Dòng sự kiện:
Nhiệt điện Thái Bình 2: Vì sao các tổ chức tài chính dừng giải ngân vốn?
15/03/2019 08:05:17
Theo PVN, các bên cho vay dừng giải ngân để làm rõ các nội dung như chậm tiến độ Dự án, chậm thanh toán; sai phạm của các cá nhân tại PVN, năng lực của tổng thầu PVC trong triển khai Dự án...

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hoàn thành khoảng 83% tổng khối lượng các hạng mục xây dựng, lắp đặt thiết bị chính nhưng ngày chính thức vận hành, hoạt động vẫn bỏ ngỏ. Mục tiêu là đưa dự án vào vận hành năm 2020, tuy nhiên còn nhiều khó khăn trong đó đặc biệt và vấn đề tài chính cho các hạng mục còn lại, do từ tháng 9/2018, các ngân hàng đã tạm ngừng giải ngân nguồn vốn vay. Hiện tại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chủ động bù đắp sự thiếu hụt từ nguồn vốn chủ sở hữu, nhưng cũng chỉ là tạm thời và mang tính “nhỏ giọt”.

Dự án cũng đã ký hợp đồng vay vốn các tổ chức tài chính nước ngoài với giá trị 937,14 triệu USD. Tính đến ngày 31/12/2018, đã giải ngân được 610,32 triệu USD. Phần còn lại chưa được giải ngân là 326,83 triệu USD và đã hết hạn giải ngân vào ngày 28/9/2018.

Một góc Nhà máy nhiệt điện 2.

Đại diện PVN cho biết, việc không thể giải ngân tiếp vốn vay là do các các bên cho vay dừng giải ngân để làm rõ các nội dung như chậm tiến độ Dự án, chậm thanh toán; sai phạm của các cá nhân tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam , Ban Quản lý dự án và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) có liên quan và năng lực của tổng thầu PVC trong triển khai Dự án.

Được biết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và các bên cho vay để xin gia hạn thời gian giải ngân vốn vay tới ngày 31/12/2021 - tiến độ điều chỉnh cập nhật mới của Dự án. Dù chưa có phản hồi chính thức, nhưng theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam , các ngân hàng nước ngoài cam kết tiếp tục giải ngân các khoản vay theo hợp đồng đã ký, nếu được Bộ Tài chính chấp thuận gia hạn giải ngân phù hợp với tiến độ điều chỉnh của Dự án.

Đối với phần vay trong nước số tiền 4.600 tỷ đồng từ 4 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank), sau khi đàm phán điều kiện vay, xin phê duyệt cho vay vượt hạn mức, vẫn không thể triển khai được vì các ngân hàng này đưa lý do Ngân hàng Nhà nước đề nghị thẩm định lại dự án, thẩm định năng lực của nhà thầu EPC và cần xin phép Thủ tướng…

Việc tìm hướng vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng gặp khó khăn, do Dự án không thuộc Danh mục Cấp tín dụng Nhà nước theo quy định tại Nghị định 32/2017/NĐ-CP. Ngay cả việc PVN định thu xếp vốn từ nguồn trái phiếu trong nước hoặc khoản vay SACE không có bảo lãnh của Chính phủ cũng gặp khó khăn, bởi không được cấp có thẩm quyền xem xét, chấp nhận.

Đã có 2 kịch bản được PVN đưa ra cho Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là tiến hành đánh giá lại hiệu quả Dự án làm căn cứ xem xét bổ sung nguồn tài chính triển khai dự án; hoặc khơi nguồn tài chính, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ về tài chính để Dự án về đích phát điện phục vụ đất nước.

Theo PVN, ở kịch bản 1, Dự án “khó hẹn ngày về”, bởi việc đánh giá lại hiệu quả Dự án sẽ mất rất nhiều thời gian, khiến các chi phí quản lý, khấu hao, trả lãi ngân hàng… tăng cao.

Với 32.000 tỷ đồng đã đầu tư đến thời điểm hiện tại (gồm cả vốn vay và vốn chủ sở hữu), mỗi ngày chi phí vốn phải chịu khoảng 6 tỷ đồng tiền lãi; mặt khác, tài sản đã đầu tư mà không hoàn thành Nhà máy thì ngày càng mất giá trị và không có hy vọng thu hồi vốn gốc.

Với kịch bản thứ 2, Dự án có thể sớm hoàn thành, thu hồi vốn nhanh. Hiện PVN đã đề nghị Chính phủ cho phép PVN dùng nguồn vốn hợp lý của Tập đoàn với số tiền khoảng 2.500 tỷ đồng để hoàn thành Dự án.

Nguyên tắc sử dụng số tiền này cũng được PVN đặt ra là chỉ chi trả cho Dự án, không chi 2 lần cho 1 công việc, tường minh, công khai về khối lượng, giá trị, giám sát được và hạch toán, quyết toán riêng.

Dẫu vậy, PVN vẫn tiếp tục phải chờ kết luận, quyết định chính thức từ các cấp có thẩm quyền để tiếp tục được chi tiền cho Dự án.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình mới đây liên quan đến tiến độ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là một dự án lớn, có công suất 1.200 MW. Dự án này do PVN làm chủ đầu tư, hiện mới đạt khoảng 83% khối lượng, tiến độ.

"Không có lý do gì chúng ta lại để thất thoát tài sản, thất thoát nguồn lực đầu tư lớn như vậy, nhất là khi Dự án có điều kiện để hoàn thành", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói. Để khắc phục, Bộ trưởng cho rằng cần sự phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp, với các Bộ, ngành liên quan và địa phương.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất trong tháng 3/2019, Bộ Công Thương sẽ cử Đoàn công tác của Bộ về làm việc cụ thể với địa phương về những vấn đề phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh liên quan đến lĩnh vực Công Thương, trong đó có nội dung liên quan đến Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Thủ tướng ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc khuyến khích địa phương phát triển đa dạng các nguồn lực kinh tế cũng như sự tích cực trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để có hướng xử lý vướng mắc của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thời gian tới.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được triển khai dưới thời Trịnh Xuân Thanh, song tới nay vẫn chưa thể hoàn thành do khó khăn về tài chính. Thậm chí, ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh đã phải nhận án tù vì liên quan đến sai phạm tại Nhiệt điện Thái Bình 2.

Hiện tại, dự án đã giải ngân được trên 31.200 tỷ đồng, tương đương 82% tổng vốn đầu tư. Theo tính toán của PVN, đến năm 2020 dự án này mới có khả năng hoàn thành. Với mốc thời gian hoàn thành dự án như đã nêu (kế hoạch vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017, tổ máy 2 vào năm 2018), dự án dự án nhiệt điện Thái Bình 2 chậm tiến độ 55-57 tháng.

Về tiến độ triển khai dự án, tính đến giữa tháng 10/2018 tiến độ tổng thể của dự án đạt 82,78%. Trong đó, giai đoạn từ tháng 11/2017 đến cuối tháng 10/2018 dự án gần như không có tiến triển, tiến độ tổng thể dự án chỉ tăng từ mức 80,9% lên 82,78%, tương ứng khoảng 1,88%.

Một số tồn tại vướng mắc chính của dự án đã được Bộ Công Thương chỉ ra trong văn bản như PVC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC nhà máy nhiệt điện than, năng lực tài chính của PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh kém, không đảm bảo khả năng thanh toán cho các công việc đã hoàn thành và tạm ứng cho các hợp đồng đã ký với nhà thầu phụ.

Ngoài ra, việc PVC sử dụng tiền tạm ứng của dự án 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác đã làm thiếu hụt nguồn tiền thực hiện dự án.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến