Dòng sự kiện:
 Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông
03/02/2023 18:13:32
Kỷ niệm 232 năm ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm ý nghĩa.

Lê Hữu Trác từng thi đậu tam trường, sau khi cha mất, ông từ bỏ con đường khoa cử chuyển sang học võ, nghiên cứu binh thư và tham gia trận mạc. Sau mấy năm chinh chiến, ông lấy cớ xin về chăm sóc mẹ già ở Hương Sơn và không màng đến danh lợi mà chuyên tâm nghiên cứu về nghề thuốc, chữa bệnh cứu người, tự đặt cho mình biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông.

Về sau, ông trở thành vị Đại danh y nổi tiếng, được xem là ông tổ của ngành đông y Việt Nam, là người đặt nền móng cho ngành y học nước nhà.

Trong sự nghiệp của mình, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã sưu tầm và phát hiện trên 300 vị thuốc nam, tổng hợp 2.854 phương thuốc chữa bệnh phổ biến cho Nhân dân. Riêng cuốn "Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập và 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền dân tộc, được xem là báu vật của nền y học Việt Nam. Đặc biệt, với 9 bài học về y đức dành cho người thầy thuốc chữa bệnh cứu người trong Y huấn cách ngôn mà ông để lại mãi là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho thế hệ sau tiếp nối.

 Lễ dâng hương tưởng niệm 232 năm ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cùng lãnh đạo Sở Y tế, các sở, ban, ngành và huyện Hương Sơn.

Dâng hương, hoa tại khu mộ và nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đoàn thành kính tưởng nhớ công lao và những giá trị mà Đại danh y để lại cho hậu thế.

 Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dâng hương tại khu mộ.

Những di sản về y đức, y đạo, y thuật mà của Đại danh y trở thành cẩm nang cho nền y dược học Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 232 năm ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, huyện Hương Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

Sáng 2/2, UBND huyện Hương Sơn đã tổ chức hội thi trưng bày diều sáo Hải Thượng lần thứ nhất tại Khu di tích Nhà thờ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm).

 Hội thi thu hút nhiều đơn vị tham gia.

Theo quy định của Ban Tổ chức, diều sáo tham dự hội thi trưng bày phải được chế tác thủ công, là loại diều có gắn sáo chiêng, sải rộng không quá 3m...

Khung diều phải làm từ các loại nguyên liệu như tre, nứa, gỗ; áo diều được may, kết, trang trí theo hình thức thủ công, dân gian...Các nghệ nhân không sử dụng khung bằng kim loại và áo phết may mua sẵn để khoác vào cánh diều.

 Sau 2 ngày (2 - 3/2) triển lãm, chấm điểm, Ban Tổ chức sẽ tiến hành trao các giải thưởng nhất, nhì, ba.

Tương truyền Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông trong thời gian ở quê mẹ Hương Sơn ngoài nghiên cứu bốc thuốc chữa bệnh, cứu người còn có thú vui chơi diều sáo. Trước khi mất, ông cho con cháu thả diều trên đỉnh núi Giả và dặn dò, diều rơi ở đâu thì mai táng ông ở đó. Vị trí diều rơi chính là mộ ông bây giờ (núi Minh Tự, xã Sơn Trung). 

Trước đó, ngày 29/1, huyện Hương Sơn tổ chức lễ hội đua thuyền trên sông Ngàn Phố lần thứ 4 năm 2023. Đây là một trong những hoạt động thuộc chuỗi các sự kiện của Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Giải đua thuyền truyền thống trên sông Ngàn Phố hướng đến kỷ niệm ngày mất Đại danh y Lê Hữu Trác (1724-1791).

 Đội đua thuyền Nam thị trấn Phố Châu đạt giải nhất.

 Màn đấu gậy gay cấn tại lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác Xuân Quý Mão 2023.

....và gói bánh chưng tại Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng từ đó mà hình thành, phát triển, trở thành nét văn hóa không thể thiếu mỗi dịp xuân về của người dân vùng lân cận nói riêng và Hương Sơn nói chung. Năm 2015, Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hồ Thắng – Quốc Hoàn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến