Nhập khẩu gạo Ấn Độ tăng đột biến
Mặc dù là đang là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới nhưng gần đây Việt Nam đã nhập khẩu một khối lượng lớn gạo từ thị trường Ấn Độ.
Theo số liệu của bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi 74,8 triệu USD để mua gạo của Ấn Độ, tăng hơn 554 lần về trị giá so cùng kỳ năm ngoái là 76 tấn gạo với trị giá 135.000 USD, về lượng tăng hơn 3.000 lần so cùng kỳ.
Từ năm 2019 trở về trước, trung bình mỗi năm, gạo Ấn Độ sang Việt Nam tầm 500 đến vài nghìn tấn. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã bất ngờ nhập khẩu 46.700 tấn gạo từ thị trường Ấn Độ, tăng hơn 9,5 lần so với năm 2019 và xu hướng tăng này đang tiếp diễn từ đầu năm đến nay.
Bắt đầu từ vụ hè thu năm 2021, ngành gạo Việt Nam bị ảnh hưởng xấu do nhập gạo giá rẻ Ấn Độ. Giá gạo Việt Nam hiện tại đã giảm chỉ còn khoảng 470 USD/tấn, trong khi cùng loại này, đầu năm 2021 có giá từ 520-530 USD/tấn. Trong nửa năm, giá gạo xuất khẩu giảm 50 - 60 USD/tấn. Không những giá thấp, mà lượng hàng bán đi rất chậm.
Đáng chú ý, thông tin từ cục Hải quan TP.HCM, từ cuối năm 2020 đến hết tháng 5, có một số công ty nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về Việt Nam vi phạm về nhãn mác, xuất xứ. Một số lô hàng gạo nhập từ Ấn Độ khai báo một đằng, bao bì một nẻo, có lô hàng khai xuất xứ Ấn Độ nhưng trên bao bì thể hiện gạo của Việt Nam.
Bộ Công Thương đã lập đoàn kiểm tra 5 doanh nghiệp trong nước liên quan đến việc nhập gạo Ấn Độ tăng đột biến.
Tiếp nhận thông tin, phía bộ Công Thương đã nhanh chóng lập đoàn công tác, kiểm tra việc thi hành pháp luật về xuất nhập khẩu gạo tại 5 doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo trong nước.
Cụ thể, 5 doanh nghiệp bị kiểm tra gồm có: Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Long; công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuận Minh; công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến và công ty TNHH Khánh Tâm.
Trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, đại diện cục Xuất nhập khẩu (bộ Công Thương) cho biết, về nội dung làm việc, Bộ sẽ yêu cầu các doanh nghiệp nói trên báo cáo số liệu nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ gạo Ấn Độ của công ty từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/5/2021. Về tình hình nhập khẩu (số tờ khai nhập khẩu, ngày nhập, số lượng, giá trị); tình hình kinh doanh, tiêu thụ (tiêu thụ tại công ty, mục đích, xuất bán, số ngày hóa đơn xuất bán); tồn kho và phải gửi báo cáo về Cục trước ngày 29/6/2021.
Nhiều hệ luỵ nghiêm trọng
Trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An – cho hay: Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ tăng đột biến trong quý đầu năm 2021, nhưng nếu người dân tìm gạo Ấn Độ trên thị trường nội địa Việt Nam, chắc chắn rằng sẽ rất khó để tìm.
Bởi lẽ, trên thị trường bán lẻ tại Việt Nam hầu hết toàn gạo Việt như ST24, ST25; gạo giống Đài, giống Thái, giống Nhật, giống Campuchia, hoặc nhập từ Thái, Nhật, Campuchia, còn gạo Ấn Độ rất hiếm.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.
Theo ông Bình, Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng trồng lúa rất lớn, từ mấy chục năm liền luôn phải xuất khẩu gạo. Trong hầu hết các hiệp định thương mại mà Việt Nam đàm phán ký kết với các quốc gia khác, Chính phủ, bộ Công Thương đều đấu tranh cố gắng đàm phán yêu cầu các quốc gia tăng lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam.
“Điển hình như chúng ta mất 10 năm đàm phán Hiệp định EVFTA, Liên minh châu Âu mới cho Việt Nam xuất khẩu được 80.000 tấn gạo mỗi năm.
Một số doanh nghiệp vì lợi ích cục bộ mà đã nhập khẩu gần hàng trăm nghìn tấn gạo giá rẻ vào từ Ấn Độ vào Việt Nam, nhiều vụ việc còn bị phát hiện là gắn mác, gian lận xuất xứ gạo Việt Nam. Việc làm của họ đã đi ngược lại những cố gắng của Chính phủ, Bộ ngành, nông dân trồng lúa và cả ngành gạo Việt Nam”, ông Bình bức xúc nói.
Nói thêm về hiện tượng một số doanh nghiệp trong nước nhập gạo Ấn Độ giá rẻ nhưng lại gắn mác Việt Nam như cục hải quan TP.HCM phản ánh, ông Bình cho rằng đây chính là hành vi phá hoại ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam, điều này sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ nghiêm trọng.
“Nhập khẩu gạo giá rẻ từ Ấn Độ về Việt Nam đã phá vỡ công cuộc tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo mà Chính phủ, bộ ngành, chính quyền các địa phương và nông dân đã dày công thực hiện gần 10 năm nay, với mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Điều này sẽ làm cho khoảng 30 triệu người nông dân trồng lúa bị ảnh hưởng vì phải bán lúa giá thấp. Làm cho thương hiệu gạo Việt bị giảm sút dưới góc nhìn của các khách hàng các nước trên thế giới, và sẽ dẫn đến tiêu thụ gạo khó khăn với giá trị thấp”, ông Bình nhìn nhận và cho rằng, nếu gian lận xuất xứ, đánh tráo hàng hoá thì kiểu gì cũng bị phát hiện.
Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng cục Giám sát quản lý về hải quan (tổng cục Hải quan) cho hay, hiện nay, phía đơn vị hải quan có tiếp nhận thông tin gạo Ấn Độ nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến. Tuy nhiên, về việc Ấn Độ “đội lốt” xuất xứ gạo Việt Nam thì chưa có đủ thông tin. Phía hải quan đang tiếp tục điều tra và làm rõ. |
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy