Dòng sự kiện:
Nhiều động lực cho VN-Index vượt 1.500
20/12/2021 09:48:37
Tuần qua, dòng tiền tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhưng theo giới phân tích, sẽ sớm chảy vào nhóm bluechips và khi đó, VN-Index dễ dàng băng qua mốc 1.500 điểm.

Giải tỏa áp lực chính sách tiền tệ

Thị trường chứng khoán cuối tháng 12 chịu tác động từ nhiều yếu tố. Tuần qua, không riêng thị trường Việt Nam, mà các thị trường chứng khoán toàn cầu đều hướng sự chú ý tới cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), diễn ra trong hai ngày 14 - 15/12. Bên cạnh đó, giới đầu tư trong nước lo ngại những biến động trong tuần đáo hạn phái sinh cũng như tuần cơ cấu danh mục cuối cùng năm 2021 của các quỹ ETF.

Các định hướng của Fed có xu hướng thận trọng và thắt chặt nhanh hơn chương trình nới lỏng định lượng (QE), dự kiến năm 2022 sẽ bắt đầu nâng lãi suất trở lại, nhưng theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS), là đạt được kỳ vọng của nhà đầu tư, không có gì quá lo sợ về việc thắt chặt nhanh, nên thị trường đã có những phản ứng tích cực.

Một số yếu tố đáng chú ý khác, mà ngay từ đầu tháng 12, nhiều môi giới đã có những ghi chú cho nhà đầu tư, là việc chốt NAV của các quỹ đầu tư và khả năng dòng tiền margin sẽ giảm bớt để các công ty chứng khoán thực hiện kết toán sổ sách, thậm chí dòng tiền đến từ doanh nghiệp cũng tham gia thị trường sẽ rút tiền về… có thể gây rung lắc mạnh cho chỉ số.

Theo phân tích của ông Ngọc, dòng tiền đến từ các doanh nghiệp là dòng tiền mang tính ngắn hạn, cũng chưa đo lường được về quy mô và không phải dòng tiền chính duy trì hoạt động mua bán trên thị trường, theo đó, áp lực này không quá lớn.

“Thị trường đi ngang trong tháng 12 vì nhiều thông tin tác động”, ông Ngọc nhận xét.

Dòng tiền sẽ luân chuyển sang nhóm trụ

Các chuyên gia dự báo, trong tuần cuối tháng 12, dự kiến nhóm bluechip sẽ tăng, chỉ cần vào sóng bluechip thì việc chỉ số VN-Index vượt 1.500 điểm rất đơn giản.

Vậy động lực nào cho nhóm này tăng trong thời gian tới? Theo ông Ngọc, chính là sự dịch chuyển của dòng tiền. Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhóm penny và midcap gần như không tăng, đà tăng của thị trường đến từ các cổ phiếu bluechip, ngân hàng, chứng khoán, thép…

Điểm số VN-Index cũng tăng mạnh nhất trong giai đoạn này. Đầu quý III, nhóm bluechip điều chỉnh sâu và 2 tháng nay gần như đứng yên. Chỉ số VN-Index đã gần tiệm cận VN30, trong khi trước đây 2 chỉ số này cách nhau gần 100 điểm.

Dòng tiền vào nhóm nào sẽ tác động đến nhóm đó và thị trường, nên chỉ cần dòng tiền dịch chuyển vào bluechip (mà không cần đến tác động nào quá đặc biệt, bởi bản chất đây là nhóm trụ của thị trường, kết quả kinh doanh vẫn khả quan nhất, tăng trưởng tốt nhất) từ cuối năm nay và đầu năm sau thì chỉ số chung sẽ tăng mạnh.

Dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán nhờ các yếu tố vĩ mô. Thứ nhất, từ bên ngoài, dòng tiền trên các thị trường tài sản đã giảm bớt các nỗi lo về chính sách của Fed. Thứ hai, vĩ mô trong nước đang hỗ trợ tích cực cho thị trường.

Đầu năm sau, room tín dụng không còn bị bó hẹp, chính sách tiền tệ sẽ phát huy tác dụng. Về chính sách tài khóa, trong tháng 12 này, nếu các gói kích thích kinh tế được ban hành, đẩy mạnh giải ngân vào đầu năm sau thì nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi, tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng GDP… Bức tranh lớn có màu sắc tươi sáng.

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán 2 năm qua dịch chuyển liên tục qua các nhóm ngành, nên khi một nhóm cổ phiếu đã tăng quá cao, dòng tiền sẽ lại tìm đến nhóm cổ phiếu đang bị định giá thấp hơn.

Rõ ràng, bluechip đang bị định giá thấp, nhiều mã có P/E dưới 10. Khi cuộc chơi đầu cơ tạm kết thúc với nhiều cổ phiếu có P/E hàng chục, hàng trăm lần, dòng tiền sẽ lại quay về với giá trị thực trong mùa công bố kết quả kinh doanh. Thường quý I sẽ là thời của bluechip, dòng tiền tự chảy sang khi có thông tin rõ hơn về kết quả kinh doanh và thực tế định giá doanh nghiệp quá rẻ so với các mã đầu cơ.

Đầu tư, bản chất là nhìn vào danh mục của mình, không cần nhìn chỉ số. Đó cũng là nguyên nhân nhiều nhà đầu tư rất vui vẻ trong thời gian qua khi mà chỉ số không tăng, nhưng danh mục có penny, midcap lại tăng rất tốt. Nhưng khi dòng tiền vào bluechip thì nhà đầu tư nắm bluechip sẽ có thành quả và chỉ số tăng cũng nhiều.

Sẽ đến lúc bluechip hút vốn trở lại, việc VN-Index vượt 1.500 điểm là rất dễ, nhanh là tuần cuối tháng 12”

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS)

“Sẽ đến lúc bluechip hút vốn trở lại, việc vượt 1.500 điểm là rất dễ, nhanh là tuần cuối tháng 12, chậm thì đầu năm 2022”, ông Ngọc nhận định.

Thống kê của Chứng khoán Agribank (Agriseco) mới đây cũng chỉ ra chu kỳ khá rõ nét tại một số nhóm cổ phiếu.

Trong khoảng thời gian từ ngày 15/12 năm trước tới ngày 15/1 năm sau thường là giai đoạn tăng điểm của nhiều nhóm cổ phiếu, trong đó có ngân hàng. Năm nay, nhóm này cũng có nhiều yếu tố hỗ trợ cho đà tăng giá.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng kỳ vọng phục hồi trong quý IV/2021 và năm 2022 nhờ các hoạt động kinh tế dần trở về quỹ đạo bình thường.

Agriseco ghi nhận, tín dụng đã có dấu hiệu tăng trở lại vào tháng 10 khi chỉ trong 3 tuần cuối tháng, tổng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đã tăng tích cực 1,28% so với tốc độ trung bình khoảng 0,48%/tháng trong quý III và 1,07%/tháng trong 6 tháng đầu năm. Về nợ xấu, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục, đồng thời thị trường bất động sản duy trì mặt bằng giá và thanh khoản tích cực là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng xử lý nợ.

Mặt khác, câu chuyện phát hành tăng vốn sẽ giúp các ngân hàng gia tăng vốn chủ sở hữu, từ đó cải thiện hệ số an toàn vốn CAR và tăng trưởng kinh doanh trong dài hạn.

Chuyên gia của Dragon Capital cho rằng, nếu không xảy ra giãn cách diện rộng nữa thì khó ảnh hưởng tới lợi nhuận năm 2022 của ngành ngân hàng. Lợi nhuận có thể đến từ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trở lại. Cuối tháng 12, nhiều ngân hàng xin thêm room tín dụng, đây sẽ là động lực lợi nhuận cho ngân hàng, đặc biệt là tín dụng mảng bán lẻ.

Vĩ mô tiếp tục ủng hộ thị trường

Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, kỳ vọng phục hồi kinh tế là động lực chính thúc đẩy thị trường tăng điểm trong thời gian tới.

Cụ thể, Mirae Asset dự phóng tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 5,7% so với mức kỳ vọng năm 2021 là 2,3%. Về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, dự phóng mức tăng trưởng kép giai đoạn 2020-2022 khoảng 29%/năm. Thị trường chứng khoán sẽ được hỗ trợ từ chính sách đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2022 sẽ tạo thuận lợi cho các nhà thầu xây dựng, cũng như gia tăng nhu cầu về vật liệu xây dựng.

Khi Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng và chính sách đi lại giữa các nước dần trở lại bình thường, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc các nhà đầu tư nước ngoài khảo sát và làm các thủ tục đầu tư. Từ đó, vốn FDI thực hiện được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn.

Ông Minh tin rằng, Việt Nam vẫn đang hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, với lợi thế về chi phí lao động rẻ. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tốt nên vị chuyên gia này giữ quan điểm lạc quan đối với triển vọng của ngành bất động sản khu công nghiệp.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế nhờ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy bởi các hiệp định thương mại tự do. Chỉ số PMI của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam duy trì trên 50 điểm, báo hiệu nhu cầu toàn cầu đang cải thiện. Với triển vọng tăng trưởng xuất khẩu lạc quan, các ngành như cảng biển, logistic cũng sẽ được hưởng lợi.

Tiêu dùng nội địa được kỳ vọng phục hồi mạnh từ mức nền thấp, với các yếu tố xúc tác chính bao gồm dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh.

Các ngành ngân hàng, chứng khoán và công nghệ sẽ tiếp tục thuận lợi trong bối cảnh “bình thường mới”, nhờ vào ứng dụng công nghệ cao trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng nhà đầu tư cá nhân (chiếm hơn 85% tổng giá trị giao dịch trong năm 2021) tiếp tục là động lực chính của thị trường trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp và triển vọng thị trường chứng khoán lạc quan.

Một số số liệu đáng chú ý về nhà đầu tư cá nhân trong nước trong 11 tháng đầu năm như: hơn 1,3 triệu tài khoản mở mới (chiếm 99,6% tổng số tài khoản mở mới), mua ròng hơn 84.000 tỷ đồng (so với mức bán ròng 55.000 tỷ đồng của khối ngoại).

Xu hướng rút ròng của khối ngoại có thể tiếp tục kéo dài trong ngắn hạn trước khả năng Mỹ nâng lãi suất điều hành. Tuy nhiên, theo ông Minh, dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ quay lại Việt Nam nhờ mức định giá tương đối hấp dẫn của thị trường Việt Nam so với các thị trường khác.

Hơn nữa, các cải cách nhằm thỏa mãn các tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi, giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường sẽ giúp thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn.

Tác giả: Phan Hằng

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến