Dòng sự kiện:
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 8 tỷ USD trái phiếu chính phủ của Nhật Bản
15/03/2024 19:29:06
Nhà đầu tư nước ngoài tăng mua vào trái phiếu chính phủ của Nhật Bản, trước sự gia tăng khả năng nước này có thể sớm kết thúc chính sách lãi suất âm và bắt đầu tăng lãi suất trong năm nay.

Đồng yen của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong tuần trước, các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng cường mua vào trái phiếu chính phủ của Nhật Bản, trước sự gia tăng khả năng nước này có thể sớm kết thúc chính sách lãi suất âm đã thực hiện trong thời gian dài và bắt đầu tăng lãi suất trong năm nay.

Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng lượng trái phiếu dài hạn của nước này trị giá tới 1.150 tỷ yen (7,8 tỷ USD) trong tuần trước, lượng mua theo tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 4/2023.

Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng lượng trái phiếu ngắn hạn của Nhật Bản trị giá 2.220 tỷ yen trong tuần trước, sau khi mua ròng 2.750 tỷ yen vào tuần trước đó.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ thảo luận việc kết thúc chính sách lãi suất âm trong tuần tới nếu khảo sát sơ bộ ngày 15/3 cho thấy kết quả đàm phán lương tại các doanh nghiệp lớn đưa đến việc tăng lương mạnh, đánh dấu bước ngoặt sau một thập kỷ thực hiện chương trình kích thích kinh tế.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 1 năm tăng tương đối mạnh, ở mức 8 điểm cơ bản, trong năm 2024, lên gần mức cao kỷ lục trong gần một thập kỷ là 0,067%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 6 tháng sau khi ở mức âm trong 8 năm đã vọt lên mức trên 0% trong tuần trước.

Lợi suất trái phiếu tăng khi giá giảm và lợi suất cao có thể thu hút các nhà đầu tư mới.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài là những người mua ròng chứng khoán Nhật Bản tuần thứ hai liên tiếp, với 198,35 tỷ yen, ngay cả khi giá cổ phiếu giảm từ các mức cao kỷ lục.

Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản giảm khoảng 0,56% trong tuần trước, chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng điểm.

Tuy vậy, không giống như "cơn sốt" mua cổ phiếu đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư ở thời kỳ đỉnh điểm của bong bóng kinh tế trong hơn ba thập kỷ trước, hầu hết người dân Nhật Bản vẫn đứng ngoài cuộc trong thời gian này. Lý do là họ nhận thấy rất ít lợi ích từ việc giá cổ phiếu tăng trong bối cảnh phải vật lộn để đối phó với lạm phát cao hơn và tiền lương sụt giảm.

Trong khi đó, nhiều người đang đầu tư dường như vẫn đang quan ngại về triển vọng kinh tế, trái ngược với sự lạc quan mạnh mẽ về nền kinh tế từng đánh dấu sự bùng nổ đầu tư trước đó.

Cô Mamiko Maruyama, làm việc trong ngành mỹ phẩm, đang tham gia các lớp học tại Học viện Tài chính, một trường đầu tư ở Tokyo chuyên tổ chức các buổi hội thảo về quản lý tài sản. Cô nói rằng cô chuyển sang đầu tư vì sợ rằng nếu chỉ dựa vào công việc chính của mình có thể không đủ cho tương lai.

Cô Maruyama cho biết nguồn thu nhập bị mất trong đại dịch COVID-19 đã giúp cô mở mang tầm mắt về tầm quan trọng của việc đầu tư, và đà tăng vọt gần đây của chỉ số Nikkei 225 khiến cô cân nhắc việc tăng cường đầu tư vào chứng khoán Nhật Bản.

Bà mẹ hai con này cho biết: “Thế hệ của chúng tôi luôn được dạy rằng tốt nhất là nên tiết kiệm, nhưng điều đó không giúp tiền tăng lên. Tôi cần đầu tư nhiều hơn vì tôi biết lương của mình sẽ không tăng mạnh."

Trong khi đó, cô Rie Fujikawa, một giáo viên tại Học viện Tài chính có trụ sở tại Tokyo, cho biết cô nhận thấy ngày càng có nhiều người ở độ tuổi 20 đến 40 tham gia các lớp học trong vài năm qua.

Cô cũng nhận thấy sự gia tăng đáng kể các câu hỏi về chương trình miễn thuế đầu tư mới của Chính phủ mang tên NISA, được cải tiến vào tháng 1/2024, nhằm theo kịp nỗ lực của Chính phủ về việc khuyến khích chuyển đổi từ tiết kiệm sang đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Theo ông Tomoichiro Kubota, nhà phân tích thị trường cấp cao của Matsui Securities Co, 900.000 tài khoản đầu tư chứng khoán mới đã được mở tại 5 công ty môi giới trực tuyến lớn của Nhật Bản chỉ trong tháng 1/2024, phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc đầu tư của người dân Nhật Bản.

Ông nói: “Việc giới thiệu chương trình NISA mới đã mở rộng đáng kể cơ sở nhà đầu tư, vì hầu hết những người mở tài khoản NISA đều là những người chưa từng tham gia đầu tư chứng khoán trước đây."

Nhưng ông Kubota cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là động lực chính thúc đẩy chỉ số Nikkei 225 tăng vượt ngưỡng 40.000 điểm trong thời gian gần đây.

Tỷ lệ cổ phiếu do các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ trong các công ty niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Tokyo trong năm tài khóa 2022-2023 giảm xuống 17,6%, từ mức 20,4% của năm tài khóa 1990-1991. Ngược lại, tỷ lệ cổ phần do các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài nắm giữ đã tăng từ 4,7% lên 30,1% trong cùng giai đoạn.

Sự miễn cưỡng của người Nhật khi đầu tư vào cổ phiếu được thể hiện rõ nét khi tính đến cuối tháng 3/2023, chỉ có khoảng 15% tài sản của hộ gia đình được giữ dưới dạng cổ phiếu và quỹ tín thác đầu tư, kém xa tỷ lệ tương ứng 51% ở Mỹ và 31% ở châu Âu.

Tuy nhiên, theo ông Masaya Sakuragawa, Giáo sư kinh tế tại Đại học Keio, “trên thực tế, giá cổ phiếu tăng vẫn không giúp tiêu dùng cá nhân tăng trưởng."

Theo dữ liệu gần đây của Chính phủ, chi tiêu hộ gia đình của Nhật Bản trong tháng 1/2024 đã giảm so với một năm trước đó, đánh dấu tháng giảm thứ 11 liên tiếp do mức tăng lương không theo kịp lạm phát.

Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế gần đây của Nhật Bản đã chậm lại đáng kể, cách xa mức tăng trưởng thực tế khoảng 5% vào năm 1989 và 1990./.

Tác giả: Lê Minh

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến