Nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng kinh doanh kém hiệu quả
27/02/2017 07:52:29
Đó là kết quả thể hiện trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước của Bộ Xây dựng.

Tin liên quan

Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng thụt lùi (Ảnh: L.Q)

Nợ phải trả chiếm 64,7% tổng nguồn vốn

Theo báo cáo Kiểm toán nhà nước, Bộ Xây dựng hiện tại đang quản lý 16 doanh nghiệp (DN) do nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước. Tại thời điểm 31.12.2015, tổng tài sản của 9 tổng công ty 100% vốn nhà nước là hơn 67.581 tỉ đồng, tăng 0,86% so với cùng kỳ 2014; tổng nguồn vốn của các tổng công ty - công ty mẹ gồm: nợ phải trả là 43.753 tỉ đồng, chiếm tới 64,7% tổng nguồn vốn. Đặc biệt, nợ ngắn hạn có xu hướng tăng thêm 11,29% so với năm 2014, lên 26.526 tỉ đồng, chiếm 39,25% tổng nguồn vốn...

Năm 2015, lợi nhuận trước thuế của các công ty mẹ đạt hơn 636 tỉ đồng, chỉ bằng 82,5% so với năm 2014. Tuy nhiên, lợi nhuận hợp nhất lại tăng 55,4% so với năm trước, đạt hơn 5.037 tỉ đồng. Điều này cho thấy kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty con hiệu quả hơn công ty mẹ.

Đối với 6/7 DN có vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm chủ sở hữu, tại thời điểm 31.12.2015 tổng nguồn vốn các công ty mẹ là hơn 25.504. tỉ đồng, tăng 2,3% so với 2014, trong đó tổng nguồn vốn của các công ty mẹ gồm nợ phải trả là 16.514 tỉ đồng, chiếm 64,7% tổng nguồn vốn. Cả nợ ngắn hạn và nợ dài hạn cùng tăng, lần lượt chiếm 42,4% và 22,3% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ ngắn hạn là 10.818 tỉ đồng, chiếm 42% tổng nguồn vốn và tăng 13% so với năm 2014; nợ dài hạn là 5.695 tỉ đồng, chiếm 22,3% tổng nguồn vốn, tăng 2,3% so với 2014. Lợi nhuận trước thuế các DN này đạt 414 tỉ đồng nhưng hợp nhất đạt 867 tỉ đồng, tăng 20,3% so với năm 2014. Cũng như các DN 100% vốn nhà nước, các công ty con ở nhóm này cũng hoạt động đạt hiệu quả cao hơn.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nhận xét, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của các DN đều lớn hơn 1,5 lần. Điều này cho thấy tài sản của DN được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ. Về nguyên tắc, hệ số này càng nhỏ thì nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản, tổng nguồn vốn, DN ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Ngược lại, tỷ lệ này càng lớn, khả năng gặp khó khăn trong trả nợ hoặc phá sản của DN càng lớn. “Tuy nhiên, trong tài chính, việc sử dụng nợ (duy trì hệ số này cao) cũng có ưu điểm là cho thấy DN biết dùng đòn bẩy tài chính (lãi vay)”, vị này nêu ý kiến.

Lợi nhuận thụt lùi...

Kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết các DN thuộc Bộ Xây dựng đều không hoàn thành kế hoạch 5 năm đối với các chỉ số như tổng doanh thu, tổng lợi nhuận trước thuế. Chính việc này khiến các đơn vị này phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm, từ 2011 - 2015, làm giảm tính hiệu lực của kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Chẳng hạn như Tổng công ty Hancorp có doanh thu kế hoạch điều chỉnh là hơn 44.300 tỉ đồng, đạt 64% kế hoạch đầu giai đoạn, lợi nhuận điều chỉnh 817 tỉ đồng (đạt 17,8% kế hoạch đầu giai đoạn). Hay Tổng công ty COMA có doanh thu điều chỉnh chỉ bằng 53% kế hoạch ban đầu, lợi nhuận âm 318 tỉ đồng, không đạt mức ban đầu đặt ra (648 tỉ đồng). Tổng công ty HUD có doanh thu điều chỉnh đạt 47% so với kế hoạch đầu tiên, lợi nhuận đạt 30% kế hoạch ban đầu.

Tại Tổng công ty Bạch Đằng, lợi nhuận kế hoạch điều chỉnh chỉ 212 tỉ đồng, đạt 31,8% so với kế hoạch. Tổng công ty Viglacera có kế hoạch điều chỉnh đối với doanh thu là hơn 57.600 tỉ đồng, đạt 85% kế hoạch ban đầu còn lợi nhuận là 1.497 tỉ đồng (bằng 46% kế hoạch đầu giai đoạn). Tổng công ty VNCC có doanh thu điều chỉnh đạt 71% so với kế hoạch đầu, lợi nhuận đạt 65%.

Một số đơn vị còn có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, thuộc diện theo dõi, giám sát đặc biệt như Tổng công ty Sông Đà, Lilama, COMA.

Bên cạnh đó các tổng công ty VNCC, FICO là những DN thực hiện đề án tái cơ cấu chưa đảm bảo tiến độ do công tác thoái vốn gặp nhiều khó khăn. Các tổng công ty IDICO, COMA, CC1, FICO, DIC là những đơn vị có vốn đầu tư của công ty mẹ hoạt động không hiệu quả.

Theo Kiểm toán Nhà nước, tình hình đầu tư vốn ra ngoài DN của một số đơn vị tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng cũng gặp vấn đề. Cụ thể, tổng số đầu tư vốn ra ngoài của một số công ty mẹ, tổng công ty chiếm tỷ trọng rất lớn so với vốn đầu tư của chủ sở hữu. Cá biệt, có đơn vị đầu tư vốn ra ngoài gấp hơn 2 lần vốn đầu tư của chủ sở hữu như Tổng công ty CC1 (số đầu tư tài chính vào các DN khác là hơn 1.058 tỉ đồng so với hơn 517 tỉ đồng vốn đầu tư của chủ sở hữu). Một số công ty xảy ra tình trạng mất vốn chủ sở hữu, DN được đầu tư đã ngừng hoạt động, đang làm thủ tục phá sản dẫn đến nguy cơ mất vốn, như Tổng công ty FICO đầu tư vào Công ty HAVALIFICO; Tổng công ty DIC đầu tư vào DI - Miền Đông, Công ty CP vật liệu xây dựng DIC, Công ty CP gạch men Anh Em DIC; Tổng công ty IDICO đầu tư vào Tổng công ty xây dựng Miền Trung, INDICO 10. Một số công ty mẹ như Viglacera, COMA, Viawaseen, Tổng công ty CC1 chưa thực hiện quyết toán bàn giao vốn nhà nước từ khi xác định giá trị DN đến khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần theo quy định.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Xây dựng thông báo với Bộ Tài chính để phối hợp theo dõi và giám sát đối với các tổng công ty Sông Đà, Lilama, Coma trong việc huy động vốn trong khi có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần thống nhất với Bộ Xây dựng về cơ chế phối hợp giữa hai bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của DN. Bộ Tài chính cũng cần đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các DN nêu trên thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước nêu, báo cáo kết quả trước ngày 31.3.2017.

Theo Thanh niên 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến