Thị trường chứng khoán đã khép lại tuần giao dịch đầu tiên của năm mới Âm lịch Nhâm Dần 2022 với thanh khoản bình quân 25.060 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ 0,5% so với trước Tết. Tuy nhiên, so với những tuần trước đó, thanh khoản thị trường đã ghi nhận xu hướng thấp hơn rõ rệt.
Tính riêng giá trị khớp lệnh trên sàn, bình quân mỗi phiên có hơn 23.010 tỷ đồng giá trị chứng khoán được giao dịch. Đáng chú ý, thị trường tuần này ghi nhận xu hướng đổ tiền mạnh của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong trước, trong khi hầu hết nhóm nhà đầu tư còn lại đều bán ròng.
Cụ thể, số liệu từ FiinPro cho biết các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng 3.327 tỷ đồng trên sàn HoSE tuần này. Ngược lại, các nhà đầu tư tổ chức trong nước (không bao gồm tự doanh công ty chứng khoán) là nhóm bán ròng mạnh nhất với 2.119 tỷ đồng giá trị chứng khoán giao dịch trên HoSE. Ngoài ra, khối ngoại cũng bán ròng 1.084 tỷ đồng tuần này và tự doanh các công ty chứng khoán bán ròng 123 tỷ.
Như vậy, trong tuần giao dịch đầu tiên của năm Âm lịch 2022, nhà đầu tư cá nhân là nhóm chính rót tiền vào thị trường trong khi các nhóm nhà đầu tư khác đều rút tiền.
Cũng theo FiinPro, cổ phiếu được nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất tuần này là VIC (Vingroup) với giá trị 1.936 tỷ, tương đương gần 60% tổng giá trị mua ròng cả tuần. Theo sau là ACB (Ngân hàng Á Châu) với giá trị 912 tỷ; FLC (Tập đoàn FLC) với 346 tỷ; NVL (Novaland) với 276 tỷ và DXG (Đất Xanh) với 218 tỷ đồng.
Ngược lại, cổ phiếu bị nhóm nhà đầu tư cá nhân bán ròng nhiều nhất tuần là TCB (Techcombank) với 258 tỷ đồng, cùng với đó là GMD (Gemadept); HPG (Hòa Phát); PNJ (Vàng Phú Nhuận) và HSG (Hoa Sen) cũng bị nhóm nhà đầu tư này bán ròng hơn trăm tỷ đồng.
Đáng chú ý, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ mạnh vào VIC diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này liên tục rớt giá.
Từ sau Tết, cổ phiếu VIC đều giao dịch trong sắc đỏ và ghi nhận 5 phiên giảm giá liên tiếp, kéo thị giá từ vùng 97.000 đồng/cổ phiếu trước Tết, xuống 81.700 đồng hiện tại, tương đương mức giảm ròng gần 16% trong tuần.
Đà suy giảm mạnh của VIC cũng là nguyên nhân chính kìm hãm đà tăng của chỉ số VN-Index trên sàn HoSE tuần này.
Với việc giảm mạnh trong tuần, hiện thị giá cổ phiếu này cũng đã rơi về vùng thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Tính trong 1 tháng gần nhất, cổ phiếu VIC đã giảm gần 20% giá trị.
Trái ngược với nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước, VIC lại là cổ phiếu bị khối ngoại xả mạnh trong tuần. Theo đó, khối ngoại đã bán ròng 5/5 phiên giao dịch tuần này với VIC, giá trị bán ròng đạt hơn 1.605 tỷ đồng. Ngoài VIC, khối ngoại cũng tập trung xả các cổ phiếu vốn hóa lớn trong tuần như HPG (321 tỷ) và NVL (201 tỷ).
Nhóm cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất tuần là chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND với 437 tỷ; VHM (Vinhomes) 175 tỷ và GMD với 138 tỷ đồng.
Với nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước (không bao gồm tự doanh), trong tổng số 2.119 tỷ đồng giá trị chứng khoán bán ròng tuần này, ACB là cổ phiếu bị xả mạnh nhất với 948 tỷ. Tiếp sau đó là đến FLC với 340 tỷ và VIC 243 tỷ đồng. Ngược lại, HPG và REE là 2 cổ phiếu được nhóm này mua ròng mạnh nhất lần lượt ở mức 459 tỷ và 108 tỷ đồng.
Riêng với khối tự doanh các công ty chứng khoán, chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND là chứng khoán bị khối này bán mạnh nhất với 438 tỷ, sau đó đến VIC và REE lần lượt ở mức 88 tỷ và 54 tỷ đồng.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy