Nhà giá rẻ còn rất thiếu
04/11/2014 16:48:17
ANTT.VN – Cuối năm 2013, tổng dư nợ bất động sản Việt Nam khoảng 262 nghìn tỷ, chiếm 8% tổng dư nợ nhưng tính đến hết 9 tháng năm 2014 dư nợ tín dụng bất động sản tăng lên 11,5%, cao hơn mức bình quân tăng trưởng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Tin liên quan

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bất động sản Việt Nam đã trải qua 3 “cơn sốt giá”, đến năm 2011, Chính phủ đã đưa ra gói kích cầu gần 1 tỷ đô la và một phần trong số này dành xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, nhiều nhà đầu tư đã được thụ hưởng điều này và bắt đầu bình ổn trở lại. Ông cho rằng “đến thời điểm này chúng ta đang đứng trước hai phân khúc rõ rệt, ở phân khúc giá rẻ thì cung đang thiếu mà cầu thì rất cao, ngược lại ở phân khúc giá cao thì cung đang thừa còn cầu thì thiếu”.

Ông Nguyễn Cao Cương - Tổng biên tập báo điện tử BizLive (Ảnh: Kiều Chinh)

GS. Võ cho hay, việc tăng giá là quy luật tất yếu, và tăng giá thì bao giờ cũng tăng vượt so với giá trị thật, “đó chính là quá trình tích lũy bong bóng mang tính quy luật”, còn về đất đai luôn luôn đổi mới rất chật vật, hệ thống quản lý thị trường bất động sản kém, chúng ta thiếu chuyên nghiệp kể cả quản lý dự án hay về chính sách.

Về Nghị quyết 02 của Chính phủ, đã đưa ra nhiều giải pháp kích cầu tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào thị trường giá rẻ, còn thị trường giá cao thì cũng phần nào hạ giá nhưng cũng khó để giải quyết vấn đề còn tồn đọng tuy nhiên cũng giảm được phần nào nợ xấu.  “Nhiều nhà ở giá rẻ cho công nhân, học sinh sinh viên nhưng họ vẫn không mặn mà chính vì vậy chúng ta cần nghiêm túc nhìn vào chất lượng cuộc sống của người thu nhập thấp chứ đừng quá khắt khe, phải làm thế nào để đối tượng này mặn mà hơn  với những nhà ở giá rẻ này”, ông Võ nhấn mạnh.

GS. Đặng Hùng Võ, chuyên gia bất động sản, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT (Ảnh: Kiều Chinh)

Bên cạnh đó, nhìn vào thực tế - theo ông Võ - đến năm 2015 các dự án nhà giá rẻ, nhà ở xã hội sẽ chỉ có thể đảm bảo 5,47% so với kế hoạch đề ra trong năm 2015 trước đó.

Ông Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV đã trao đổi trong hội thảo về việc liên thông lẫn nhau giữa thị trường bất động sản và thị trường tài chính,  theo ông nếu như 10 năm, 20 năm trước kia người ta có thể vay tiền bạn bè, gia đình để mua nhà nhưng trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay chưa chắc người ta đã cho nhau vay tiền mà không tính lãi, bất kể là thành viên trong gia đình.

 “Trong lĩnh vực bất động sản cái khó là xác định giá đất, giá trị đất và tài sản trên mặt đất bởi nó còn tùy vào thời điểm, chính sách và vị trí khác nhau”. Ông Lực nói.

Ông Cấn Văn Lực-Chuyên gia tài chính, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV (Ảnh:Kiều Chinh)

Theo ông Lực, thị trường Bất động sản đang chiếm giữ 40% của cải vật chất cả xã hội, các hoạt động liên quan đến bất động sản chiếm 30% tổng hoạt động nền kinh tế. Nếu thị trường bất động sản của Mỹ chiếm tới ¼ tổng giá trị thị trường toàn thế giới thì Việt Nam lại chỉ ở ở một con số rất khiêm tốn khoảng 1%. Giá trị thị trường bất động sản Việt Nam cuối năm ngoái chiếm khoảng 5,4% GDP, xây lắp chiếm khoảng 5,3% GDP, gộp hai hoạt động này lại thì chiếm trên 11% GDP.

Ông Lực đã chỉ ra mối liên quan giữa tài chính và bất động sản đó là: Tài chính cung cấp vốn và bảo lãnh các loại như tiền đặt cọc, tiền ứng trước, là trung gian thành toán, bảo lãnh cho việc bán, thuê nhà và công trình trong tương lai, là môi giới thẩm định và quản lý dòng tiền dự án…

Cuối năm 2013, tổng dư nợ bất động sản Việt Nam chiếm 262 nghìn tỷ, chiếm 8% tổng dư nợ, hết tháng 9 năm 2014, dư nợ tín dụng bất động sản tăng lên 11,5%, cao hơn mức bình quân tăng trưởng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Tính đến hết tháng 8 còn khoảng 83 nghìn tỷ tồn kho bất động sản và giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, số liệu này đang gây nhiều tranh cãi khi chưa tính đến những dự án dở dang, trong đó có khoảng 997/4000 dự án đang dở dang, ngừng hoạt động hoặc “đắp chiếu”.

Để giải quyết những vấn đề tồn tại của bất động sản Việt Nam, ông Đặng Hùng Võ đề xuất:“Cần phải có một doanh nghiệp, một cơ quan đứng ra làm công tác dự báo, thu nhận thông tin, đưa ra các dự báo trung thực, chuyên nghiệp để định hướng các nhà đầu tư, làm được điều này thì mới hi vọng bất động sản có sức sống”, ông Võ nói.

Kiều Chinh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến