Giãn cách xã hội ở nhiều địa phương khiến nhu cầu tiêu thụ dầu thô, xăng dầu... sụt giảm mạnh.
Số liệu từ Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho thấy, tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu của doanh nghiệp trong tháng 8 giảm hơn 40% so với kế hoạch. Sản lượng bán lẻ của PVOIL tại TP HCM và các tỉnh phía Nam giảm đến 80% và ở Hà Nội sụt giảm 60%. Tính chung, tổng nhu cầu thị trường giảm khoảng 40%.
Tại cuộc họp mới đây với lãnh đạo Bộ Công Thương, ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, tiêu thụ xăng E5 RON92 và dầu diesel 0.05% của tập đoàn này chỉ bằng 50%, còn xăng RON 95 chỉ 30% so với bình quân cùng thời điểm tháng 6. Lãnh đạo Petrolimex dự báo tình hình tiêu thụ tiếp tục giảm nếu các địa phương kéo dài giãn cách xã hội.
Tiêu thụ giảm sâu buộc Petrolimex phải hạn chế nhận xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu, dừng nhập khẩu các mặt hàng mà 2 nhà máy lọc dầu trong nước sản xuất được do tồn kho tăng cao.
Không riêng các đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn, các đại lý, tổng đại lý xăng dầu lượng tiêu thụ trong thời gian giãn cách xã hội cũng giảm sâu. Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo một đầu mối kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội cho biết, sản lượng bán hàng của doanh nghiệp giảm tới 80% trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách. "Bán thì sụt giảm sâu, hàng tồn kho lớn nên chúng tôi chỉ nhập hàng ở mức tối thiểu", ông cho biết.
Tồn kho xăng dầu tăng cao, sản phẩm sản xuất ra không có nơi chứa, các nhà máy lọc dầu trong nước đang đối mặt với nguy cơ tạm dừng hoạt động. Theo số liệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tồn kho của các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn lên tới hơn 85%, dù họ đã chủ động điều tiết công suất, đưa ra các giải pháp quyết liệt đẻ giảm tồn kho.
Riêng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hiện lượng hàng tồn kho là trên 210.000 m3, tăng 10.000 m3 so với đầu tháng 8. Chia sẻ với VnExpress, đại diện Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết, nhà máy này hiện đã giảm công suất xuống còn 80%, ngưỡng sản xuất tối thiểu. Mức công suất của nhà máy cũng giảm khoảng 10% so với đầu tháng 8.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: BSR
Đại diện BSR cho biết, tháng 6 và 7, khách hàng cam kết nhận hàng vẫn ở mức trên 70% nhu cầu thị trường, nhưng do diễn biến dịch bệnh phức tạp, vận tải hàng hoá, hành khách giảm mạnh, khiến tiêu thụ của nhà máy này chỉ còn hơn 30%. Hiện, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang tồn kho trên 210.000m3 sản phẩm xăng dầu các loại và trên 430.000m3 dầu thô.
Ở một số thời điểm lượng hàng tồn kho của BSR lên tới hơn 90%, buộc nhà máy phải gửi hàng đến các kho khiến chi phí tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhà máy này đã gửi kho hơn 120.000 m3 xăng RON 92/95 và dầu DO. Ngoài ra, BSR cũng đã tính đến phương án thuê tàu để gửi sản phẩm hoặc xuất khẩu sản phẩm nếu thị trường trong nước tiếp tục xấu đi trong thời gian đến.
Về dầu thô, BSR tích cực làm việc với PVOIL và các đối tác để hoán đổi hoặc giãn tiến độ nhận các lô dầu thô, nhằm tránh tồn kho cao.
Tuy nhiên, trong khi xăng dầu trong nước sản xuất gặp khó khăn trong tiêu thụ, nhập khẩu xăng dầu 7 tháng qua vẫn ở mức cao đã khiến áp lực sản xuất và kinh doanh xăng dầu của các nhà máy lọc dầu thêm khó.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 7 đạt gần 584.500 tấn, tăng 8% so với tháng 6, trị giá 387 triệu USD. Luỹ kế 7 tháng, Việt Nam chi hơn 2,5 tỷ USD nhập gần 4,5 triệu tấn xăng dầu các loại. Giá nhập khẩu xăng dầu trung bình 7 tháng tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Trước thực trạng tồn kho xăng dầu tăng cao, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã họp với một số thương nhân đầu mối kinh doanh, sản xuất xăng dầu để bàn các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của hai nhà máy lọc dầu trong nước, đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bộ Công Thương cũng vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu ưu tiên sử dụng nguồn hàng trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Với chỉ thị này, đại diện BSR hy vọng, sẽ sớm giảm lượng hàng tồn kho, giúp nhà máy này vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước như Dung Quất, Nghi Sơn để đảm bảo cân đối cung cầu, giảm nhập khẩu xăng dầu nhằm hỗ trợ ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của các đơn vị trong nước.
Ngoài giảm công suất về mức tối thiểu, 80%, nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng xây dựng các kịch bản chi tiết, chuyển hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoá dầu khi tiêu thụ xăng dầu gặp khó. Hiện, phân xưởng sản xuất Polypropylene đang vận hành ở công suất 115%. BSR đã đưa ra thị trường các sản phẩm hạt nhựa PP mới như T3045, Homo PP Yarn T3050, I3085 và I3150 và đang nghiên cứu, phát triển sản xuất thêm các sản phẩm mới như Cast Film F6070, BOPP và PP Fiber...
Tác giả: Anh Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy