Nhập nhèm khoản góp vốn nghìn tỷ của ITA tại nhiệt điện Kiên Lương
24/05/2016 17:41:57
ANTT.VN – Dự án 6,7 tỷ USD xây dựng Nhiệt điện Kiên Lương giờ như một “khối u” 10 năm không có thuốc chữa của Tập đoàn Tân Tạo.

Tin liên quan

Sau nhiều năm, dự án Nhiệt điện Kiên Lương vẫn chỉ là một bãi đất hoang (Ảnh: Giang Sơn)

“Khối u” hết thuốc chữa

Dự án Nhiệt điện Kiên Lương (NĐKL) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Tổng sơ đồ phát triển điện lực VI năm 2007. Năm 2008, dự án được UBND tỉnh Kiên Giang giao cho Tập đoàn Tân Tạo (ITACO) làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 6 tỉ USD.

Dự án nhiệt điện Kiên Lương gồm 3 nhà máy nhiệt điện đốt than công nghệ truyền thống với tổng công suất là 4.400 MW.

Toàn bộ dự án xây dựng gồm 3 giai đoạn từ 2009 – 2018; trong đó, giai đoạn 1 và giai đoạn 2 có công suất 1.200 MW (gồm 2 tổ máy 600 MW x 2), giai đoạn 3 có công suất 1.000 MW (2 tổ máy 50MW x 2). Sản lượng điện phát lên lưới điện quốc gia dự kiến 8.100 tỷ đến 8.640 tỷ KWh/năm.

Giai đoạn 1 của dự án (Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1) có vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD được xây dựng trên diện tích 100ha sử dụng nhiên liệu chính là than nhập khẩu với tổng nhu cầu than đá cho nhà máy khoảng 3,5 triệu tấn/năm, dự kiến sẽ đi vào vận hành vào năm 2013 – 2014.

Chính quyền tỉnh Kiên Giang và Bộ Công thương đã nhiều lần đốc thúc, có văn bản đề nghị ITACO báo cáo tiến độ triển khai dự án, giải trình khó khăn và gia hạn cho Tập đoàn Tân Tạo lựa chọn chuyển đổi hình thức đầu tư nhưng đến nay, sau gần 10 năm triển khai, ‘siêu dự án’ này vẫn chỉ là một bãi đất hoang.

Việc thu hồi đất nhưng không triển khai dự án đã khiến người dân địa phương bức xúc (Ảnh: Giang Sơn)

Trong chuyến công tác làm việc với tỉnh Kiên Giang cuối tháng 4/2013, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng đã chỉ đạo tỉnh Kiên Giang làm văn bản trình Chính phủ thu hồi chủ trương đối với nhà đầu tư hiện nay, đồng thời tìm nhà đầu tư mới đủ năng lực để tiếp tục triển khai DA”.

Ngày 7/8/2013, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã ký công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị xem xét xử lý dứt điểm đối với dự án này.

Gần đây nhất, ngày 17/5/2016, tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tỉnh Kiên Giang một lần nữa kiến nghị Chính phủ sớm thu hồi ‘siêu dự án’ này, cho rằng ITACO không đủ năng lực thực hiện dự án.

Tuy nhiên suốt nhiều năm qua, phía ITACO luôn một mực khẳng định công ty này đủ sức thực hiện nhiệt điện Kiến Lương sau nhiều năm âm thầm “đổ” hàng nghìn tỷ xuống biển để san lấp mặt bằng.

Sự ‘bế tắc’ của Tập đoàn Tân Tạo tại siêu dự án Nhiệt điện Kiên Lương có thể được thấy qua các số liệu bất nhất trên báo cáo tài chính hàng năm.

Nhập nhèm số liệu khoản đầu tư nghìn tỷ

Năm 2008, ITACO quyết định chi 375 tỷ đồng – tương ứng 10% vốn để thành lập CTCP Năng lượng Tân Tạo (TEC) phục vụ công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1.

Từ đó đến cuối năm 2015, ITACO liên tục rót thêm gần 1.400 tỷ đồng vào TEC, nâng tổng mức đầu tư lên 1.752 tỷ đồng – chiếm 19% vốn của TEC.

Theo dõi báo cáo tài chính của Tập đoàn Tân Tạo được kiểm toán bởi công ty kiểm toán Ernst & Young gần chục năm qua, khoản đầu tư của tập đoàn tại CTCP Năng lượng Tân Tạo lại “nhảy múa” bất thường từ năm này qua năm khác.

Đơn cử như số liệu khoản đầu tư góp vốn tại CTCP Năng lượng Tân Tạo tại ngày 31/12/2010 trình bày tại thuyết minh BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2010 với con số là 729,88 tỷ đồng – tương ứng tỷ lệ 10% vốn góp của chủ sở hữu. Năm 2011, khoản mục này tại ngày 01/01/2011 được trình bày ở thuyết minh BCTC hợp nhất năm 2011 (đều do công ty kiểm toán Ernst & Young thực hiện) thì tỷ lệ góp vốn tại TEC bất ngờ được tăng lên 14%.

Số dư khoản đầu tư góp vốn tại TEC tại ngày 31/12/2010 là 729 tỷ đồng - tương ứng 10% vốn (nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán ITA năm 2010)

Đến năm 2012, khoản đầu tư góp vốn tại TEC lại một lần nữa được “biến hóa” khi bỗng dưng "bốc hơi" tại khoản mục số dư đầu năm ngày 01/01/2012 và tăng lên 761 tỷ đồng – tương ứng tỷ lệ 17% vào ngày 31/12/2012.

Điều này khiến khoản mục “Đầu tư vào các đơn vị khác” của ITA đầu kỳ (ngày 01/01/2012) là 1.709,5 tỷ đồng  trong khi số dư tại ngày 31/12/2011 là 2.463,0 tỷ đồng.

Số dư khoản đầu tư góp vốn tại TEC tại ngày 31/12/2011 là 753 tỷ đồng (nguồn: BCTC hợp nhất kiếm toán ITA 2011)

Số dư khoản đầu tư góp vốn tại TEC tại ngày 01/01/2012 còn 0 đồng (nguồn BCTC hợp nhất kiểm toán ITA 2012)

Theo chuẩn mực kiểm toán về thông tin so sánh thì số liệu đầu kỳ này phải khớp với số liệu cuối kỳ trước, trong trường hợp không khớp thì báo cáo kiểm toán phải điều chỉnh hoặc nêu ý kiến tại mục “vấn đề khác”. Tuy nhiên đơn vị kiểm toán – trong trường hợp này là một trong những công ty kiểm toán uy tín hàng đầu thế giới và cả ban giám đốc công ty đều không hề đề cập đến vấn đề này.

Không chỉ dừng lại ở khoản mục đầu tư góp vốn, mối quan hệ giữa Tập đoàn Tân Tạo và CTCP Năng lượng Tân Tạo còn là hàng nghìn tỷ đồng giao dịch vay – mượn, trả cổ tức và ma trận dòng tiền khó hiểu mà ANTT.VN  sẽ đề cập trong kỳ tới, mang tên “Ma trận ‘đối tác chiến lược’ của ITA”.

Hoa Liên – Nghi Điền

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến