Dòng sự kiện:
'Nhập nhằng' các quỹ tài chính có kết dư hơn 900 nghìn tỷ đồng
03/11/2019 09:10:16
Hiện cả nước đã thành lập trên 40 quỹ/loại quỹ tài chính ngoài ngân sách, với những phức tạp và bất cập trong hoạt động.

Ảnh minh hoạ

Nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách thực hiện chức năng hỗ trợ tín dụng đang cung cấp cùng một dịch vụ và cùng một đối tượng cũng thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội, theo kết quả giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018 vừa được đoàn giám sát cung cấp cho các vị đại biểu Quốc hội.

Theo báo cáo này, hiện nay cả nước đã thành lập trên 40 quỹ/loại quỹ tài chính ngoài ngân sách và nhiều quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập ở các địa phương. Các quỹ tài chính ngoài ngân sách rất đa dạng và hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, được quản lý bởi nhiều bộ, ngành và được thành lập ở các địa phương với quy mô, mức độ khác nhau.

Dẫn báo cáo của Chính phủ, đoàn giám sát cho biết đối với các quỹ do trung ương quản lý kế hoạch năm 2019, tổng số thu là 502,2 nghìn tỷ đồng, trong đó dự kiến ngân sách nhà nước cấp và hỗ trợ là 100,8 nghìn tỷ đồng. Tổng số chi các quỹ là 434,1 nghìn tỷ đồng. Chênh lệch thu - chi trong năm của các quỹ là 68 nghìn tỷ đồng. Kết dư các quỹ cuối năm 2019 khoảng 907,2 nghìn tỷ đồng.

Phức tạp và bất cập

Đánh giá những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành văn bản pháp luật quy định việc quản lý, sử dụng các quỹ, đoàn giám sát cho rằng nhiệm vụ của các quỹ được quy định khá phức tạp và nhiều bất cập, có nhiều quỹ có nhiệm vụ chi tương đồng với nhiệm vụ của ngân sách nhà nước.

Nhiều quỹ thực hiện chức năng hỗ trợ tín dụng đang cung cấp cùng một dịch vụ và cùng một đối tượng cũng thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội, kết quả giám sát cho thấy.

Cụ thể, Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm chỉ là một trong nhiều nguồn cung cấp tài chính cho chính sách tạo việc làm do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Bên cạnh đó, Ngân hàng còn cho vay các đối tượng là người Việt Nam đi lao động nước ngoài, hợp tác xã, phụ nữ, nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ,…

Mặt khác, qua giám sát cho thấy, hiện nay có rất nhiều quỹ được được thành lập với mục tiêu hỗ trợ hoặc cho vay đối với các đối tượng chính sách với mức lãi suất ưu đãi, tương tự như hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, trong khi hoạt động cho vay thường hướng tới các đối tượng yếu thế trong xã hội, không cần tài sản bảo đảm hoặc các điều kiện về tài sản đảm bảo, kế hoạch kinh doanh thiếu chặt chẽ.

Trong khi đó, các quy định của pháp luật đối với các quỹ có chức năng hỗ trợ, cho vay là phải bảo toàn và phát triển vốn, dẫn đến việc một số quỹ hoạt động thiếu hiệu quả, cho vay hạn chế hoặc không cho vay, như Quỹ phát triển hợp tác xã, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia…

Bên cạnh đó, đoàn giám sát cho rằng, một số quy định đối với quỹ hoạt động có hoạt động hỗ trợ, tín dụng ưu đãi chủ yếu tập trung vào mức lãi suất ưu đãi mà thiếu chú ý đến việc xây dựng tiêu chí, điều kiện cho vay nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho các đối tượng chính sách.

Các quy định còn chưa đúng với nguyên tắc vốn tín dụng từ các quỹ chỉ là vốn “mồi” nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng khác, thu hút thêm các nguồn lực xã hội bên cạnh góp phần phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, thay đổi công nghệ, nâng cao năng suất của các đối tượng vay, đoàn giám sát nhận xét.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chưa minh bạch, công khai

Ngoài đánh giá chung, báo cáo cũng chỉ ra hạn chế của một số quỹ cụ thể, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Báo cáo nêu rõ, qua giám sát cho thấy, số tiền trích Quỹ được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (mức trích hiện nay là 300 đồng/lít), thực chất là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp.

Việc quản lý Quỹ được thực hiện tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi đó các doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn sẽ có Quỹ rất lớn, song những doanh nghiệp có thị phần thấp thì số dư Quỹ thường nhỏ, dẫn đến việc khi thực hiện xả Quỹ lớn (có thời điểm sử dụng bình ổn giá trên 2000 đồng/lít) có thể dẫn đến các doanh nghiệp đầu mối có mức Quỹ thấp sẽ âm Quỹ và phải sử dụng tạm thời nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp hoặc vay ngân hàng thương mại để bù Quỹ, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Trường hợp giá xăng dầu ổn định trong nhiều năm thì vai trò của Quỹ cũng tương tự một Quỹ dự trữ từ nguồn đóng góp của người dân.

Đoàn giám sát cho rằng, hiện nay cơ sở để bình ổn giá đã không còn phù hợp (giá cơ sở dựa trên giá CIF, trong khi sản xuất trong nước đã đáp ứng đến 90% nhu cầu, bên cạnh việc đặt ra lãi định mức và chi phí kinh doanh định mức là phi thị trường). Trong khi các đầu mối nhập khẩu xăng, dầu đã thực hiện nghiệp vụ hedging (tức là cố định giá trước để hạn chế tác động giá xăng dầu tăng, giảm). Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo Quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng.

Khẳng định của đoàn giám sát là việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng của người dân trong công tác điều hành giá và thực hiện bình ổn giá xăng dầu.

Mặt khác, theo Luật Giá, có 11 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, trong khi chỉ có mặt hàng xăng dầu có Quỹ bình ổn giá là chưa phù hợp.

Do đó, quan điểm của đoàn giám sát là Chính phủ cần rà soát, tổng kết đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ và tiến hành sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến phương pháp tính giá cơ sở và cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo công khai, minh bạch.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến