Dòng sự kiện:
Nhà máy đạm Ninh Bình lỗ gần 5.000 tỷ đồng dù đã được cảnh báo
06/03/2020 08:48:38
Vinachem đã rót 667 triệu USD đầu tư dự án đạm Ninh Bình, nhưng đến nay sau 9 năm đưa vào vận hành, sản xuất, nhà máy rơi vào cảnh thua lỗ gần 5.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu nhà nước 2.600 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo trung ương vừa yêu cầu Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán tại dự án đạm Ninh Bình của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Theo đó, nhà máy hiện rơi vào cảnh thua lỗ gần 5.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu nhà nước 2.600 tỷ đồng. 

Trước đó, Vinachem đã rót 667 triệu USD (tương đương hơn 10,8 nghìn tỷ đồng) đầu tư dự án đạm Ninh Bình. Dự án khởi công năm 2008 và vận hành thương mại vào tháng 10/2012.

Theo Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của Đạm Ninh Bình là do dự án này có nhiều tồn tại, sai sót. 

Cụ thể, tổng chi phí dự án đề nghị quyết toán 12.400 tỷ đồng, đội vốn 1.600 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư dự án được duyệt.

Nhà máy đạm Ninh Bình. (Ảnh: Nam Trần)

Việc chọn nhà thầu Trung Quốc là Tổng công ty thiết kế thầu khoán hoàn cầu Trung Quốc cũng còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến tính hiệu lực, hiệu quả của gói thầu EPC dự án và của dự án nói chung.

Quá trình đánh giá năng lực nhà thầu EPC còn hạn chế, thiếu thông tin để khẳng định năng lực nhà thầu. Do đó thông tin năng lực của nhà thầu khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ là thiếu căn cứ, thông tin, tài liệu để chứng minh.

Quá trình đàm phán để nhà thầu đưa vào hợp đồng nhiều nội dung gây bất lợi cho chủ đầu tư, nhiều nội dung không rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ gây bất đồng ý kiến khi giải quyết các tồn tại của gói thầu EPC.

Cụ thể, trong quá trình triển khai, Vinachem không tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc dừng đàm phán hợp đồng EPC để đấu thầu. Sau khi có chỉ đạo, chủ đầu tư vẫn tổ chức đoàn sang Bắc Kinh 3 ngày để thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và 24 ngày sang Trung Quốc để tiếp tục đàm phán hợp đồng EPC trong khi chưa xin chủ trương của Thủ tướng.

Sau đó Vinachem và Bộ Công Thương mới có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả đàm phán hợp đồng EPC và đề nghị cho phép ký hợp đồng EPC với nhà thầu Trung Quốc.

Khi nhà thầu đề xuất tăng giá gói thầu EPC 48 triệu USD, từ 432 triệu USD lên 480 triệu USD thì chủ đầu tư không xem xét thương thảo và làm rõ lý do, căn cứ, cơ sở của việc điều chỉnh tăng đối với từng nội dung chi tiết.

Những rắc rối với nhà thầu Trung Quốc trong và sau khi dự án vận hành khiến đạm Ninh Bình đã khó càng thêm khó.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong giai đoạn 2013 - 2018 Nhà máy đạm Ninh Bình hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, phương án tài chính bị phá vỡ do giá than tăng trên 15%, sản lượng sản xuất tiêu thụ thấp hơn 95%. 

Về sản xuất và tiêu thụ, sản lượng thực tế tính theo năm không đạt so với công suất thiết kế và sản lượng sản xuất tại phương án tài chính. Năm 2015, sản lượng nhà máy đạt hơn 380.000 tấn, tương đương 69% công suất thiết kế; năm 2016, sản lượng nhà máy đạt 95.000 tấn, tương đương 17%; năm 2017 sản lượng sản xuất, tiêu thụ đạt gần 190.000 tấn, tương đương 34% lượng tiêu thụ dự báo trong báo cáo tài chính dự án.

Sản lượng chạy máy không đạt công suất thiết kế cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp này "hụt vốn" nặng. Thời gian chạy máy trung bình hằng năm mà đạm Ninh Bình cần đảm bảo là 560.000 tấn urê/năm là 320 ngày. Nhưng có năm, thời gian chạy máy của Nhà máy đạm Ninh Bình thấp kỷ lục, chỉ đạt 76 ngày, bằng 23,8% công suất thiết kế (2016).  

Kiểm toán Nhà nước khẳng định với tình hình tài chính hiện nay trong 3 năm tới Nhà máy đạm Ninh Bình không có khả năng tự chi trả các khoản nợ đến hạn.

Trước khi đứng trước nguy cơ làm "mất vốn" nhà nước như hiện nay, nhiều bộ ngành đã có văn bản cảnh báo hiệu quả đầu tư dự án không cao, hồ sơ dự án chưa đề xuất cơ chế xử lý rủi ro trong và sau khi đầu tư nhà máy. 

Tuy nhiên, Vinachem vẫn quyết định đầu tư vào dự án. Thậm chí, Vinachem còn phê duyệt khi hội đồng thành viên tập đoàn chưa thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ và chưa có báo cáo thẩm định công nghệ của Bộ Khoa học và công nghệ.

Thảo Nhi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến