Dòng sự kiện:
Nhận diện sớm FinTech 2019
30/12/2018 21:29:27
Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), hiện có khoảng 80 công ty Fintech đang hoạt động tại nhiều lĩnh vực khác nhau của Fintech.

Con số này đang thấp hơn so với các nước trong khu vực như Singapore (490 công ty), Indonesia (262 công ty), Malaysia (196 công ty)... và phần lớn tập trung tại mảng thanh toán. 

Với bối cảnh bùng nổ của cách mạng 4.0, không chỉ FinTech lĩnh vực thanh toán, mà FinTech ở nhiều lĩnh vực khác như e-KYC, Open API... được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và dịch vụ trong thời gian tới khi khung khổ pháp lý đang dần được hoàn thiện.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về câu chuyện công nghệ tài chính (FinTech) trong năm 2019, ông Trần Thanh Nam, người sáng lập Moca cho rằng, mảng thanh toán sẽ tiếp tục sôi động nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ đi lại (ride hailing), giao đồ ăn uống, thương mại điện tử (e-commerce) và chuyển tiền ngang hàng (P2P transfer).

Hai mảng công nghệ tín dụng (alternative lending) và công nghệ bảo hiểm (insurtech) cũng sẽ phát triển lên một tầm cao mới bởi tiềm năng còn rất lớn. Theo đó, các công ty start-up mới chủ yếu phát triển ở hai mảng này và có thể thêm ở lĩnh vực đầu tư/rô-bốt tư vấn (investment/robo-advisor).

“Lý do bởi trong các mảng dịch vụ này có nhiều đơn vị có năng lực quan tâm đầu tư và sẵn sàng thúc đẩy quyết liệt hơn nữa, trong khi thị trường cũng đã quen và sẵn sàng tiếp nhận hơn”, ông Nam lý giải.

 

Hướng tới năm 2019, ông Trần Trí Mạnh, Chủ tịch HĐQT VNPAY nhận định, để khai thác được thị trường FinTech, các công ty FinTech sẽ phải đầu tư rất nhiều về công nghệ, con người… Song song với đó, người bán hàng, người tiêu dùng sử dụng dịch vụ cũng phải chung tay. Theo ông Mạnh, những năm gần đây, mức tăng trưởng bình quân 40%/năm của thị trường là cao nếu xét về mặt số học, nhưng so với quy mô dân số Việt Nam, tức là dung lượng của thị trường, thì còn rất nhỏ.

“Thị trường FinTech cần phải lớn hơn, người dùng phải nhiều hơn. Đây là những thách thức đặt ra cho các công ty FinTech trong thời gian tới. Với VNPAY, chúng tôi đặt mục tiêu trong năm 2019 là tiếp tục phát triển các yếu tố kỹ thuật như dữ liệu lớn (Big Data),trí tuệ nhân tạo (AI)…”, ông Mạnh nói.

Phó chủ tịch MoMo - ông Nguyễn Bá Diệp cho biết, trong bối cảnh người dân đã quen thuộc với thanh toán điện tử, nhất là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM và sản phẩm, dịch vụ đã phong phú hơn, năm 2019 được dự báo tăng trưởng mạnh hơn so với những năm trước đây bởi MoMo sẽ tập trung phát triển các dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, cung cấp thương mại điện tử, hợp tác với các hãng lữ hành…

“Với hơn 10 triệu khách hàng cùng hệ thống chấp nhận thanh toán 10.000 đối tác hiện tại, năm 2019 là thời điểm thích hợp để MoMo đẩy mạnh hoạt động. Tuy nhiên, một người vỗ tay không to bằng nhiều người cùng vỗ, nên MoMo mong muốn các công ty FinTech khác cùng hành động để 70-80% dân số Việt Nam cùng được sử dụng dịch vụ FinTech”, ông Diệp nhấn mạnh.

Song hành cùng nỗ lực của các FinTech, nhà quản lý cũng đã có những động thái cụ thể. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, Ban chỉ đạo FinTech đã hoàn thành Báo cáo đánh giá về Hệ sinh thái FinTech ở Việt Nam, đồng thời đưa ra 5 lĩnh vực cốt lõi của FinTech cần khẩn trương nghiên cứu, đó là định danh khách hàng điện tử (e-KYC), giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), cho vay ngang hàng (P2P Lending), thanh toán và liên kết chuỗi khối (Blockchain).

“Ban chỉ đạo FinTech cũng đã thiết lập các kênh đối thoại trực tiếp với các công ty FinTech, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các công ty FinTech để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động”, ông Hưng chia sẻ thêm.

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, hiện tại, FinTech trong lĩnh vực thanh toán (chiếm khoảng 60% số công ty FinTech đang hoạt động tại Việt Nam) đã hoạt động ổn định, các lĩnh vực FinTech mới như P2P Lending, e-KYC, tài chính cá nhân… được kỳ vọng sẽ phát triển hơn trong thời gian tới khi khung pháp lý cho các hoạt động này được hoàn thiện.

“Ưu tiên hàng đầu của Ban chỉ đạo FinTech hiện nay là xây dựng đề án về cơ chế quản lý thử nghiệm (sandbox)”, ông Sơn cho biết.

Nhận định về động thái này của NHNN, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội FinTech Việt Nam nói: “Kế hoạch của NHNN trong cơ chế quản lý thử nghiệm sẽ giúp cho các FinTech được thử nghiệm mô hình dịch vụ công nghệ mới - là nền tảng cho sự ra đời của các công ty FinTech, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này trong năm 2019”. 

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến