Tin liên quan
Trong câu chuyện về trách nhiệm điều hành công việc của Hội nhà báo Việt Nam, ông chia sẻ nhiều về mối quan hệ gắn bó máu thịt với báo chí và đội ngũ những người làm báo.
Đời sống báo chí đang thay đổi từng ngày
Xin chào nhà báo Hồ Quang Lợi! Chúc mừng ông nhận nhiệm vụ mới. Là một nhà báo lão thành, một cây bút đã gặt hái nhiều thành công, xin hỏi những kinh nghiệm đó có ý nghĩa như thế nào khi ông chuyển sang quản lý Hội nhà báo Việt Nam?
Bản thân tôi gần như cả đời làm báo. Tính từ khi bắt đầu làm nghề ( đầu năm 1980) đến nay, tôi đã có 35 năm cầm bút. 28 năm công tác ở báo Quân đội nhân dân, hơn 2 năm ở báo Hà Nội mới, gần 6 năm nay làm công tác tư tưởng, tuyên giáo nhưng có thể nói, không một ngày nào tôi rời xa báo chí.
Tôi đã trải qua các công việc phóng viên, biên tập viên, bình luận viên, trưởng ban TKTS, phó tổng biên tập, rồi tổng biên tập, gần như tất cả các công việc làm báo trực tiếp. Mấy năm qua, công tác tuyên giáo của tôi gắn chặt với hoạt động báo chí. Có thể nói báo chí là nghề nghiệp của tôi, tuyên giáo là nhiệm vụ được giao, bởi thế trong khi làm tuyên giáo, tôi vẫn làm báo.
Về công tác Hội, tôi từng giữ cương vị Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Quân đội nhân dân nhiều năm, Chủ tịch Hội nhà báo Hà Nội hai khóa…
"Tôi hạnh phúc được phục vụ các nhà báo" |
Như thế, ông đã gắn bó cả đời mình với sự nghiệp làm báo?
Cả đời công tác, tôi được sống trong môi trường báo chí, gắn bó máu thịt với nghề báo. Và càng hạnh phúc hơn sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tuyên giáo, bây giờ tôi lại được hoàn toàn trở về với môi trường báo chí. Ở cương vị Phó chủ tịch thường Hội nhà báo Việt Nam, tôi có điều kiện được tiếp tục làm nghề, tiếp tục giao lưu, đối thoại nghề nghiệp, hợp tác với các đồng nghiệp cả nước.
Chính vì gắn bó với nghề báo từ khi rời khỏi trường đại học đến giờ, tôi cảm thấy mình có những trải nghiệm cần thiết trên các cương vị: người cầm bút, thủ trưởng cơ quan báo chí, làm công tác hội, công tác chỉ đạo báo chí. Đấy là những điều kiện thuận lợi để tôi phục vụ Hội nhà báo Việt Nam, phục vụ, đồng hành cùng các đồng nghiệp, và tôi hạnh phúc vì điều đó.
Ông suy nghĩ như thế nào về báo chí Việt Nam hiện tại? Làm thế nào để giữ ổn định và phát triển đội ngũ nhà báo hiện nay?
Đời sống báo chí của đất nước đang đứng trước những thay đổi rất sâu sắc. Sự cuồn trong dòng chảy thời đại thông tin đòi hỏi những người cầm bút phải biết thích nghi và vươn lên.
Tôi nghĩ, để báo chí đi đúng hướng và làm tròn trách nhiệm xã hội của mình rất cần sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước bằng những chủ trương định hướng phát triển báo chí và chính sách phù hợp, sự tham gia tích cực của công chúng. Nhưng điều cốt yếu nhất vẫn là bản thân các nhà báo, cơ quan báo chí phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Đó là việc của từng nhà báo, từng cơ quan báo chí, của Hội nhà báo ở các cấp. Chúng ta phải tạo hành lang pháp lý cần thiết để nền báo chí vận hành thông suốt và lành mạnh trong bối cảnh xã hội trong nước và quốc tế đã đổi thay hết sức sâu sắc.
Chính vì thế, thời điểm này chúng ta tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi Luật báo chí là rất cần thiết. Luật báo chí hiện hành của ta ra đời từ 1989, đến nay đã 27 năm. Thế giới luôn biến động và đã thay đổi quá nhanh, nhiều thay đổi mà một phần tư thế kỷ trước không ai hình dung được, Luật báo chí mới cần điều tiết, tạo thành hành lang pháp lý ngày càng chuẩn mực cho báo chí ổn định và phát triển.
Sửa đổi Luật báo chí và quy hoạch lại báo chí lúc này là cần thiết
Vừa rồi Dự thảo Luật báo chí sửa đổi được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, và theo lộ trình thì sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 11 sắp tới. Tuy nhiên, xung quanh dự thảo này vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Ví dụ những quy định xung quanh việc cấp thẻ còn nhiều bất cập: phóng viên chính thức cần tới 3 năm mới được cấp thẻ, trong khi cộng tác viên đài địa phương chỉ cần 12 bài, hay là các đối tượng khác không làm báo trực tiếp nhưng đủ thâm niên vẫn được cấp thẻ… Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Có một thực tế là thời gian vừa rồi việc cấp thẻ nhà báo ở một số nơi chưa được chặt chẽ. Đây là loại thẻ hành nghề Nhà nước cấp để các nhà báo có tư cách pháp nhân gắn liền với trách nhiệm xã hội khi hoạt động nghề nghiệp.
Để việc việc cấp thẻ được chính xác, tôi nghĩ trước hết chúng ta phải có các tiêu chí chuẩn mực. Luật báo chí mới cần rà soát lại các tiêu chí hiện nay xem đã hợp lý chưa, có cần điều chỉnh, bổ sung không. Những người có trách nhiệm trong quy trình cấp thẻ cần thực hiện đúng quy định để đảm bảo việc cấp thẻ đúng đối tượng. Tôi nghĩ, chỉ những nhà báo thực sự, hành nghề thực sự, đủ năng lực và phẩm chất đạo đức mới được cấp thẻ. Nói chung ,cái gì chưa hợp lý thì phải nghiên cứu, điều chỉnh.
"Đề án quy hoạch báo chí giúp báo chí Việt Nam phát triển đúng hướng" |
Một vấn đề nữa là hiện nay Dự thảo Luật báo chí có nhiều chi tiết “nới” cho hoạt động báo chí: ví dụ tổng công ty Nhà nước, bệnh viện công lập có thể thành lập cơ quan báo chí, trong khi Đề án quy hoạch báo chí lại có xu hướng siết chặt lại. Ông có nghĩ như thế là mâu thuẫn không?
Tôi nghĩ, Luật báo chí tạo nền tảng pháp lý quan trọng, các vấn đề liên quan đến báo chí đều phải phù hợp, tương thích với Luật báo chí. Luật báo chí phải được bàn thảo kỹ càng trên cơ sở dân chủ, quan tâm đúng mức đến ý kiến của những người làm báo trước khi thông qua. Các văn bản khác phải phù hợp luật này. Hiện nay chúng ta vẫn đang trong quá trình nghiên cứu cả Dự thảo Luật và Đề án quy hoạch, cái gì chưa phù hợp chắc chắn sẽ được điều chỉnh.
Là Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam, ông nhìn nhận như thế nào về ý nghĩa của Đề án quy hoạch báo chí đang rất được báo chí và dư luận xã hội quan tâm?
Việc quy hoạch lại báo chí Việt Nam là cần thiết, Chúng ta có một đội ngũ báo chí khá hùng hậu, báo chí đóng vai trò rất quan trọng, đảm báo quyền được thông tin của người dân, góp phần làm cho xã hội chúng ta ngày càng cởi mở, dân chủ hơn.
Nhưng có thời điểm chúng ta cho ra đời quá tràn lan các tờ báo, cơ quan báo chí. Một số cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích của mình, một số tờ báo còn chạy theo thương mại hóa, không những không bồi đắp giá trị tinh thần mà còn làm xói mòn, sụt lở các giá trị đó. Tình hình này đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại. Quy hoạch báo chí đúng sẽ giúp cho báo chí phát triển đúng hướng, phục vụ tốt hơn sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, sắp tới đề án quy hoạch báo chí đi vào triển khai sẽ dẫn đến nhiều xáo trộn, nhiều tờ báo phải sát nhập hoặc đóng cửa, ảnh hưởng đến nhiều hội viên. Hội nhà báo VN sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi các hội viên, tránh tổn thất lớn?
Tôi nghĩ đây là một công việc không hề dễ. Bởi vì chúng ta có một hệ thống báo chí với các cơ quan báo chí và đội ngũ làm báo ngày càng chuyên nghiệp, như vậy, không thể dễ dàng loại bỏ bao nhiêu cơ quan báo chí bằng một quyết định hành chính như nhiều người lo ngại.
Chắc chắn việc đó sẽ phải được tính toán một cách kỹ lưỡng, rà soát đến từng tờ báo, giao cho các cơ quan chủ quản thẩm định đánh giá, đồng thời các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước và dư luận xã hội đánh giá các tờ báo để thấy tờ nào cần giữ lại, tờ nào nên thôi để có sự sắp xếp lại. Tôi nghĩ đây là cuộc sắp xếp hoàn toàn không đơn giản vì nó liên quan đến tổ chức, bộ máy và con người. Và nó phải có lộ trình và bước đi phù hợp. Trước hết nó phải bảo đảm quyền được thông tin của xã hội không bị ảnh hưởng. Nó chỉ làm cho chất lượng thông tin báo chí được tăng lên, người dân được tiếp cận nguồn thông tin chính xác, tin cậy chứ không phải những thông tin xô bồ, hỗn tạp, gây bấn loạn xã hội.
Đảng, Nhà nước và cơ quan chủ quản phải đặc biệt quan tâm đến đội ngũ những người làm báo đang hành nghề hiện nay. Sắp xếp lại để họ vẫn có quyền lao động hợp pháp bằng chính nghề của họ và chúng ta không bỏ phí nguồn lực sáng tạo từ đội ngũ lao động này của đất nước. Đó là vấn đề mà chúng ta phải hết sức quan tâm.
Nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh: mình là đối tượng bị tác động trực tiếp của Đề án này nhưng lại không được có ý kiến trực tiếp mà phải thông qua cơ quan chủ quản. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ từng cơ quan báo chí phải được có ý kiến về bản thân mình, sắp tới đây mình sẽ như thế nào, được bộc lộ nguyện vọng của mình, nhưng nó phải phù hợp với đường lối quy hoạch chung.
Phải có hệ thống, cách thức để tập hợp ý kiến. Cơ quan báo chí thống nhất ý kiến gửi lên cơ quan chủ quản, rồi gửi tiếp lên trên. Quan trọng nhất là phải lắng nghe, dân chủ khi tập hợp ý kiến. Nhưng dân chủ ở đây không có nghĩa là phát biểu thiếu tổ chức, thiếu trách nhiệm, gây bức xúc không cần thiết.
Tôi biết quy hoạch báo chí này có lộ trình rõ ràng. Ngay cả khi chốt quy hoạch rồi cũng cần phải có bước đi, có khoảng thời gian “co giãn” trước khi chính thức thực hiện quy hoạch mới. Thời gian “co giãn” đó để cho các nhà báo tự điều chỉnh, có thể tự sắp xếp lấy công việc của mình. Tôi tin là với cách làm thận trọng, chặt chẽ, những vấn đề nảy sinh trong thực hiện quy hoạch báo chí sẽ được giải quyết.
Hội nhà báo Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng các nhà báo
Một vấn đề nữa nổi cộm của báo chí hiện nay là vấn đề cản trở, hành hung nhà báo khi tác nghiệp. Trên cương vị công tác của mình, sắp tới ông sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này?
“Bảo vệ nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng hết sức thiêng liêng của Hội nhà báo Việt Nam” - ảnh: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhà báo Hồ Quang Lợi và các đồng nghiệp tại Đại hội lần thứ X Hội nhà báo VN (8.2015) |
Hội nhà báo Việt Nam có một vai trò, chức năng rất trọng yếu đó là bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà báo. Trong các quyền lợi của nhà báo thì quyền lợi tối thượng, thiêng liêng nhất đó là quyền được làm nghề trong khuôn khổ của pháp luật. Đó là quyền lợi tinh thần, cũng là quyền lợi thiết thân nhất của họ và xã hội phải bảo vệ quyền đó.
Thời gian vừa qua đã xảy ra một số vu việc cản trở, hành hung các nhà báo khi tác nghiệp, thậm chí có vụ hành hung rất dã man. Khi xảy ra những vụ việc như thế, tôi cho rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật cần lập tức vào cuộc để xác định đúng bản chất vụ việc và xử lý thật nghiêm minh. Đó là bảo vệ quyền lợi chính đáng cuả nhà báo, đồng thời là bảo đảm quyền được thông tin của người dân,sự kỷ cương của xã hôi, tính nghiêm minh của luật pháp.
Với chức trách là Hội chính trị, xã hội, nghề nghiệp, Hội nhà báo VN luôn có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi các hội viên của mình. Đó là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng hết sức thiêng liêng.
Hội nhà báo Việt Nam cũng như các cấp hội trực thuộc sẽ cố gắng làm tốt điều đó. Khi có vụ việc xảy ra, Hội sẽ lập tức vào cuộc để tìm hiểu để đưa ra quan điểm của mình, phối hợp với các cơ quan chức năng và dư luận xã hội để bảo vệ các hội viên hành nghề đúng pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Diệp Chi – Nghi Điền (thực hiện)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy