởi vị trí địa lý, thời gian và giảm bớt những rủi ro gây ra bởi yếu tố con người, giúp DNNVV tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một cách tiện lợi và hiệu quả nhất.

Ngoài ra, ngân hàng này còn liên tục mở các diễn đàn miễn phí nhằm cung cấp, bồi dưỡng thêm kiến thức, giúp DN hiểu rõ hơn về thị trường, từ đó nắm bắt cơ hội và mở rộng kinh doanh.

Ông Fung Kai Jin, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối DNNVV VPBank cho biết: Trong thời gian tới, VPBank sẽ tiếp tục hỗ trợ các DNNVV, thông qua việc liên tục nghiên cứu, hoàn thiện và cho ra đời các giải pháp vay phù hợp với tập quán và tình hình kinh doanh của phân khúc DN nhỏ. Ngoài ra, ngân hàng đang nghiên cứu xây dựng một không gian trực tuyến, nơi cộng đồng DNNVV có thể kết nối trực tiếp, từ đó tạo sự lan tỏa và giúp nâng cao giá trị lẫn nhau.

Cùng trong xu thế này, MBBank cũng đã triển khai 2 gói cho vay ngắn hạn bằng VND ưu đãi, trong đó có gói 4.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 7-7,5%/năm đối với DNNVV. Còn tại Techcombank, sau ngày 1/8/2019, áp dụng ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND cho DNNVV với mức lãi suất giảm khoảng 0,5% so với mức hiện tại đối với những khách hàng nằm trong các chương trình kinh doanh trọng tâm của ngân hàng và đưa mức lãi suất cho vay mới trung bình về khoảng 7,5%/năm, áp dụng đến 31/12/2019.

Vẫn còn nhiều khó khăn

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, hơn 90% DN khởi nghiệp đã thất bại hoặc phá sản trong 3 năm đầu tiên. Các DN này thường có chế độ hạch toán, kế toán thiếu chuẩn mực, báo cáo tài chính không đủ độ tin cậy và cũng thường không có kiểm toán độc lập. Thêm vào đó, nền tảng tài chính của các DN này còn mỏng manh, lợi nhuận của nhiều DN thì chưa đạt được điểm hòa vốn. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc DN rất khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, hiện nay có 16 nghìn DNNVV là thành viên của Hiệp hội, trong đó số DN tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng chưa nhiều. Thực tế, nguồn lực để cho vay là không thiếu, các ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay nếu các DN đủ điều kiện.

Như BIDV đã ký kết với Hiệp hội từ năm 2019 với gói vay mỗi năm là 10 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua hai quỹ: Quỹ bảo lãnh tín dụng đối với DNNVV, Quỹ hỗ trợ cho vay DNNVV. Tuy nhiên, đến nay hai quỹ này chưa thực sự phát huy được tác dụng, bởi điều kiện bảo lãnh cũng không khác gì điều kiện của ngân hàng.

Giải thích về hoạt động chưa hiệu quả của các quỹ hỗ trợ DNNVV, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thứ nhất là vốn điều lệ của các quỹ bảo lãnh này quá thấp để có thể bảo lãnh được các món lớn. Thứ hai là theo quy định, các quỹ bảo lãnh tín dụng vẫn phải hoạt động theo tiêu chí xuyên suốt và bao trùm là an toàn vốn, chính vì vậy việc xét duyệt các hồ sơ tín dụng cũng chặt chẽ như ngân hàng.

Như vậy, muốn tiếp cận được “nguồn vốn rẻ” từ phía ngân hàng, chính các DNNVV cần và nhất thiết phải có sự thay đổi. Bản thân các DNNVV cần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, công nghệ; định hướng sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính cần minh bạch hơn. Bên cạnh đó, cần những chính sách quan tâm thiết thực hơn nữa đến nhóm DNNVV, để các DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, ông Thân cho biết thêm.

Muốn tiếp cận được “nguồn vốn rẻ” từ phía ngân hàng, chính các DNNVV cần và nhất thiết phải có sự thay đổi. Bản thân các DNNVV cần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, công nghệ; định hướng sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính cần minh bạch hơn. Bên cạnh đó, cần những chính sách quan tâm thiết thực hơn nữa đến nhóm DNNVV, để các DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến