Nhà khoa học, người dân tâm tư về dự án lấp sông Đồng Nai
08/06/2015 10:38:58
“Hy vọng Thủ tướng một lần nữa ra tay cứu sông Đồng Nai như vụ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trước kia” là mong muốn của nhiều người dân, các nhà khoa học, những nhà môi trường khi Bộ Tài nguyên - Môi trường đã chính thức gửi báo cáo về những sai phạm của dự án lấp sông Đồng Nai.

Tin liên quan

Cần kiên quyết đối với các hành vi xâm hại dòng sông Cần kiên quyết đối với các hành vi xâm hại dòng sông - Ảnh: Diệp Đức Minh

TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nói: “Có hẳn một ủy ban với tên gọi đầy đủ là “Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai” vậy mà hết lần này đến lần khác dòng sông này lại lâm vào hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm. Nổi cộm nhất là vụ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đến chuyện lấp sông làm dự án hiện nay.

Nhưng điều đáng tiếc nhất là không thấy ủy ban này có tiếng nói hay thể hiện vai trò gì trong việc bảo vệ sông Đồng Nai ngoài việc gần đây TP.HCM bày tỏ quan ngại về việc dự án sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ cho người dân thành phố”.

Đã sai, thẩm định lại làm gì?

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng về dự án, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đề xuất: “Giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án…”. Theo TS Tứ, để có ĐTM cho Bộ TN-MT cùng các bộ liên quan thẩm định lại thì chắc chắn phải có đơn vị thực hiện đánh giá lại. Đơn vị thực hiện ở đây không thể là UBND tỉnh Đồng Nai do liên quan đến ngân sách nhà nước, không thể lãng phí tiền thuế của người dân đóng. Dự án này đang liên quan trực tiếp đến quyền lợi của Công ty Toàn Thịnh Phát nên cũng không thể giao cho doanh nghiệp này bỏ tiền ra làm lại ĐTM.

“Tôi cho rằng không cần phải làm lại ĐTM, có thể kiến nghị hủy bỏ ngay dự án lấp sông Đồng Nai. Lối thoát ở vấn đề lấp sông Đồng Nai không quá khó, có chăng là khó về mặt ứng xử giữa những người cùng làm trong nhà nước”, ông Tứ nói.

TS Tô Văn Trường nhận xét: Người dân chưa thấy thỏa mãn với công văn nói trên. Bởi đối với bất cứ dự án nào, điều đầu tiên phải kể đến là tính pháp lý của nó, khi mà tính pháp lý không đảm bảo thì... làm sao có thể bàn đến những chuyện khác. Nên việc Bộ TN-MT kiến nghị Thủ tướng giao cho bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thẩm định lại ĐTM của dự án là không cần thiết. Bởi vì đã sai, đã vi phạm về mặt quản lý, pháp lý rồi thì còn thẩm định lại làm gì. Việc còn lại bây giờ là kiểm tra xem tỉnh bồi thường cho chủ đầu tư như thế nào? Xử lý hậu quả ra sao...

TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam - đại diện khu vực phía nam của Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) nói: “Đây là việc làm mất rất nhiều thời gian, ít nhất cũng phải một năm mới hoàn thành”.

Mong kết thúc có hậu

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) ở Hà Nội, nói: Thực tế nó đã như vậy rồi, dư luận đã lên tiếng như thế rồi và đặc biệt nếu như chúng ta không kiên quyết thì tính nghiêm minh của pháp luật ở đây sẽ không còn nữa. Còn có cơ hội sửa sai thì nên mạnh dạn sửa sai, đừng để nó đi quá xa hoặc rơi vào quên lãng. “Bộ TN-MT cũng đã kiến nghị lên Thủ tướng như thế rồi thì cá nhân tôi kỳ vọng là Thủ tướng hủy hẳn dự án này và phải trả lại nguyên trạng cho sông Đồng Nai”, bà Khanh nêu ý kiến.

GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, cũng tha thiết: “Với tư cách là một nhà khoa học, nhà sinh thái học tôi thấy dòng sông Đồng Nai hiện chịu quá nhiều áp lực. Chúng ta cần phải chừa cho nó không gian thoải mái. Nó phải thoải mái thì mới có thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu phát triển xanh, tăng trưởng bền vững hơn”.

GS Huỳnh cũng nhận xét: Bản báo cáo của Bộ TN-MT cũng có sự tiến bộ nhưng còn “chập chừng” không dứt khoát. Đó là tâm lý của những người làm quản lý nhưng đó cũng tiềm ẩn sự nguy hiểm. Người quản lý phải dứt khoát, nên làm hay không làm. Nếu làm thì được lợi gì - hại gì và ngược lại. Chỉ cần tư duy theo cách như vậy sẽ rất dễ làm việc. "Cá nhân tôi thì nghĩ là Thủ tướng đang lắng nghe dư luận về vụ này. Tôi cũng kỳ vọng Thủ tướng sẽ đưa ra một quyết định tương tự như vụ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Trường hợp đó, Thủ tướng đã đưa ra một quyết định rất đúng. Nó cho thấy người đứng đầu

Chính phủ là người biết lắng nghe dân; quyết định đó không vì một nhóm người nào cả mà vì cộng đồng, dân tộc, GS Huỳnh kết luận.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), phân tích: “VN có 2.732 con sông nhưng vẫn bị xem là quốc gia thiếu nước. Một trong những giải pháp đầu tiên và kiên quyết cho vấn đề này là dứt khoát không dung túng, bao biện cho các hành vi lấn lấp dòng chảy kiểu như dự án lấp sông Đồng Nai làm đô thị hiện nay”.

Theo thanhnien.com.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến