Dòng sự kiện:
Nhà đầu tư nước ngoài có thể đổ bộ vào các ngân hàng Việt trong năm nay
27/02/2019 11:01:24
Mới chỉ qua 2 tháng đầu năm nhưng đã có nhiều tín hiệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài sẽ "đổ bộ" vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng Việt Nam.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng đầu năm 2019, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 1,9 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính các dự án FDI đã giải ngân được khoảng 1,55 tỷ USD trong tháng đầu năm, tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Đáng lưu ý, vốn ngoại đổ vào qua kênh góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp ngày càng nhộn nhịp. Năm ngoái, vốn FDI vào qua kênh góp vốn, mua cổ phần lên tới 9,8 tỷ USD, tăng 59,8% so với năm trước và chiếm trên 28% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Trong tháng 1/2019 cũng có tới 489 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 761 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ.

Góp vốn, mua cổ phần đang trở thành một hình thức đầu tư được doanh nghiệp ngoại ưa chuộng khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Dự kiến trong năm 2019, làn sóng đầu tư này sẽ còn mạnh hơn nữa với các nền tảng vững chắc của nền kinh tế, bên cạnh những lợi thế có được qua các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) .

Riêng với lĩnh vực tài chính ngân hàng, dòng vốn được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá hơn hẳn so với các năm trước. Sự kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở khi mới chỉ qua 2 tháng đầu năm đã có nhiều tín hiệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài sẽ "đổ bộ" vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng Việt Nam.

Đầu tiên là trường hợp của Vietcombank. Hồi đầu năm nay ngân hàng đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác GIC của Singapore và Mizuho Bank - một trong những định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản, thu về khoảng 6,2 nghìn tỷ đồng (tương đương với khoảng 265 triệu USD). Dù khoản tiền lớn đến vậy song đó mới chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng kế hoạch phát hành cổ phiếu của nhà băng này, do đó, phần còn lại rất có thể được thực hiện trong thời gian tới.

Tiếp đến là thương vụ bán vốn của ngân hàng BIDV cho đối tác KEB Hana của Hàn Quốc. Năm 2018, ngân hàng này đã xin ý kiến cổ đông về việc chào bán và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là ngân hàng KEB Hana với 17,65% vốn điều lệ hiện tại, tương đương 15% vốn sau phát hành và thương vụ sẽ được hoàn tất trong năm nay.

Với trường hợp của Agribank, ngân hàng này đang trong lộ trình cổ phần hóa, mà theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là chậm nhất đầu năm 2020 phải cổ phần hóa xong. Hiện đang có nhiều đối tác đang "nhắm" tới Agribank – ngân hàng có mạng lưới rộng nhất Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Tài chính NongHuyp - định chế tài chính đứng thứ 4 tại Hàn Quốc, đã "ngỏ ý" được hỗ trợ nhà băng này trong hoạt động cổ phần hóa.

Và không chỉ ngân hàng mẹ, công ty con là công ty tài chính ALC I của Agribank cũng đã nhận được đề nghị từ phía tập đoàn Srisawad Corporation của Thái Lan trong việc hoàn trả 100% vốn điều lệ của ALC I cho Agribank (200 tỷ) và trả hết phần nợ gốc mà ALC I đã vay của Agribank là 323 tỷ đồng để được sở hữu hoàn toàn công ty tài chính này. Được biết hai bên đã ký biên bản ghi nhớ và đang chờ sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam.

Ngoài ra, các ngân hàng "0 đồng" cũng đang là đối tượng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó OceanBank đã được đối tác nhắm đến từ năm 2017 nhưng đến nay còn chưa hoàn tất. Những tổ chức tín dụng thua lỗ, yếu kém khác cũng được cho là điểm đến hấp dẫn các đối tác nước ngoài trong bối cảnh chính sách về tái cơ cấu có nhiều thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó còn rất nhiều ngân hàng đang còn "room" cho nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những ngân hàng có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm nay chắc chắn cũng sẽ tranh thủ gọi vốn nước ngoài để gia tăng năng lực tài chính và vị thế, mở rộng hoạt động. Điển hình như Ngân hàng Nam Á vừa hé lộ thông tin đã làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài và đến nay cơ bản hai bên đã nhất trí các nguyên tắc hợp tác. Sau đại hội cổ đông 2019, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu cho đối tác để tăng vốn, đồng thời niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE.

Trong một phân tích mới đây, các chuyên gia của Moody's đánh giá rằng hầu hết các ngân hàng Việt vẫn sẽ thiếu vốn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của tiêu chuẩn Basel II, chuẩn bị có hiệu lực từ năm 2020. Do đó, việc huy động vốn, chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là tâm điểm chú ý của các ngân hàng trong năm 2019, bởi thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phát triển.

Theo Trí thức trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến