Dòng sự kiện:
Nhân dân tệ suy yếu, lựa chọn nào cho Bắc Kinh?
07/12/2016 11:42:48
ANTT.VN – Trong bối cảnh NDT đang dần được thị trường tài chính toàn cầu chấp nhận, bất cứ một động thái siết chặt quản lý nào đều sẽ khiến Bắc Kinh “mất điểm” nghiêm trọng; tuy nhiên nếu không can thiệp, quốc gia này sẽ lại phải đối mặt với hiện tượng “chảy máu” ngoại tệ nghiêm trọng như đã xảy ra trong năm 2015.

Tin liên quan

Lao dốc

Guan Qingyou, chuyên gia cao cấp tại hãng thông tin Minsheng Securities, hồi đầu tháng 11 cam kết với khách hàng rằng tỉ giá NDT/ USD có thể ở trên mức 6,82 trong những ngày cuối năm.

Chưa đầy một tuần sau, ngày 18/11, đồng NDT chốt phiên ở 6,8796 NDT đổi 1 USD - mức thấp nhất trong hơn 8 năm qua sau chuỗi 11 ngày giảm liên tiếp.

Vị chuyên gia uy tín sau đó đã phải xin lỗi khách hàng, nhấn mạnh việc dự đoán chính xác diễn biến của NDT hiện nay gần như là không thể.

Phần lớn thị trường đều nhận định đồng NDT sẽ tiếp tục đi xuống so với đồng bạc xanh (chốt phiên 4/12 giảm 0,11% xuống 6,887 NDT ăn 1 USD); tuy nhiên với tốc độ và biên độ như thế nào thì không ai dám khẳng định chắc chắn.

Có một thực tế không thể phủ nhận là Trung Quốc đã và đang nỗ lực quốc tế hóa đồng nội tệ của mình bằng cách áp dụng cơ chế tỉ giá mới từ năm ngoái, để các lực lượng thị trường giữ vai trò lớn hơn trong việc thiết lập tỉ giá tham chiếu NDT. Theo đó, đồng NDT được áp dụng biên độ dao động cho phép ở mức +-2% so với tỷ giá tham chiếu công bố hàng ngày,  ngoài ra, ngân hàng nước ngoài cũng tham gia vào hệ thống giao dịch nội địa và tăng gấp đôi số giờ giao dịch.

Những động thái quyết liệt trên góp phần giúp NDT trở nên linh hoạt hơn và được thế giới thừa nhận bằng sự kiện đồng tiền này gia nhập rổ tiền SDR hồi tháng 10 vừa qua.

Mặc dù vậy, quốc tế hóa đồng nội tệ cũng có nghĩa rằng Bắc Kinh chấp nhận “luật chơi” trên thị trường tài chính toàn cầu. Đô la Mỹ mạnh lên đáng kể trong hai tháng qua khiến NDT, như phần lớn nội tệ trên thế giới, đều chuyển động ngược chiều so với đồng bạc xanh.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) muốn sự mất giá này diễn ra một cách có kiểm soát, và họ đủ khả năng để làm vậy. Trên thực tế, so với những đồng tiền chủ chốt khác, Nhân dân tệ diễn biến khá ổn định kể từ đầu tháng 10.

Song để duy trì được sự ổn định, Bắc Kinh đã và đang phải trả cái giá không hề rẻ. Dự trữ ngoại hối của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã “bốc hơi” tới 6,3% từ đầu năm và gần 18% so với đầu năm ngoái, rơi xuống còn 3.120,7 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Tương lai của đồng Nhân dân tệ giờ phụ thuộc câu hỏi: Liệu Bắc Kinh còn đủ lực để theo đuổi mục tiêu của họ, giúp NDT thoát khỏi một cú “hạ cánh cứng”, hay một kịch bản 2015 sẽ lặp lại.

“Ngã ba đường”

Năm 2015, đồng NDT mất giá kỷ lục trong hơn 2 thập kỷ, cuốn phăng 513 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh, tạo ra một dòng lưu chuyển vốn khổng lồ chảy ra nước ngoài, khi mà giá trị đồng Nhân dân tệ không còn hấp dẫn trong mắt giới đầu tư.

Chiều hướng tiêu cực trên phần nào dịu đi trong năm 2016. Tuy nhiên theo tờ Economist, một lượng không nhỏ giới đầu tư đang thực hiện nghiệp vụ vị thế ngắn (Short Position – bán trước mua sau) đối với đồng NDT trên các thị trường ngoài Đại lục.

Bắc Kinh dĩ nhiên không thích điều này, bởi nghiệp vụ short position sẽ tạo áp lực giảm giá đối với NDT. Trên thực tế, PBOC đã và đang tác động khiến việc vay mượn NDT (một phần trong nghiệp vụ short position) ở các thị trường quốc tế trở nên khó khăn hơn; đồng thời tăng cường kiểm soát các dòng chảy vốn để hỗ trợ giá trị NDT trong nước.

Nếu giới đầu tư quốc tế đang duy trì con mắt tiêu cực đối với đồng NDT, thì không khí ở Đại lục thậm chí còn ngột ngạt gấp bội. NDT đã mất giá 6% trong năm nay, cách ngưỡng tâm lý 7 NDT ăn 1 USD không xa. Giới đầu tư theo đó muốn đa dạng hóa danh mục tài sản của họ sang các đồng tiền khác để giảm thiểu rủi ro.

Các nhà điều hành Trung Quốc hiện đang phải cùng lúc “chiến đấu” trên nhiều mặt trận, nhằm làm chậm dòng chảy vốn ra ngoài, bằng cách giới hạn đầu tư ra thị trường tài chính quốc tế. Bắc Kinh hồi đầu tháng vừa siết chặt quy định mua bán tài sản ở nước ngoài, nghi ngờ một bộ phận không nhỏ các thương vụ đầu tư ra thị trường quốc tế ngoài thực chất là để che dấu mục đích chuyển tiền ra khỏi Đại lục.

PBOC cũng liên tục phải dùng tới lượng dự trữ ngoại hối vốn đã bị bào mòn mạnh để hỗ trợ đồng NDT. Trong một công bố chính thức, cơ quan này cho hay đã bán ra trung bình 10 tỷ USD mỗi tháng kể từ đầu năm. Tuy nhiên hãng tư vấn nổi tiếng Logan Wright of Rhodium cho rằng Chính phủ Trung Quốc đã chịu chi hơn nhiều.

Lúc này, nhà cầm quyền Trung Quốc dường như không có nhiều lựa chọn. NDT sụt giá nhanh hơn có thể dẫn đến một đợt phá giá mạnh như năm ngoái bị lặp lại, dòng vốn ồ ạt chảy ra ngoài, đe dọa tính ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Song bất cứ biện pháp nào nhằm tăng cường kiểm soát các dòng vốn để giữ giá NDT rõ ràng sẽ làm tổn thương nền kinh tế (ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu), đồng thời là bước cản đối với những nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT nhằm giảm dần khoảng cách với thị trường tài chính quốc tế, vốn phần nào đã được thừa nhận trong thời gian qua (NDT vừa gia nhập rổ tiền SDR).

Thứ duy nhất có thể khiến Bắc Kinh dễ thở hơn phần nào là một đồng Đô la yếu hơn. Đáng buồn là điều này lại không nằm trong tầm quyết định của Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các cộng sự.

Nghi Điền

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến