Liên quan đến diễn biến thị trường chứng khoán thời gian gần đây, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng Phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam.
PV: Thưa ông, sau đợt tăng mạnh hồi tháng 1 thị trường chứng khoán tháng 2 lại có sự điều chỉnh, ông có nhận xét như thế nào về diễn biến của thị trường chứng khoán trong giai đoạn vừa qua? Đâu là nguyên nhân dẫn đến những biến động của thị trường?
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Bất chấp thị trường có sự phục hồi từ tháng 11, thì xu hướng giảm trong trung hạn từ tháng 4/2022 vẫn chiếm ưu thế khá rõ ràng. Nên sự phục hồi từ tháng 11 chỉ là giai đoạn phục hồi ngắn hạn trong một xu hướng điều chỉnh dài hơn. Vì thế, thị trường quay lại giảm điểm trong tháng 2 không có gì quá bất ngờ.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư khi thanh khoản của thị trường ở mức thấp trong nhiều tháng qua và nhiều doanh nghiệp không thể trả được nợ trái phiếu đến hạn. Điều này tạo ra rủi ro lớn trong ngắn hạn ở giai đoạn hiện tại. Đặc biệt là sắp tới, giá trị đáo hạn của các lô trái phiếu là khá lớn, các trái phiếu này đã phát hành trong những năm trước.
PV: Những nhân tố nào có thế tác động đến thị trường cả về mặt tích cực và tiêu cực trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Trong ngắn hạn, yếu tố ảnh hưởng đến thị trường nhiều nhất là vấn đề của thị trường trái phiếu. Thị trường này đang gặp vấn đề rất lớn về thanh khoản khi giá trị phát hành mới trái phiếu trong nhiều tháng trở lại đây đang ở mức thấp kỷ lục.
Bên cạnh đó, áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn cũng tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp, nhất là nhóm bất động sản. Một số doanh nghiệp đã không hoàn trả được lãi và nợ gốc trong thời gian qua. Dự kiến, quý II và III năm nay là đỉnh điểm đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Nếu thị trường trái phiếu không được cải thiện nhiều, doanh nghiệp sẽ khó huy động được nguồn vốn để đáo hạn trong lúc này. Điều này có thể ảnh hưởng đến thị trường nói chung.
Việc Fed tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian tới cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng có thể không quá lớn do mức tăng thêm chỉ khoản 0,5% trong 2 lần nâng tới. Nếu so với năm 2022, thì đây là mức tăng khá thấp.
Ngược lại, trong dài hạn các yếu tố vĩ mô khác đang khá tích cực như nền kinh tế dự kiến vẫn sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2023. Đây có thể không phải mức tăng lớn, nhưng nếu đặt trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu, thì mức tăng này là đáng kể. Không chỉ vậy, tỷ giá đã có xu hướng ổn định trở lại, điều này tạo ra môi trường thuận lợi cho dòng vốn ngoại chảy vào Việt nam. Bên cạnh đó, lãi suất cũng đang có xu hướng hạ nhiệt.
PV: Con số thống kê thời gian qua cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng trong 3 tháng gần đây, tuy nhiên đà mua ròng của khối ngoại đã có dấu hiệu chậm lại, đâu là nguyên nhân. Liệu trong năm 2023 xu hướng mua ròng của khối ngoại có tiếp tục được duy trì?
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Khối ngoại bắt đầu mua ròng mạnh trên thị trường Việt Nam bắt đầu từ tháng 11/2022 khi chỉ số VN-Index đã giảm 40% từ đỉnh tháng 04/2022 và chạm mốc 900 điểm. Một số cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt về lại vùng giá khá hấp dẫn với mức chiết khấu cao. Nhận thấy cơ hội với cổ phiếu Việt Nam, nhà đầu tư ngoại đã giải ngân mạnh trong giai đoạn này mua ròng 16 nghìn tỷ đồng trong tháng 11 và 13 nghìn tỷ trong tháng 12. Cần lưu ý, nhà đầu tư nước ngoài đa số là các tổ chức. Vì thế, chiến lược của họ sẽ tập trung vào lợi nhuận trung và dài hạn.
Ảnh minh họa
Sau khi tạo đáy thì thị trường tăng trưởng khá mạnh. Nhiều cổ phiếu, tăng mạnh 20 - 30%. Điều này là cơ hội đầu tư của khối ngoại giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, giai đoạn này cũng trùng với kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán ở Việt Nam, nên hoạt động của khối này không còn quá mạnh mẽ như tháng 11 và 12/2022.
Với nền giá cao như hiệu tại, các cơ hội đầu tư sẽ không còn nhiều như giai đoạn trước đây. Vì thế, tốc độ giải ngân của khối này có phần chậm lại, quy mô có thể nhỏ hơn. Tuy nhiên, khối này vẫn sẽ mua ròng ở thị trường Việt Nam trong năm 2023. Đặc biệt, nếu thị trường có sự điều chỉnh mạnh thì chắc chắn dòng vốn ngoại sẽ được kích hoạt một lần nữa.
PV: Ông dự báo như thế nào về diễn biến của thị trường trong thời gian tới. Trong năm 2023 nhà đầu tư nên chọn chiến lược giao dịch như thế nào và cần chú ý quan sát những nhóm ngành nào, vì sao?
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Thị trường đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khi tâm lý nhà đầu tư đang có phần thận trọng, đặc biệt áp lực bán gia tăng trong những phiên thị trường giảm mạnh. Điều này hàm ý về việc nhà đầu tư có xu hướng bán nhiều hơn là nắm giữ cổ phiếu. Vì thế, trong ngắn hạn, thị trường có thể xuất hiện một nhịp điều chỉnh. Bên cạnh đó, áp lực trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp đang khá lớn, nhất là trong quý II và quý III năm nay.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần nhìn theo hướng tích cực, khi có thể xem đây là nhịp điều chỉnh cuối cùng trước khi chỉ số bước vào một giai đoạn tăng trưởng vào nửa cuối năm 2023. Khi các yếu tố vĩ mô của Việt Nam vẫn tốt như tăng trưởng kinh tế được dự báo vào khoản 6,5% trong năm nay.
Trong bối cảnh đó, chiến lược đầu tư nên thiên về hướng bảo toàn danh mục tập trung vào một số cổ phiếu có dòng tiền ổn định như các ngành điện nước đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành nhiệt điện khi nhóm này dự kiến được hưởng lợi từ chu kỳ El nino và La nina.
Bên cạnh đó, nhóm dầu khí cũng nên được quan tâm ở hiện tại. Xung đột Nga - Ukraine đã thúc đẩy giá dầu duy trì ở mức cao trên 80 USD mỗi thùng trong thời gian qua. Điều này sẽ kích hoạt các dự án dầu khí khởi động trở lại. Thêm vào đó Luật Dầu khí vừa được thông qua năm 2022 sẽ tạo ra cơ chế thông thoáng hơn cho các dự án dầu khí trong nước. Khi đó các cổ phiếu trong ngành sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, chỉ có những doanh nghiệp thượng nguồn ngành dầu khí sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!