Dòng sự kiện:
Nhiều cô giáo mầm non mắc bệnh tâm lý 'thích' hành hạ người khác
07/12/2017 08:45:52
Nguyên nhân hàng đầu về tình trạng bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non chính là ở con người. Có những giáo viên mầm non bị stress, mắc chứng bệnh tâm lý “thích" hành hạ người khác.

Infornet đưa tin, một vấn đề được nhiều người đặt ra là xử lý như thế nào với áp lực và căng thẳng của giáo viên mầm non? Tại buổi tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non – Vì đâu nên nỗi” mới diễn ra tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng, vụ Mầm Xanh không phải là lần đầu tiên diễn ra chuyện bạo hành trẻ trong các cơ sở nuôi dạy mầm non tại TP.HCM. Chỉ trong năm 2017, thành phố đã có ít nhất 3 vụ bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non làm ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ nhỏ. Điều này cho thấy công tác quản lý giáo dục mầm non còn lỏng lẻo.

Hiện nay để bảo vệ trẻ mầm non, Luật Trẻ em 2016 đã có quy định có tới 17 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở nhiều cấp độ khác nhau, từ các cơ quan bộ ngành các cấp đến Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, nhưng mỗi khi có vụ bạo hành trẻ em xảy ra, phần lớn do người dân, báo chí phát hiện, phản ánh rồi sau đó các cơ quan này mới vào cuộc.

Tuy nhiên, ngoài hành vi phạm tội của những người bạo hành, một vấn đề đặt ra là giáo viên mầm non đang phải chịu quá nhiều áp lực: Thời gian làm việc dài, môi trường căng thẳng, áp lực từ phía nhà trường và phụ huynh…

Đánh để thỏa mãn việc được bạo hành

Nhiều vấn đề, nguyên nhân về tình trạng giáo viên, bảo mẫu bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non được đặt ra tại tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi” vừa diễn ra tại TPHCM khi mà vụ việc tại cơ sở Mầm Xanh đang gây phẫn nộ dư luận.

Trên Dân trí, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao cho rằng, nguyên nhân nằm ở chính con người, ở tâm lý của nhà giáo. Điều này có thể bị tác động bởi điều kiện làm việc, hơn 5 giờ sáng đã đến trường, hàng ngày làm việc hàng chục đứa trẻ, chiều 5 - 6 giờ mới về rồi về nhà lại lo chuyện con cái, gia đình… trong khi đồng lương không cao.

Trong trạng thái bình thường, giáo viên, bảo mẫu nào cũng sẽ nói rất yêu trẻ, không ai nói không yêu trẻ. Và họ biết làm việc đó là vi phạm pháp luật nhưng khi họ rơi vào trạng thái áp lực không có cách giải tỏa thì họ sẽ hành động theo vô thức.

Bà Dao cảnh báo: “Tình trạng này diễn ra lâu ngày, không được giải tỏa thì rất dễ stress, dẫn đến trầm cảm, từ đó mắc các chứng bệnh về tâm lý. Nhiều cô mắc bệnh tâm lý "thích hành hạ người khác. Mà người bị hành hạ là chính những người thân xung quanh họ”.

Nhiều năm làm cô giáo ở trường mầm non, cô Nguyễn Như Ngọc bày tỏ, bản thân cô không dám xem hết video báo chí phản ánh. Cô thấy hình như cô giáo ở Mầm Xanh cố tình gây sự để thỏa mãn việc bạo hành trẻ. Tâm lý cô rất ổn định, trong khi đánh trẻ rất vô cớ.

TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao cảnh báo về tình trạng sức khỏe tinh thần cô giáo mầm non (Ảnh: Dân trí)

Quan tâm sức khỏe tinh thần giáo viên mầm non

Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Nữ kể, khi tiếp xúc với các bảo mẫu đánh trẻ, có những trường hợp bà hỏi, đứa bé làm gì sai mà cô đánh. Có cô trả lời: “Nó khóc nên tôi đánh”, không thể nào hiểu nổi và cho rằng chúng ta phải xem đầu óc, tâm lý của bảo mẫu, giáo viên mầm non này có vấn đề hay không. Vì đó là nguy cơ trẻ đang được nuôi dưỡng với những người “đầu óc có vấn đề” mà không hay biết.

Bà Nguyễn Thị Hương Trung – Giám đốc điều hành Hệ thống giáo dục TESLA cho biết: Đối với nhiều phụ huynh, kể cả thầy cô, nhiều khi đang “bạo hành” trẻ tuân theo kỷ luật trong gia đình, trong trường lớp hằng ngày mà không biết.

Thạc sĩ Phan Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường mầm non Tesla chia sẻ: “Theo thống kê của các chuyên gia, giờ ăn là giờ kinh hoàng nhất của trẻ. Tiếp đến là giờ học và cuối cùng là giờ chơi. Đây là ba khung giờ cô giáo mầm non cũng phải chịu áp lực nhiều nhất. Cô giáo mầm non chịu nhiều áp lực, áp lực từ nhà trường chạy theo thành tích. Áp lực từ phụ huynh đòi hỏi con phải tăng cân. Phụ huynh thường hỏi “con tôi có ăn được không?”… Điều đó khiến cô giáo có những lúc không kiểm soát được hành vi dẫn đến bạo hành trẻ”.

Bên cạnh việc đào tạo ở các trường sư phạm phải tuyển và chọn lọc giáo viên yêu nghề, yêu trẻ, có chuyên môn thì việc được chia sẻ, quan tâm đến sức khỏe tinh thần của cô giáo mầm non cực kỳ quan trọng.

Bên cạnh quan tâm đến chính sách lương, thưởng, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao cho rằng các nhà quản lý cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của giáo viên mầm non. Không chỉ ở trường tư mà còn ở trường công, các hoạt động giải trí giảm stress có khi lại gây stress hơn như tổ chức thi nấu ăn…

Bà Quỳnh Dao cũng nói thêm, khi gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần, các cô giáo có thể đến gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ, tư vấn. Như ở Nhà văn hóa phụ nữ, có các chuyên gia tâm lý có chuyên môn, tư vấn hoàn toàn miễn phí.

Nghe vậy, cô Nguyễn Như Ngọc, người trực tiếp nhiều năm đứng lớp chia sẻ: “Nhiều cô giáo biết mình "có vấn đề" nhưng vì bận công việc, họ không có thời gian để tìm đến chuyên gia tâm lý”. Cô Ngọc đề xuất, các trường cần tổ chức mời các chuyên gia về tận trường, tổ chức tư vấn tâm lý cho đội ngũ giáo viên để hỗ trợ đội ngũ.

Thảo Nhi (t/h)

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến