Nhà đầu tư 9x Nguyễn Minh Hoàng và những bài học trên sàn chứng khoán
14/02/2016 15:59:04
Trải qua một năm 2015 khá thành công với thu nhập trung bình 50-100 triệu đồng mỗi tháng, song chàng trai sinh năm 1995 - Nguyễn Minh Hoàng cũng thừa nhận đã mất khá nhiều "học phí" cho những bài học trên thị trường.

Tin liên quan

Thiếu gia 9X lãi 26 tỷ đồng nhờ lướt sóng cổ phiếu công ty bố / Một công ty lướt sóng cổ phiếu kiếm 252 tỷ đồng trong 12 ngày

Sinh năm 1995 tại Hà Nội, Nguyễn Minh Hoàng hiện là sinh viên năm thứ 2 khoa Quản trị kinh doanh quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân). Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khá đặc biệt nên ngay từ nhỏ Hoàng đã được rèn luyện tính tự lập. Trước khi đến với chứng khoán và có tình yêu đặc biệt với lĩnh vực này, chàng sinh viên 20 tuổi đã từng mở cửa hàng bán buôn thời trang, tổ chức sự kiện cho học sinh, sinh viên. Ngoài đầu tư chứng khoán, Hoàng mở các lớp ôn thi đại học do mình giảng dạy tại nhà.

Chàng sinh viên bắt đầu đầu tư chứng khoán từ tháng 3/2014. Nguồn tiền đầu tư chủ yếu được tích cóp từ quá trình kinh doanh và làm gia sư. Với số vốn đầu tư 800 triệu đồng ban đầu, sau gần 2 năm, tài khoản của Hoàng đã tăng lên với cấp số nhân.

Để gặt hái được thành quả đó, Hoàng dành toàn bộ thời gian rảnh để tự học, mua sách về đọc, thậm chí còn phải trả giá bằng rất nhiều tiền để có những kiến thức xương máu trong "chứng trường".

"Ngoài thời gian đi học, dạy gia sư, mình chỉ còn 6-7 giờ mỗi ngày để dành cho chứng khoán. Trong khi cái gì cũng cần học, tự đọc sách, tự tổng hợp. Có rất nhiều thứ muốn học nhưng không có tài liệu hoặc người dạy cho, sửa cho, cuối cùng đều phải trả giá bằng tiền cả, đúng hơn là khá nhiều tiền", Hoàng kể.

Nhà đầu tư trẻ có lần vào sai nhịp cổ phiếu OGC, sau đó lỗ nặng vì thị giá lao dốc. Sau những ngày đầu thua lỗ, Hoàng rút ra kinh nghiệm không nên mua bán theo tin đồn, phải giữ được quan điểm, lập trường, nguyên tắc mua bán rõ ràng.

Nói về chiến lược đầu tư, chàng trai này cho biết luôn chia số tiền đầu tư thành hai tài khoản, một là đầu tư trung hạn từ 2 tuần đến 2 tháng và một tài khoản lướt sóng. Tài khoản trung hạn chiếm 8 phần và chỉ đầu tư khi thị trường có sóng hoặc nhận thấy cổ phiếu có dòng tiền bất ngờ vào mạnh. Tài khoản ngắn hạn chiếm 2 phần và thường đầu cơ khi cổ phiếu đang chạm xuống các ngưỡng hỗ trợ - kháng cự hoặc xuất hiện dòng tiền tham gia.

Nguyễn Minh Hoàng, nhà đầu tư trẻ ham học hỏi và bước đầu đạt thành công. Ảnh NVCC

Hoàng cho biết việc kết hợp giữa lướt sóng và đầu tư trung hạn là để tối đa hóa lợi nhuận thu được. Các cổ phiếu đầu tư dài hạn thường là các mã có chỉ số cơ bản tốt, có cổ tức, kinh doanh ngành nghề triển vọng, khối lượng giao dịch trung bình, ít chịu ảnh hưởng của thị trường chung trong các đợt sụt giảm mạnh.

Rổ cổ phiếu yêu thích của Hoàng là các mã lớn, thanh khoản cao và có vai trò dẫn dắt thị trường.

"Chọn cổ phiếu có tính dẫn dắt vì thường các cổ phiếu này không bị giảm sâu, được đỡ mạnh khi thị trường rơi vào downtrend và hoảng loạn, bật tăng mạnh nhất khi thị trường xuất hiện các tín hiệu hồi phục. Ngoài ra bản thân nhóm cổ phiếu này cũng là các cổ phiếu có các chỉ số tài chính rất tốt, có thể chấp nhận đầu tư dài hạn nếu vào sai nhịp. Chẳng hạn như đợt vừa qua có SSI, BVH, VIC", nhà đầu tư 9X chia sẻ.

Theo đó, khi quyết định đầu tư vào một mã cổ phiếu, Hoàng sẽ phân tích kỹ thuật để xác định xu hướng cổ phiếu xem đang nằm trong kênh tăng hay giảm, gần ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự, thuộc mô hình nào tích lũy nào, cách đỉnh dài hạn và đáy ngắn hạn bao nhiêu. Bên cạnh tìm hiểu báo cáo tài chính, cổ tức, lãi cơ bản trên cổ phiếu…, luôn trân trọng những thông tin thu thập từ các môi giới chứng khoán. Cậu dành sự quan tâm đặc biệt tới các cổ phiếu mới chào sàn.

2015 được cho là một năm đầy biến động của thị trường chứng khoán với các nhịp giảm sâu, song tài khoản của Hoàng vẫn tăng 220%. Chia trung bình mỗi tháng Hoàng "bỏ túi" 50 -100 triệu đồng. Là một nhà đầu tư trẻ trụ vững giữa những bão tố của thị trường, Hoàng cho biết rất thích các nhịp giảm sâu vì bản thân ưa mạo hiểm.

"Khi nhà đầu tư sợ hãi bán tháo cổ phiếu thì mình lại cho đây là cơ hội trời cho để mua vào, tất nhiên cần chọn những mã cổ phiếu tốt. Có những lúc vay margin cũng khá run sợ nhưng tiền đầu tư đều là do tự làm ra nên mình tự giải thoát tâm lý, nếu thua thì coi như trả học phí đầu tư, rút kinh nghiệm", Hoàng chia sẻ.

Năm 2015, Hoàng cũng phải trả "học phí" khá lớn cho những lần lướt sóng cổ phiếu VIX khi bị lỗ tới 30%. Tuy vậy, cậu cũng thu được thành công với 2 cổ phiếu khác là VNM (sử dụng margin 1:1) và VEF với mức lãi 70-75%.

Không theo học bài bản các khóa học đầu tư, song thời gian rảnh rỗi nhà đầu tư trẻ thường đọc sách chứng khoán, tham khảo ý kiến từ các môi giới và quan sát các bậc tiền bối giao dịch. "Môi giới chứng khoán thực sự cần thiết đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, không được đào tạo bài bản. Nhờ một số đàn anh môi giới ở Công ty Chứng khoán Sài Gòn mà mình mới trưởng thành, đầu tư có chiến lược, kế hoạch rõ ràng chứ trước đây nình đầu tư khá tự phát", Hoàng cho biết.

Nhà đầu tư 9X dự định sẽ tiếp tục học hỏi, tìm hiểu sâu về thị trường chứng khoán bởi muốn đầu tư giỏi phải có kiến thức căn bản. Năm 2016, Hoàng đặt mục tiêu đạt lợi nhuận với tỷ lệ từ 50-200%.

Trở về từ "chứng trường" Hoàng vẫn là một gia sư, một cậu sinh viên 20 tuổi đúng nghĩa với những sở thích rất trẻ như chụp ảnh tự sướng, đi du lịch một mình, viết lách, tụ tập bạn bè "chém gió"… Ước mơ của Hoàng là trở thành một nhà đầu tư thành đạt, tự chủ tài chính, đi du lịch nhiều nơi và giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Theo Vnexpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến