Dòng sự kiện:
Nhân rộng gương điển hình học tập và làm theo Bác
19/05/2018 10:00:25
Việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã từng bước tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong Đảng bộ, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Hà Nội.
Ông Nguyễn Tứ Hùng bên công trình kè ao môi trường (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội) từ nguồn kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng do gia đình ông ủng hộ. Ảnh: HOÀNG MẪN

Những hành trình không mỏi

Dọc theo con đường làng được thảm bê-tông khang trang, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Tứ Hùng ở cụm 13, xã Tân Lập (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Nếu không được đồng chí cán bộ văn hóa xã dẫn đi và giới thiệu, chúng tôi sẽ không ngờ người đàn ông có gương mặt chất phác, ăn mặc giản dị ấy lại chính là “mạnh thường quân” nổi tiếng cho phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. Khi huyện Đan Phượng triển khai phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới, ông Hùng cứ băn khoăn mãi khi chứng kiến cái ao làng trước nhà mình, trước kia trong xanh là thế, mà giờ bị ô nhiễm nặng. Thao thức mấy đêm liền, ông liền liên lạc, gọi bốn người con đi làm ăn xa về bàn bạc: “Bố mẹ có ít tiền, cho nên rất muốn các con ủng hộ để cải tạo ao làng cho sạch, đẹp”.

Nghe ông nói thế, bốn người con đều nhất trí hỗ trợ cho cha mẹ 1,8 tỷ đồng để cải tạo ao. Chỉ sau vài tháng thi công, ao môi trường cụm 12-13 rộng hàng nghìn m2 ở xã Tân Lập đã được cải tạo khang trang, sạch, đẹp, được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ về thăm nhân dân và cán bộ xã Tân Lập (22-5-1962 - 22-5-2017).

Hưởng ứng nghĩa cử cao đẹp ấy của ông Hùng, các hộ dân sống chung quanh cũng nhiệt tình tham gia đóng góp, từ việc trồng cây xanh, mua các bộ bàn ghế đá để mọi người có chỗ nghỉ ngơi, thư giãn. Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Hữu Quy cho biết, năm 2017, xã đã đầu tư xây dựng được 24 công trình phúc lợi với tổng kinh phí gần 26 tỷ đồng, trong đó hơn 5,8 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa do người dân đóng góp. Đến nay, các cụm dân cư số 5, 6, 7, 8, 12 và 13 của xã Tân Lập đã có sân chơi, vườn hoa; ghế đá được đặt tại các điểm công cộng. Xã đã hoàn thành việc đánh số nhà, làm các tuyến đường hoa, đường bích họa... tô đẹp diện mạo xã nông thôn mới.

Trong khi ông Nguyễn Tứ Hùng luôn trăn trở xây dựng, làm đẹp quê hương thì một cựu chiến binh khác là ông Nguyễn Xuân Tứ ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình nhiều năm qua lại luôn đau đáu với hành trình đi tìm hài cốt đồng đội cũ của mình đã hy sinh trên đỉnh núi Chư Tan Kra (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) vào đêm 25-3-1968. Từ năm 2009 đến nay, với kinh phí tự túc cùng biết bao chuyến đi xuôi ngược, vượt núi, luồn rừng, ông Tứ và một số cựu chiến binh đã tìm được gần 400 hài cốt liệt sĩ, trao trả cho thân nhân của họ, an ủi được phần nào những mất mát mà đồng đội và gia đình họ phải chịu nhiều năm qua.

Tại Hà Nội, những tấm gương như ông Hùng, ông Tứ không hiếm khi thành phố thực hiện Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyết ở phường Viên Sơn (thị xã Sơn Tây) ngoài việc chăm sóc gia đình, vui vầy với các cháu, vẫn dành rất nhiều thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện cho xã hội.

Hay Phó Bí thư đoàn phường Phúc La (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Huyền Trang, người luôn hết mình với các hoạt động xã hội. Hằng tuần, Trang chủ trì tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ thanh niên tình nguyện Hà Đông đến trung tâm người khuyết tật giúp đỡ các hội viên; tổ chức đội hình ra quân bóc xóa quảng cáo rao vặt trên các tuyến đường; tổ chức sân chơi cho trẻ em mỗi dịp hè. Ngoài ra, Huyền Trang còn cùng các cô giáo tình nguyện dạy tiếng Anh miễn phí cho hơn 300 em học sinh nghèo… Đây là những tấm gương sinh động trong việc học và làm theo Bác.

Lấy hiệu quả làm thước đo

Cùng với các cá nhân, nhiều mô mình hay, cách làm sáng tạo trong việc triển khai Chỉ thị 05 của thành phố Hà Nội đã được thực hiện và nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao. Kế hoạch số 18 ngày 1-9-2016 của Thành ủy Hà Nội được ban hành, không chỉ “lĩnh hội” đầy đủ yêu cầu của Bộ Chính trị nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh mà còn chọn được những điểm nhấn riêng phù hợp với tình hình. Để tránh chung chung, hình thức, Thành ủy đã chỉ ra từng địa chỉ, đầu việc cụ thể, từ các ban Đảng, các sở, ngành đến các cấp ủy, đi kèm với các mốc thời gian triển khai.

Theo phương châm “trên trước, dưới sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể”, Thành ủy đã gương mẫu thực hiện Chỉ thị 05, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trên một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Như tháng 9-2016 - thời điểm công tác cấp “sổ đỏ” trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, việc cấp “sổ đỏ” đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa mới đạt 37%, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 09 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn Hà Nội”. Trong đó, Thành ủy nhấn mạnh, địa phương, đơn vị nào không hoàn thành kế hoạch cấp giấy chứng nhận được cấp có thẩm quyền giao thì cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là đồng chí Bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên. Rõ địa chỉ, rõ “chế tài” như vậy, cho nên đến giữa năm 2017, các địa phương đã “cán đích”.

Với cách làm linh hoạt, sáng tạo như vậy, nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động áp dụng vào thực tế địa phương, đơn vị để triển khai với yêu cầu cao hơn, nhất là trong những lĩnh vực như cải cách hành chính, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng. Cách làm tại phường Phúc Đồng (quận Long Biên) là một thí dụ.

Mấy năm trước, Phúc Đồng luôn xếp cuối trong các phong trào thi đua, vai trò của cấp ủy cơ sở mờ nhạt, có chi bộ mất sức chiến đấu. Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Thị Ngọc cho biết, cùng với Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), Chỉ thị 05 ra đời như một luồng sinh khí mới, giúp phường từng bước tìm ra giải pháp khắc phục những hạn chế. Phường đã tổ chức tọa đàm, nhận diện rõ 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và thẳng thắn chỉ ra biểu hiện ở một số cơ sở.

Tiếp đó, kiện toàn năm cấp ủy chi bộ và quyết định miễn nhiệm một số bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố; đồng thời thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm 10 tổ dân phố và 9 chi bộ, 56 chức danh, mỗi năm tiết kiệm khoảng gần 300 triệu đồng chi trả phụ cấp. Nhờ đó, tình hình địa phương đã ổn định, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, vươn lên tốp đầu của quận Long Biên.

Tại Đảng bộ Khối các cơ quan thành phố Hà Nội, việc thực hiện Chỉ thị 05 được thực hiện theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Bí thư Đảng ủy Khối Lê Thị Thu Hằng cho biết, từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ lần lượt cùng dự sinh hoạt chi bộ cơ sở, nếu nơi nào không đáp ứng cả về hình thức lẫn nội dung thì chỉ đạo phải khắc phục ngay. Hay như đăng ký học tập và làm theo Bác, sau khi kiểm tra lại thấy nhiều bản ở cùng một đơn vị gần như giống hệt nhau, yêu cầu phải làm lại đảm bảo chất lượng, gắn với nhiệm vụ cá nhân.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, lấy kết quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm một tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, việc xây dựng kế hoạch cá nhân cần lựa chọn công việc phù hợp, vị trí công tác, chức vụ càng cao thì càng chú trọng trách nhiệm nêu gương.

Thành phố tiếp tục gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị với Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy. Phát huy tinh thần tiên phong gương mẫu của lãnh đạo, cấp ủy và chính quyền các cấp từ thành phố tới cơ sở, từ đó vận động quần chúng nhân dân làm theo, để đưa việc học và làm theo Bác ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.

Theo Nhân dân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến