Dòng sự kiện:
'Nhà đầu tư ngoại đang bán những cổ phiếu tốt'
02/07/2021 06:18:28
Khối ngoại bán ròng HPG, CTG, VPB, MBB hơn 1 tỷ USD trong nửa năm dù thị giá các mã này tăng ít nhất 48% và cao nhất đến 105%.

Trong báo cáo mới công bố, ông Matthew Smith – Giám đốc nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) nhận định, tốc độ bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng so với đầu năm khi 70% phiên giao dịch có giá trị bán lớn hơn mua. Tính đến giữa tháng 6, khối ngoại bán ròng 1,4 tỷ USD và cao hơn 67% so với tổng giá trị bán ròng năm ngoái.

Ông Matthew Smith cho rằng, tài sản đang quản lý của các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên trên toàn cầu đã và đang giảm do có sự thay đổi trong cơ cấu danh mục. Do đó, điều đáng mừng là Việt Nam không phải quốc gia quy nhất bị khối ngoại bán tháo bởi mối lo ngại về dịch bệnh, lạm phát trên toàn cầu và sức mạnh của đồng bạc xanh. Điều này thể hiện qua ví dụ về giá trị bán ròng trong tháng 5 của các thị trường châu Á gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ là 12 tỷ USD nhưng Việt Nam chỉ chiếm 4% trong số đó.

Tuy nhiên, vấn đề là khối ngoại lại bán những cổ phiếu tốt. Bốn trong số năm cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng nhiều nhất đều có diễn biến giá khả quan như HPG tăng 71%, CTG tăng 48%, VPB tăng 105% và MBB tăng 78%. Giá trị bán ròng của bốn mã xấp xỉ 1,03 tỷ USD, tương đương 77% tổng giá trị bán ròng trên cả ba sàn giao dịch.

"Đây có thể là một sự kết hợp giữa hoạt động chốt lời và tái cơ cấu danh mục đầu tư khi tỷ trọng các mã cổ phiếu tăng trưởng cao hơn mức tối đa", chuyên gia của Yuanta Việt Nam nói.

VNM xếp thứ hai trong số năm mã bị bán ròng nhiều nhất với 271 triệu USD, chiếm 20% tổng giá trị bán ròng toàn thị trường, nhưng ông Matthew Smith gọi đây là một trường hợp đặc biệt. Lý do là nhà đầu tư đang bán tháo VNM khi mã này giảm đến 14% so với đầu năm, chứ không phải hành động "bán cổ phiếu tốt" kể trên.

Theo chuyên gia này, VNM trước đây được xem là một khoản đầu tư tuyệt vời cho những nhà đầu tư nắm giữ dài hạn trong những năm vừa qua. Điều này giúp VNM trở thành cổ phiếu cần phải có đối với các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường mới nổi và họ cũng chưa từng bán ròng mã này. Tuy nhiên, công ty hiện không còn dư địa để tăng trưởng bên trong lẫn bên ngoài.

"Việc nhà đầu tư tổ chức đã bán một lượng lớn cổ phiếu VNM mà họ nắm giữ, cộng thêm việc mã này không nhận được sự hỗ trợ từ nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng khá khiêm tốn là nguyên nhân giải thích tại sao giá VNM giảm so với đầu năm", ông nói.

Dự đoán về xu hướng dòng tiền của khối ngoại trong thời gian tới, người đứng đầu bộ phân nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, tình trạng bán ròng sẽ không kéo dài. Nguyên nhân là do câu chuyện vĩ mô tích cực và tiềm năng thị trường tăng trưởng mạnh sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài quay lại.

Tác động của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ít hơn trong thời gian qua, thể hiện qua việc bán tháo xảy ra nhưng đà tăng giá vẫn chưa chững lại. Các nhà đầu tư trong nước đang là nhân tố chính chi phối thị trường. Dòng tiền nội dồi dào có thể đẩy thanh khoản thị trường lên nhiều hơn trong nửa cuối năm, kéo theo biến động về chỉ số cũng lớn hơn.

Tác giả: Phương Đông

Theo: VnExpess
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến