Dòng sự kiện:
Nhiều giải pháp để giữ ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất
08/11/2022 15:06:51
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để đảm bảo khả năng chi trả cho các tổ chức tín dụng, đặc biệt là dịp cuối năm.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh đã khiến chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD leo lên mức cao nhất trong hai thập kỷ, tạo ra áp lực giảm giá đối với hầu hết các đồng tiền trên thế giới trong vài tháng gần đây và VND không phải là ngoại lệ.

Vì vậy, những ngày gần đây Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng các biện pháp mạnh mẽ nhằm cân bằng giữa áp lực lạm phát, ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất.

Áp lực vẫn lớn

Các chuyên gia cho biết cùng với việc bán USD để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã nới biên độ giao dịch VND (từ 3% lên 5%) và tăng lãi suất điều hành lần thứ hai liên tiếp, thêm 100 điểm cơ bản trong vòng 1 tháng vừa qua. Việc lãi suất điều hành tăng thêm 100 điểm cơ bản đã tác động trực tiếp đến lãi suất huy động của tất cả các kỳ hạn và các ngân hàng đều đã phải tăng lãi suất huy động với tốc độ tương tự như vậy.

Theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát và khả năng lạm phát khoảng 4% là khả thi. Tuy nhiên, diễn biến cần lưu ý đó là khả năng Fed cũng như nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới còn tiếp tục tăng lãi suất khi mà giá cả, lạm phát vẫn ở mức cao.

Theo kế hoạch và đánh giá hiện tại của Mỹ, Fed cần phải tăng lãi suất chính sách lên vùng xoay quanh 4,4% trong khi mức lãi suất hiện nay là 3,75%-4%, nghĩa là có thể còn phải tăng thêm 0,5% nữa từ nay đến cuối năm trong kỳ họp giữa tháng 12 của Fed. Ngân hàng Trung ương châu Âu tuần trước đã tăng lãi suất 0,75% khi cố gắng kiềm chế lạm phát ‘nóng’. Do đó, căng thẳng này có thể còn kéo dài đến ít nhất là hết nửa đầu năm 2023.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam nhấn mạnh, Fed tăng lãi suất tất nhiên cũng có tác động đến Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước sẽ buộc phải nâng lãi suất theo bởi tỷ giá sẽ tăng nếu không dự trữ ngoại hối sẽ giảm.

"Nếu không bán USD, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế áp lực tỷ giá. Fed tăng lãi suất, Việt Nam vẫn phải theo xu hướng chung là thắt chặt tiền tệ, nếu không tiền đồng sẽ bị mất giá rất lớn. Lãi suất vẫn sẽ tăng," ông nói.

Chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng thêm lãi suất điều hành ít nhất 0,5%-1% trong quý 4/2022 đến quý 1/2023.

Theo VDSC, hiện tại lãi suất điều hành đã trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2019, dư địa tăng tiếp lãi suất điều hành sẽ tùy thuộc vào diễn biến áp lực các yếu tố bên ngoài (Fed, diễn biến chỉ số DXY, đồng NDT), lạm phát trong nước và áp lực mất giá của tiền đồng (cung-cầu ngoại tệ, triển vọng cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, thanh khoản tiền đồng).

“Các chuyên gia cho rằng cả ba yếu tố này đều đang hỗ trợ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng thêm lãi suất điều hành,” chuyên gia VDSC nhấn mạnh.

Trong khi đó chuyên gia của Chứng khoán VietinBank (CTS) cũng nhận định điều hành tỷ giá vẫn là trọng tâm trong chính sách tiền tệ Việt Nam trong quý 4/2022 và nửa đầu năm 2023. Tỷ giá đã tăng khoảng 9% từ mức 22.880 đồng/USD tính từ đầu năm và áp lực tăng từ thị trường tài chính quốc tế vẫn còn tương đối lớn.

Trước áp lực về tỷ giá trong thời gian tới, nhóm phân tích cho rằng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất, dự trữ ngoại hối để điều hành tỷ giá.

Cụ thể, sẵn sàng bán ngoại tệ đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó có thể tiếp tục tăng giá bán khi tỷ giá có xu hướng tăng nóng. Ngoài ra, tiếp tục phát hành tín phiếu nhằm điều hành lãi suất VND theo mục tiêu, để duy trì phần chênh lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng ở trạng thái dương.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục bơm thanh khoản trên thị trường mở và các công cụ bơm tiền khác để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng. Và không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất điều hành.

Đảm bảo an toàn thanh khoản

Trả lời trước Quốc hội mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định trọng tâm chính sách tiền tệ thời điểm này là phải đảm bảo hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng. Đây cũng là lý do mà Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thời gian qua.

Tỷ giá USD tại Vietcombank từ đầu năm đến nay. Đơn vị: Đồng

Bên cạnh linh hoạt hơn về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng đang rất mạnh tay siết chặt tín dụng bất động sản sân sau. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu một số tổ chức tín dụng có biểu hiện cho vay tập trung một số dự án, doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp bất động sản lớn phải báo cáo danh mục cho vay. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức một số cuộc họp với các ngân hàng thương mại để cùng nhau đánh giá, phân tích, xác định điểm nghẽn của thị trường từ đó có giải pháp phù hợp.

Thống đốc cho hay qua phân tích các tổ chức tín dụng cũng đều thống nhất trong bối cảnh hiện nay thì bản thân các tổ chức tín dụng cần phải tăng cường sự đoàn kết, tin cậy, hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống cũng như của từng ngân hàng.

Đặc biệt, lãi suất huy động trên thị trường đã không còn mức trên 10%, hiện dao động quanh mức 7,4%-9% tùy từng kỳ hạn.

“Về phía Ngân hàng Nhà nước, với vai trò điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để đảm bảo khả năng chi trả cho các tổ chức tín dụng, đặc biệt là dịp cuối năm,” Thống đốc khẳng định.

Với các tác động của thị trường tiền tệ thế giới, theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới đến kinh tế, tiền tệ của Việt Nam là không tránh khỏi. Chỉ có điều, chúng ta phải chủ động tâm thế để ứng phó với những biến động đó.

Theo Thống đốc, thị trường tiền tệ, ngoại hối đang chịu áp lực, biến động nhưng đó là bối cảnh chung của các nước trên thế giới chứ không chỉ đối với Việt Nam. Điều quan trọng là nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn rất tích cực. Vừa qua, Công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tiếp tục xếp hạng Việt Nam ở mức BB - triển vọng tích cực.

Lạc quan với thị trường trong thời gian tới, chuyên gia Nguyễn Thế Minh cho hay trong năm 2023, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ đỡ áp lực hơn do dự báo Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.

"Việt Nam vẫn sẽ linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất vẫn sẽ tăng trong năm 2023 theo các động thái của Fed, tuy nhiên Việt Nam sẽ cân đối hài hòa, không để mức lãi suất quá thấp và không tăng lãi suất quá nhanh. Ngoài ra, việc tăng lãi suất còn phụ thuộc vào nội tại của nền kinh tế," ông Minh nói./.

Tác giả: Thúy Hà

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến