Dòng sự kiện:
Nhập siêu đã quay trở lại
10/03/2019 06:01:43
Sau khi thắng lớn với mức xuất siêu ấn tượng trong năm 2018 và xuất siêu nhẹ tháng đầu tiên của năm 2019, bước sang tháng thứ hai của năm 2019, nhập siêu đã quay trở lại.

Đổi mới xúc tiến thương mại, tận dụng tốt các FTA là giải pháp khả thi thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. 

Nhập siêu 84 triệu USD

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa XK ước đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,72 tỷ USD, tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,96 tỷ USD, tăng 4,3%. Một số mặt hàng chủ lực góp mặt trong XK 2 tháng đầu năm chủ yếu vẫn là: Điện thoại và linh kiện (6,8 tỷ USD, giảm 7,3%); hàng dệt may (4,9 tỷ USD, tăng 19%); điện tử, máy tính và linh kiện (4,2 tỷ USD, tăng 1,9%); giày dép (2,7 tỷ USD, tăng 18,4%)... Về thị trường, 2 tháng qua, Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 8,1 tỷ USD; tiếp đến là thị trường EU đạt 6,3 tỷ USD; thị trường ASEAN đạt 3,8 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 3,1 tỷ USD...

Ở chiều NK, báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu rõ: 2 tháng đầu năm, tổng giá trị ước đạt 36,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,29 tỷ USD, tăng 11%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,47 tỷ USD, tăng 5,1%. Trung Quốc vẫn là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 10,7 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018. Điểm đáng chú ý của XNK là trong khi tháng 1 Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu với 816 triệu USD thì sang tháng 2 lại nhập siêu 900 triệu USD. Bởi vậy, tính chung 2 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu nhẹ ở mức 84 triệu USD.

Theo Bộ Công Thương: Tính riêng tháng 2, kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam giảm khá mạnh so với tháng 1 do ảnh hưởng của kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả tổng thể 2 tháng, Bộ này vẫn đánh giá hoạt động thương mại của Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2018.

Xung quanh câu chuyện XNK hàng hóa, đặc biệt là việc xuất siêu quay trở lại, chuyên gia Lê Quốc Phương-nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) phân tích: Từ năm 2012 đến nay, trừ năm 2015 nhập siêu thì Việt Nam đều xuất siêu. Đặc biệt, từ năm 2016 đến hết năm 2018, Việt Nam xuất siêu lớn, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển nên việc nhập siêu quay trở lại cũng không phải là điều không thể.

Khả thi kiểm soát nhập siêu dưới 3%

Để thúc đẩy XK hàng hóa, trong tháng 2 cũng như xuyên suốt tháng 3, Bộ Công Thương đang tích cực tổ chức phổ biến, hướng dẫn DN nhận diện cơ hội, thách thức của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương khác, nhằm tận dụng tốt nhất cơ hội từ hội nhập. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chủ trương đẩy mạnh, đổi mới khâu xúc tiến thương mại. Ví dụ điển hình có thể kể đến như, mới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã công bố kế hoạch hợp tác đưa các DN Việt Nam lên nền tảng của "người khổng lồ" thương mại điện tử Amazon thông qua chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon - Amazon Global Selling; tiếp tục các giải pháp đưa hàng hóa Việt Nam vào kênh phân phối nước ngoài như AEON với mục tiêu XK 500 triệu USD và năm 2020 và 1 tỷ USD vào năm 2025.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Năm 2019 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, biến động đến kinh tế thế giới nói chung, qua đó có tác động đến hoạt động XK, NK của Việt Nam. Quốc hội vẫn giao Chính phủ, Bộ Công Thương phấn đấu chỉ tiêu tổng kim ngạch XK tăng 7 - 8% so với năm 2018; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch XK dưới 3%. Trong chỉ đạo điều hành, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều biện pháp, giải pháp tổ chức tốt hoạt động XK, NK phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu này.

TS. Lê Quốc Phương nhận định: Trong cả năm nay, chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra về tăng trưởng XK cũng như kiểm soát nhập siêu dưới 3% XK rất khả thi. "Điểm quan trọng nhất là năng lực cạnh tranh XK của cả khối DN FDI và của khối DN nội địa đều tương đối tốt hơn so với trước. Một điểm nữa là Chính phủ đã, đang tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ để tạo thuận lợi cho DN. Ngoài ra, Việt Nam đã ký hàng loạt FTA. Nếu các DN Việt tận dụng được sẽ rất thuận lợi cho XK", TS. Lê Quốc Phương nói.

Xoáy sâu vào nội dung tận dụng các FTA để thúc đẩy XK, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu quan điểm, từ góc độ DN, DN cũng cần chủ động nâng cao tính cạnh tranh và năng suất thông qua mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá và giảm giá thành sản phẩm. Đặc biệt, đầu tư phát triển công nghệ sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng giúp DN tăng năng suất và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, DN Việt Nam cần có chiến lược dài hạn xây dựng thương hiệu về sản phẩm và DN nhằm tăng cường sự tham gia hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo báo Hải Quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến