Dòng sự kiện:
Nhiều doanh nghiệp lớn chưa công bố báo cáo soát xét bán niên
25/12/2019 06:00:10
Tính đến 20/8, trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM có 225 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên 2019, như vậy còn hơn 100 doanh nghiệp chưa nộp báo cáo.

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 11 Thông tư 155/2015/TT-BTC ngày 6/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán: “Tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét nhưng không được vượt quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính".

Trường hợp doanh nghiệp (DN) phải lập BCTC bán niên hợp nhất hoặc BCTC bán niên tổng hợp; hoặc do các công ty con, công ty liên kết của công ty cũng phải lập BCTC bán niên đã được soát xét, BCTC bán niên hợp nhất, BCTC bán niên tổng hợp thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét gia hạn thời gian công bố BCTC bán niên, nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính.

Như vậy, những cái tên trong danh sách chưa công bố báo cáo bán niên hợp nhất hiện còn một tuần để thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin. Với những DN thực hiện báo cáo đơn lẻ thì thời hạn cuối đã trôi qua (15/8).

Tính đến ngày 21/8, danh tính các DN chưa nộp BCTC soát xét bán niên có nhiều tên tuổi lớn, đa phần là những công ty hàng đầu có nhiều công ty con, công ty liên kết nên việc thực hiện báo cáo kiểm toán hợp nhất có phần phức tạp và mất thời gian hơn; nhưng ngược lại cũng có những DN quy mô nhỏ, ít công ty thành viên hơn vẫn chưa nộp báo cáo bán niên soát xét. Một số DN cả lớn và nhỏ chưa nộp báo cáo là VHM, VIC, VJC, HDB, EIB, NVL, GMD, SAB, VGC, KBC, PVD, HDG, TLG, FLC, SGN, NBB, ASM, TDH, HTN, C47...

Việc chưa công bố BCTC bán niên soát xét, hoặc báo cáo cả năm soát xét thường khiến các nhà đầu tư hồi hộp chờ đợi, bởi không ít trường hợp có sự chênh lệch lớn các con số giữa báo cáo tự lập và báo cáo kiểm toán; nhiều tình huống bất ngờ hơn là DN chuyển từ lãi sang lỗ, có những chỉ tiêu không được thuyết minh đầy đủ, chi tiết trên BCTC tự lập mà phải đợi đến BCTC kiểm toán mới rõ ràng hơn. Theo đó, diễn biến giá cổ phiếu “nhảy múa” theo tin tức kết quả kinh doanh tự lập cho đến khi có BCTC kiểm toán.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, với những tập đoàn có nhiều công ty con, liên kết, lại hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, sẽ cần nhiều thời gian hơn để thực hiện BCTC kiểm toán; hoặc DN đang có những sự vụ riêng như chuẩn bị chuyển sàn nên cần thời gian cho nhiều công tác, thì xin gia hạn nộp BCTC là có thể chấp nhận được. Nhưng với những DN đơn lẻ hoặc ít công ty con, công ty liên kết, mà đã 1,5 tháng kể từ ngày kết thúc quý II vẫn chưa có BCTC là không thể chấp nhận và nhà đầu tư có quyền nghi ngờ về tính minh bạch của DN.

Mới đây, ngày 16/8, HOSE đã có thông báo đề nghị 10 công ty nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2019.

Theo đó, 10 công ty gồm: Công ty CP Chứng khoán An Phát (mã CK: APG); Công ty CP Camimex Group (mã CK: CMX);  Công ty CP Tập đoàn Hoàng Long (mã Ck: HLG);Công ty CP Thương mại Hà Tây (mã Ck: HTT);  Công ty CP Đầu tư Địa ốc Khang An (mã Ck: KAC); Công ty CP Khai thác và Chế biến khoáng sản Lào Cai (mã Ck: LCM); Công ty CP In và Bao bì Mỹ Châu (mã Ck: MCP);  Công ty CP Thủy sản số 4 (mã Ck: TS4); Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ (mã Ck: TTB) và Công ty CP Bao bì dầu thực vật (mã Ck: VPK). 

Vì vậy, HSX yêu cầu các công ty nêu trên phải nhanh chóng công bố thông tin về báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019 theo đúng quy định hiện hành và có công văn giải trình về việc chậm công bố thông tin.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến