Dòng sự kiện:
Nhân sự không đủ 50% tín nhiệm không được đưa ra bầu đại biểu Quốc hội
12/01/2021 00:26:32
UB Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định này tại phiên họp hôm nay, 11/1/2021, dù trước đó việc này nhận nhiều ý kiến trái chiều, cảnh báo có khả năng gây ảnh hưởng quyền ứng cử của công dân…

UB Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết.

Vấn đề được đặt ra tại phiên thảo luận, thông qua Nghị quyết Hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong khuôn khổ phiên họp 52 của UB Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo về việc chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, văn bản đưa ra tại phiên họp thứ 51 quy định trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú không đạt 50% số cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến thì không đưa vào danh sách dự kiến giới thiệu ứng cử (Điều 9 và Điều 14) và danh sách giới thiệu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba (Điều 28).

Trên cơ sở ý kiến kết luận của UB Thường vụ Quốc hội, Thường trực UB Pháp luật và cơ quan soạn thảo đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý quy định của dự thảo Nghị quyết theo hướng: trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc không đạt trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức giới thiệu người khác; nếu không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú thì không đưa vào danh sách ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để Hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

Về việc tổ chức hội nghị cử tri, ông Tùng cho biết, để bảo đảm tính ổn định, phát huy các ưu điểm, khắc phục được một số vướng mắc trong kỳ bầu cử trước, Thường trực UB Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UB Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Quốc hội (bao gồm cả cử tri công tác tại Viện Nghiên cứu lập pháp).

Thường trực UB Pháp luật và cơ quan soạn thảo thống nhất chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng: bỏ quy định về điều kiện thời gian sinh sống thường xuyên, liên tục 6 tháng trở lên; không quy định về xác định nơi lấy ý kiến nơi cư trú của người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Nhân sự không đủ 50% tín nhiệm không được đưa ra bầu đại biểu Quốc hội - 2

Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo về nội dung dự thảo Nghị quyết trước UB Thường vụ Quốc hội.

Với dự thảo nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp, UB Thường vụ Quốc hội thống nhất việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định về việc xác định quy mô dân số của các đơn vị hành chính theo số liệu do cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố và việc xác định đơn vị hành chính miền núi, vùng cao, hải đảo làm cơ sở để xác định số lượng đại biểu HĐND được bầu; về số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; về cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Riêng về số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại thành phố Hà Nội, do chưa có quy định cụ thể nên UBTVQH nhất trí trong Nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp không quy định đặc thù về số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại thành phố Hà Nội mà sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 11 tới (dự kiến tháng 3/2021).

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri nơi công tác đối với người ứng cử công tác tại cơ quan Quốc hội, cơ quan thuộc UB Thường vụ Quốc hội thì Thường vụ nhất trí với đề nghị của UB Pháp luật để phù hợp với thực tiễn và luật bầu cử hiện nay, như thế gọn hơn trong quá trình tổ chức.

Về số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại Hà Nội, UB Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất báo cáo Quốc hội xem xét quyết định vấn đề này tại kỳ họp tới.

100% Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết nhất trí đồng ý thông qua Nghị quyết quy định chi tiết hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri, việc giới thiệu người ứng cử hội đồng nhân dân cấp xã, thôn, tổ dân phố. Việc hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu, lập danh sách để ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.

100% Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội cũng biểu quyết đồng ý về nghị quyết hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu thành phần và phân bổ số lượng người giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tác giả: Phương Thảo

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến