Dòng sự kiện:
Nhân viên ngân hàng hết thời thu nhập khủng
29/11/2014 09:53:30
ANTT.VN - Hết thời cầu tín dụng bùng nổ, lãi suất cho vay cao, nhân viên có mức thu nhập “khủng”, thưởng tháng, thưởng quý, thưởng tết cộng lại mỗi năm cũng cả chục tháng lương. Hiện nay, nhân viên ngân hàng đang đối mặt với nhiều sức ép...

Tin liên quan

Khi cực thịnh

Khoảng thời gian những năm 2006 - 2010 có thể coi là thời kỳ “cực thịnh” của giới ngân hàng. Nhìn lại giai đoạn này, nhất là sau khi chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào ngày 07/11/2007, nền kinh tế trong nước tăng trưởng chóng mặt, bất chấp ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 nền kinh tế trong nước vấn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng lên tới 7,01%/năm, trong đó bình quân giai đoạn 2006-2007 là 8,34%, chỉ trong vòng 4 năm ngắn ngủi thu nhập bình quân đã tăng lên 1,6 lần, từ mức 730USD/người vào năm 2006 lên 1168USD/người vào năm 2010.

Nền kinh tế phát triển, thị trường chứng khoán hấp dẫn, thị trường bất động sản tăng trưởng nóng, tất cả các khu vực kinh tế đầy đẩy mạnh sản xuất kinh doanh dẫn tới nhu cầu về vốn tăng mạnh. Cầu tín dụng bùng nổ, lãi suất cho vay cao, hệ thống ngân hàng thương mại “hái ra tiền”. Nhân viên ngân hàng trong thời kỳ này có mức thu nhập “khủng”, thưởng tháng, thưởng quý, thưởng tết cộng lại mỗi năm cũng cả chục tháng lương. Với nguồn vốn lớn đứng sau, các nhân viên tín dụng được doanh nghiệp o bết hết mức.

Có thể khẳng định, những năm này, ngân hàng là một công việc đáng mơ ước, ngành đào tạo tài chính-ngân hàng trở thành ngành học “hot” bậc nhất, trở thành sinh viên ngân hàng là niềm khát khao rất nhiều học sinh THPT. Điểm chuẩn ngành học tài chính-ngân hàng luôn xếp top trong các ngành học có điểm chuẩn thi vào cao nhất. Nếu muốn vào học ngành ngân hàng tại những trường top đầu, mỗi thí sinh phải đạt 8-9 điểm một môn trong kì thi đại học. Mỗi sinh viên tài chính ngân hàng ngày ấy chính là “tinh hoa” của các lớp phổ thông, niềm tự hào của mỗi gia đình.

Lúc khởi suy

Chông chênh trên bước đường tìm việc (Ảnh: Internet)

Nhưng giờ đây, khi nền kinh tế khó khăn, lĩnh vực ngân hàng lâm “trọng bệnh” với “khối di căn” nợ xấu (có 1 phần lỗi lớn xuất phát tình trạng tăng trưởng nóng và cấp tín dụng vô trách nhiệm trước kia) thì công việc đáng mơ ước, vị trí cả tá người o bế năm nào bỗng “xương xẩu” với bao nhiêu áp lực và thách thức. Các tân cử nhân tài chính ngân hàng, những “tinh hoa” một thời phải đối mặt với vô vàn những khó khăn.

Không còn tình trạng sa thải và tuyển dụng nhỏ giọt như năm 2013, thậm chí là đăng tuyển ồ ạt, cơ hội việc làm là rất nhiều nhưng vẫn là rất vất vả để mỗi sinh viên ra trường có thể có được một việc làm đúng ngành, được gắn bó với nghề và sống tốt bằng nghề đó.

Phóng viên ANTT&TT đã có dịp gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ của một nữ nhân viên ngân hàng tên Hà ở khu vực Cầu Giấy. Chị Hà sinh năm 1992, vừa mới tốt nghiệp bằng giỏi chuyên ngành ngân hàng của Học viện Tài chính, mới được nhận vào làm chính thức ở vị trí giao dịch viên tại một NHTMCP khá có tên tuổi trên đường Trần Thái Tông. Như chị chia sẻ thì mức lương hiện tại của chị là hơn 5 triệu đồng, tuy nhiên thời gian làm việc và khối lượng công việc lại rất áp lực. Hàng ngày, chị phải có mặt tại phòng giao dịch vào lúc 7 rưỡi sáng và rời cơ quan khi cả khu phố đã sáng đèn. Bên cạnh đó, chị kể rằng vị trí mà chị đang công tác cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, một đồng nghiệp của chị đã từng phải cắn răng bỏ ra hơn 20 triệu đồng để đền cho ngân hàng vì xử lý nhầm một nghiệp vụ. Đồng thời, thông qua chị Hà, chúng tôi cũng được biết khi được nhận vào ngân hàng những nữ nhân viên như chị phải ký một bản cam kết sẽ không sinh con trong 2 năm đầu. Tuy nhiên, chị Hà cũng cho rằng mình vẫn may mắn hơn rất nhiều bạn bè khi có được một việc làm khá chuyên môn, dẫu vất vả nhưng không bị áp đặt chỉ tiêu này nọ.

Tiếp tục trao đổi với chị Lan, hiện đang thử việc tại trung tâm bán của ngân hàng T trên đường Lê Ngọc Hân. Chị Lan cho biết, nhiệm vụ chính của chị đó là tìm kiếm và mời khách hàng sử dụng các dịch vụ thẻ của ngân hàng. Vì ngân hàng “khoán” chỉ tiêu và đánh giá theo KPIs nên công việc hết sức áp lực. Chị Lan chia sẻ, nhiều lúc cảm thấy rất chán nản, ngày học đại học thì mộng mơ nhiều điều và cứ nghĩ ra làm ngân hàng sẽ được tiếp xúc với một môi trường chuyên nghiệp và thực hiện những nghiệp vụ chuyên môn khác chứ chưa bao giờ nghĩ phải đi mời chào mở thẻ như “bán hàng rong” thế này. Vì mới đang ở giai đoạn thử việc nên có tháng không đủ chỉ tiêu chị cũng phải “cắt máu” (như ANTT.VN đã đề cập ở kỳ 1) để đạt KPIs, chờ đợi ngân hàng ký hợp đồng chính thức.

Về thu nhập, chị Lan cũng chia sẻ trong 2 tháng học việc chị sẽ được nhận 50% mức lương quy định (khoảng 6 triệu đồng), thời gian học việc là 85%. Có một chi tiết đang lưu ý, đó là khi ký hợp đồng học việc thì mỗi nhân viên mới sẽ được chi nhánh gửi lên trung tâm đào tạo cán bộ của ngân hàng để tập huấn trong 3 tuần về nghiệp vụ và các sản phẩm của ngân hàng, theo như ghi trong hợp đồng thì tổng chi phí đào tạo là 5 triệu, trong đó ngân hàng tài trợ 100%. Tuy nhiên, khi về công tác, thì tháng lương học việc đầu tiên chị chỉ được nhận có hơn 1 triệu đồng (theo quy định là 50% của lương quy định là 6 triệu đồng), hỏi ra mới được biết là hằng tháng ngân hàng sẽ giữ lại một phần lương để bù đắp cho 5 triệu chi phí đào tạo, khi nào được nhận chính thức thì ngân hàng sẽ trả lại toàn bộ 5 triệu đó, nếu không được vào làm chính thức thì 5 triệu trên sẽ được tính vào chi phí đào tạo.

Không còn là miền đất hứa

Có cả những ứng viên đã tốt nghiệp từ rất lâu vẫn nộp đơn xin phỏng vấn làm chuyên viên tập sự

Một hình thức mà rất nhiều NHTM đang sử dụng để đăng tuyển nhân sự, đó là đưa ra những chương trình tuyển dụng thực tập sinh tiềm năng hay chuyên viên tập sự. Theo hình thức trên, mỗi ứng viên khi được nhận vào tập sự sẽ được hưởng một mức lương (chính xác là phụ cấp) nhỏ và thực hiện những công việc, nghiệp vụ như nhân viên chính thức. Xét một cách khách quan thì chương trình tập sự như vậy là khá phù hợp với những sinh viên năm cuối cần nơi thực tập, một cơ hội giúp mỗi sinh viên có thể trải nghiệm thực tế môi trường làm việc tại các ngân hàng nhưng với một sinh viên đã tốt nghiệp và cần một việc làm đúng nghĩa thì khá bất cập.

Tuy nhiên, vào trang web tuyển dụng của ngân hàng M, đơn vị mới đưa ra chương trình tuyển dụng chuyên viên quan hệ khách hàng tập sự thì có thể thấy rằng trong danh sách phỏng vấn của chương trình có rất nhiều ứng viên sinh năm 1990, 1991 thậm chí là 1985, 1986, những người nhiều khả năng đã ra trường được nhiều năm. Trong danh sách phỏng vấn tuyển dụng tại khu vực Hà Nội của ngân hàng này con số ứng viên đã lên tới 997 người. Điều này phản ánh, tuy áp lực công việc rất lớn, chế độ đãi ngộ không còn cao nhưng sự cạnh tranh trong thị trường lao động ở lĩnh vực ngân hàng vẫn cực kỳ khốc liệt khi số lượng sinh viên kinh tế tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm hằng năm rất đông và có dấu hiệu ngày càng tăng. Đây là hậu quả của hệ thống giáo dục thiếu tính định hướng và không gắn với yêu cầu của thị trường lao động.

Anh Khánh, chuyên viên quan hệ khách hàng tập sự tại một chi nhánh của ngân hàng M trên đường Nguyễn Trãi chia sẻ, anh đã ký hợp đồng tập sự có thời hạn 6 tháng với ngân hàng. Theo đó, mỗi tháng ngân hàng “khoán” cho anh huy động 200 triệu và cho vay 600 triệu, chưa kể phải mở 2 tài khoản thanh toán của doanh nghiệp. Về chế độ đãi ngộ, thì sẽ phụ thuộc vào chỉ tiêu; nếu  thực hiện được 50% mức khoán anh Khánh sẽ nhận được 1,5 triệu đồng và nếu vượt chỉ tiêu 200, 300% thì anh cũng chỉ được nhận mức lương không quá 3 triệu đồng. Ngoài ra, những chuyên viên tập sự như anh Khánh không có một chế độ nào khác, không bàn làm việc, không máy tính, không mail nội bộ, không điện thoại, không name card.

Khi được hỏi, tại sao chế độ bất lợi như thế mà anh vẫn muốn làm, anh Khánh chia sẻ chân thành rằng: “mình là sinh viên mới ra trường, bây giờ, kinh tế khó khăn, người khôn của khó, kiếm việc khó lắm, mà M lại là một ngân hàng lớn, thời sinh viên mình vẫn ao ước được vào làm ở đây. Vì vậy, mình chấp nhận thiệt thòi để được làm việc, được thể hiện mình và mong muốn có một ngày được trở thành nhân viên chính thức”. Chia sẻ thêm, anh Khánh cho biết, anh quê ở miền Trung, mỗi lần về quê, mọi người hỏi làm ở đâu, trả lời là làm ở ngân hàng M thì ai cũng suýt xoa ngưỡng mộ, bảo thế thì tiền để đâu cho hết. Mỗi lần như vậy anh chỉ biết cười chừ.

Có thể thấy các nhà quản trị ngân hàng đã rất nhạy bén khi đưa ra những chương trình tuyển dụng như trên. Với niềm khát khao làm việc, mong muốn tự khẳng định và khát vọng tuổi trẻ những tân cử nhân chính là những “chiến binh” quả cảm nhất để giúp ngân hàng hiện thực hoá các mục tiêu kinh doanh.

Qua các báo cáo tài chính bán niên mà ngân hàng đã công bố, thu nhập trung bình 6 tháng đầu năm của nhân viên ngân hàng nằm trong khoảng từ 10-20 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên đó chỉ đơn thuần là những thống kê theo lối “cào bằng” kiểu “bình quân gia quyền”. Nó làm cho nhiều người lầm tưởng về đời sống của đại bộ phận nhân viên ngân hàng. Thực tế, theo tìm hiểu của ANTT&TT thì mức thu nhập của mỗi nhân viên bình thường tại ngân hàng chỉ là từ 4-7 triệu đồng mà áp lực công việc thì hết sức khủng khiếp. Ngược lại số ít các lãnh đạo cấp trung và cao thì thu nhập ngất ngưởng lên tới cả trăm triệu mỗi tháng.

Ngân hàng thực sự không còn là “miền đất hứa”!

Ninh Giang

 
 
 
       
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến