Dòng sự kiện:
Vẫn còn nhiều tờ báo chạy theo thị hiếu tầm thường
21/06/2015 15:56:07
ANTT.VN - Xã hội đang đứng trước những cơ hội lớn nhưng cũng phải gánh chịu những thách thức nặng nề trong thời đại bùng nổ thông tin. Thông tin đúng sẽ mang lại sức mạnh, làm cho xã hội phát triển; Ngược lại thông tin sai, thông tin xấu độc sẽ làm cho xã hội rối trí, đất nước rối loạn. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2015), ANTT.VN đã có cuộc trò chuyện với Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội – nhà báo Hồ Quang Lợi xung quanh vấn đề này.

Tin liên quan

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nhà báo Hồ Quang Lợi

Có lẽ trong làng báo Việt Nam, không ai là không biết tác giả Hồ Quang Lợi – một cây bút chính luận tài năng và uyên bác. Tên tuổi của ông gắn liền với những bài bình luận quốc tế sâu sắc, trí tuệ và giàu tính dự báo. Không chỉ là nhà báo đầu tiên đoạt giải báo chí toàn quốc năm 1991, 9 giải báo chí quốc gia và toàn quốc, tác giả của gần 10 đầu sách thể loại báo chí chính luận, từng giữ cương vị Phó tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, Tổng biên tập báo Hà Nội mới,  ông còn là người thầy của nhiều thế hệ làm báo ra đời từ cái nôi Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong đó có chúng tôi.
 
Cần đề cao trách nhiệm xã hội của nhà báo

Xin ông chia sẻ đôi điều về vai trò của đạo đức người làm báo đối với vấn đề giữ vững an ninh truyền thông trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay?

Trong thời đại ngày nay, thông tin trên báo chí chỉ chiếm một phần nhỏ, còn thông tin trên mạng xã hội nói riêng và internet nói chung thì nhiều vô kể. Trong biển thông tin đó, có nhiều nguồn không được kiểm soát, do đó không chính xác; có không ít thông tin được tung ra với động cơ xấu, hết sức độc hại.
Trong bối cảnh đó, người làm báo có trách nhiệm to lớn và nặng nề: Bằng phẩm chất đạo đức, khả năng nghề nghiệp của mình đưa đến công chúng những thông tin chính xác, tin cậy và có ích. Muốn làm được điều đó cần gắn nhà báo với trách nhiệm xã hội. Không có đạo đức báo chí thì không hoàn thành được trách nhiệm xã hội này. Bởi vì, báo chí ngoài yêu cầu đầu tiên là phải chính xác, chân thực, còn phải đảm bảo tính nhân văn. Báo chí mà không dựa trên nền tảng nhân văn thì báo chí sẽ đi chệch hướng, chẳng những không bồi đắp mà còn làm sụt lở tinh thần của xã hội.

Hiện nay hành lang pháp lý của chúng ta trong lĩnh vực quản lý báo chí, an ninh truyền thông còn chưa được hoàn thiện. Mới đây, Luật An toàn Thông tin đã được đưa ra thảo luận trước Quốc hội, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng: cần đưa cả facebook, viber, zalo... vào điều chỉnh trong Luật An toàn thông tin. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Vấn đề quản lý thông tin trên internet nói chung và các mạng xã hội nói riêng là một thách thức lớn đối với mọi quốc gia trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Về mặt kỹ thuật, đây là một việc rất khó, do công nghệ thông tin thế giới phát triển mạnh như vũ bão, trình độ kỹ thuật công nghệ trong nước còn hạn chế, ngăn chặn được cái này nó đã lại phát triển thành cái kia. Kỹ thuật chưa hỗ trợ được pháp lý, do đó dùng các quy định pháp lý để quản lý cũng chưa hoàn toàn mang tính khả thi. Đối với mạng xã hội, đã có một nhận thức chung là chúng ta không thể cấm được mà buộc phải sống chung với nó.

Tôi vẫn biết đây là một cuộc đấu tranh cam go. Làm sao để xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ, khả thi thực là một vấn đề nan giải. Ngay cả khi có hành lang pháp lý rồi, vấn đề triển khai thực hiện cũng không hề đơn giản.

Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng không thể buông lỏng quản lý, bởi vì thông tin xấu và độc hại nếu không bị ngăn chặn sẽ làm khuynh đảo xã hội. Việc chúng ta cần làm hiện nay là phải phối hợp trên cả 3 mặt: công nghệ-kỹ thuật, pháp lý và đạo đức xã hội. Trong đó tôi đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh đạo đức. Mỗi người tham gia mạng xã hội giống như một một người đưa tin tự do trong xã hội báo chí công dân, đều cần phải có đạo đức. Chúng ta đều biết, trên thực tế có nhiều hành vi pháp luật không cấm nhưng lương tâm không cho phép. Người có đạo đức sẽ truyền tải những thông tin lành mạnh bổ ích, ngược lại những người xấu sẽ đưa những thông tin xấu làm hại cộng đồng, xã hội và những người con người cụ thể mà họ muốn hủy hoại.

Luôn nắm giữ cương vị quản lý quan trọng song nhà báo Hồ Quang Lợi chưa khi nào ngừng viết

Báo mạng hiện nay chưa thật sự đi đúng hướng
 
Trong bối cảnh như vậy, xin ông cho ý kiến về vai trò định hướng thông tin của một đội ngũ đang ngày càng hùng hậu là đội ngũ báo mạng và các phóng viên báo điện tử?

Tôi cho rằng các báo mạng hiện nay chưa thật sự đi đúng hướng. Ngoài một số báo lấy chất lượng tin cậy của thông tin chính thống là tiêu chí để thu hút bạn đọc, vẫn còn không ít báo mạng chạy theo các thị hiếu tầm thường để câu view. Có thể họ thu được những hiệu quả nhất thời về lượng truy cập, doanh số quảng cáo..., nhưng hậu quả để lại cho xã hội là vô cùng tai hại. Vấn đề đặt ra là nếu chỉ chạy theo thị hiếu tầm thường, đưa các thông tin giải trí vô bổ, giật gân câu khách, đến một lúc nào đó độc giả nhàm chán thì lối thoát cho những tờ báo này là ở đâu?

Nhưng có một thực tế là, phần đông độc giả bây giờ lại dễ bị hút theo những thông tin giật gân câu khách, nên một số báo mạng buộc phải nương theo thị hiếu này bằng cách dùng những tin tức giật gân câu khách để lôi kéo độc giả đọc/truy cập báo mình trước đã, từ đó có thể liên kết sang các tin bài chính thống khác. Ông đánh giá hiện tượng này như thế nào?        
Tôi cho rằng, một thách thức lớn là các tờ báo của chúng ta về cơ bản tự trang trải về tài chính, cái đó liên quan nhiều đến số lượng phát hành, lượng truy cập. Vì thế, theo tôi, vấn đề đặt ra là làm sao vừa đảm bảo tính định hướng nhưng vẫn đảm bảo tính hấp dẫn để bạn đọc coi báo chí là món ăn không thể thiếu hàng ngày. Tất nhiên, để làm được điều này đòi hỏi ở mỗi tòa soạn, từ tổng biên tập đến từng phóng viên, biên tập viên vừa có bản lĩnh chính trị, vừa có trình độ nghề nghiệp cao... Ở đây tôi thấy có cả vấn đề nhận thức, trách nhiệm xã hội và cả đạo đức nhà báo. 

Đã có những nhà báo bị “sập bẫy” mạng xã hội

Có hay không tình trạng một số nhà báo hiện nay bị thông tin trên mạng xã hội dẫn dắt, thưa ông?

Chúng ta không phủ nhận vai trò của internet và mạng xã hội. Tuy nhiên hiện nay có một thực tế: Không phải nhà báo định hướng được thông tin trên mạng xã hội mà chính là mạng xã hội đang lôi kéo, định hướng các nhà báo. Trước đây, để có được thông tin, nhà báo bắt buộc phải có mặt tại hiện trường xảy ra sự việc. Ngày nay, đôi khi mạng xã hội còn đưa tin nhanh hơn báo chí, cung cấp nguyên liệu thô để nhà báo tác nghiệp. Chính vì thế, đã có nhiều nhà báo bị sập bẫy mạng xã hội khi đưa những thông tin thiếu kiểm chứng, thiếu chắt lọc.

Bỏi thế, vai trò của nhà báo không phải chỉ thu thập thông tin và đưa tin, mà cần phải biết chọn lọc, tổng hợp, đánh giá từ mớ thông tin khổng lồ, hỗn độn do mạng xã hội đem lại, từ đó thẩm đinh trên trực tế, viết ra những tác phẩm báo chí chân thực, hấp dẫn và có tính định hướng cao. Ở nhà báo phải hội đủ bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức, trách nhiệm xã hội thì mới có thể cung cấp cho xã hội những sản phẩm có ích.  Những bài báo có giá trị sẽ có tác dụng nhân rộng cái tốt, đấu tranh chống lại cái xấu cái tiêu cực, liên kết trái tim con người và làm cho xã hội phát triển ngày một tốt đẹp hơn.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Yến (thực hiện)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến