Dòng sự kiện:
Nhiều lỗi phòng cháy không thể khắc phục ở 17 chung cư Hà Nội
08/04/2018 13:40:35
Đường vào chung cư chật hẹp, cầu thang thoát hiểm thông với hành lang, nếu xảy ra hỏa hoạn thiệt hại sẽ rất lớn, cứu nạn gặp khó khăn.

Trong 17 chung cư Hà Nội đang được đề xuất hạ tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy có tòa nhà 14 tầng số 46/230 Lạc Trung (phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng). Đường vào tòa nhà là con ngõ 230 Lạc Trung chỉ rộng 4m, bị nhiều hàng rong lấn chiếm, xe cộ phải vượt cầu sắt bắc qua sông Kim Ngưu mới tới. Cầu hẹp, chỉ xe chữa cháy loại nhỏ qua được, xe thang, cần cẩu nâng không thể vào.

Lối thoát hiểm của chung cư là một cầu thang bộ thông với hành lang tòa nhà, nằm hướng đông nam. Nếu có hỏa hoạn, khói lửa sẽ từ các căn hộ xộc thẳng vào lối thoát hiểm, khả năng thiệt hại về người rất cao.

Lối vào chung cư số 46/230 Lạc Trung không đảm bảo thoát hiểm vì chỉ có một đường, lại chật hẹp.

Ông Hoàng Đức Tính, tổ phó tổ dân cư 8F phường Thanh Lương, cư dân sống trong tòa nhà cho biết, sau vụ cháy chung cư Carina ở TP HCM, bà con rất hoang mang, nhất là sau khi tổ dân phố kiểm tra phát hiện hệ thống báo cháy không hoạt động, nhiều họng nước cứu hỏa trong tòa nhà không đủ nước.

Theo ông Tính, khi người dân vào ở chung cư năm 2007, hệ thống phòng cháy chưa được nghiệm thu do chưa đạt tiêu chuẩn. Chủ đầu tư hứa hẹn hoàn thiện nên người dân sinh sống ổn định và đã được cấp sổ đỏ.

Các năm trước, cơ quan phòng cháy đề nghị thay đổi thiết kế bằng cách xây tường đóng kín cầu thang thoát hiểm. Cho rằng sẽ gây thiếu không khí cho hành lang chung, người dân kiến nghị lắp rèm chống cháy cho thang bộ và để ô cửa thoáng mát sau buồng thang để thông gió tự nhiên từ hướng đông nam. Khi có tín hiệu báo cháy, rèm tự động hạ, người dân vẫn có thể chạy qua rèm vào thang bộ.

"Chúng tôi đồng tình với phương án của thành phố là làm cửa chống cháy tự động thay vì xây tường đóng kín cầu thang thoát hiểm. Đây là phương án hợp tình, hợp lý", ông Tính nói.

Với các đề xuất khác của thành phố như trang bị ống tụt tại tầng mái, dây hạ chậm hoặc dây thang, ông Tính cho rằng chưa thật hợp lý vì khó thực thi với nhiều người lớn tuổi. Quan trọng nhất là tòa nhà phải đủ nước chữa cháy tại chỗ cũng như hệ thống báo cháy kịp thời.

"Trước đây chung cư đã xảy ra cháy nhỏ, bà con phải tự gọi nhau thoát xuống đất chứ chuông báo cháy không hoạt động, xe cứu hỏa đến chậm do lưu thông khó khăn. Chúng tôi mong chủ đầu tư tăng cường các thiết bị cứu hỏa tại chỗ", đại diện Tổ dân phố nói.

Cách tòa nhà 46/230 Lạc Trung chỉ 500m là chung cư số 27 Lạc Trung (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng). Tòa nhà cao 12 tầng có cầu thang thoát hiểm để hở với hành lang tòa nhà. Hướng đề xuất của cơ quan phòng cháy là làm rèm ngăn cháy được kết nối với hệ thống báo cháy tự động của tòa nhà. Khi hỏa hoạn, rèm tự động thả xuống để ngăn cháy, chia tách hành lang và lối thoát hiểm.

Cầu thang thoát hiểm tòa nhà 27 Lạc Trung lối thông với hành lang vi phạm thiết kế phòng cháy.

Qua báo chí, chị Mai Lan mới biết chung cư này không đảm bảo quy định phòng cháy chữa cháy dù ở đây đã được 5 năm. "Chúng tôi rất lo lắng về tình trạng cháy nổ chung cư, mong cơ quan nhanh chóng trang bị thêm các thiết bị phòng cháy cho tòa nhà, tăng bình cứu hỏa để người dân yên tâm. Tôi tính mua mặt nạ phòng khói độc cho cả gia đình", chị Lan nói.

Trong 17 chung cư Hà Nội đang được đề xuất hạ tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) có tới 6 công trình thuộc khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội). Mật độ xây dựng cao (từ 22 đến 35 tầng), các chung cư này đều chung một số lỗi như: Bố trí ống thu rác trong buồng thang bộ, chiều rộng chiếu tới hẹp, không có khả năng đóng kín buồng thang bộ bằng tường ngăn cháy, cửa chống cháy.

Đơn cử chung cư CT2, CT3 Xa La cao 22 tầng, chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã thiết kế lối thoát nạn là một cầu thang bộ bên trong nhà, để hở. Nếu xảy ra hỏa hoạn, lửa khói sẽ xộc thẳng vào cầu thang bộ thoát nạn này. Để khắc phục, giải pháp tốt nhất là xây tường ngăn cháy hoặc làm cửa chống cháy, nhưng hiện tại chiều rộng của chiếu tới hẹp, chỉ 1,8 m, không đủ diện tích xây tường.

Sống tại tầng 10 tòa CT3 được 6 năm, anh Nguyễn Thanh Cảnh chia sẻ: "Tôi không yên tâm về PCCC của tòa nhà. Nếu có điều kiện, tôi sẽ chuyển nhà ngay". Còn ông Phạm Văn Chiến (65 tuổi ở chung cư CT4 cao 35 tầng) cho biết sau vụ cháy ở chung cư Carina (TP HCM), gia đình đã tính đến việc mua mặt nạ dưỡng khí phòng khi có hỏa hoạn.

Chiều rộng của chiếu tới hẹp, chỉ 1,8m, không đủ diện tích xây tường ngăn cháy. Ảnh: Ngọc Thành.

Theo đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an, chung cư khi xây dựng đều phải trải qua các bước thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Khi được phê duyệt theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng, chủ đầu tư phải thực hiện đúng theo bản vẽ và đúng những gì được duyệt.

"Quá trình xây dựng nếu chủ đầu tư làm sai, Thanh tra Xây dựng sẽ được phép kiểm tra và lập biên bản tạm đình chỉ nếu thấy vi phạm. Những bước này cảnh sát phòng cháy, chữa cháy không có thẩm quyền can thiệp", vị này nhấn mạnh.

Sau khi tòa nhà khánh thành, chủ đầu tư tự nghiệm thu và lập hồ sơ báo cáo, mời các đơn vị phòng cháy đến kiểm tra, kiểm duyệt. Tuy nhiên theo vị này, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư cố tình cho người dân vào ở, trước khi cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra, để cơ quan chức năng khó đình chỉ hoạt động của tòa nhà.

Nhiều chủ đầu tư đã bị xử phạt vì những lỗi khi cho cư dân vào ở trong khi thiết bị phòng cháy chữa cháy chưa đầy đủ, không đảm bảo an toàn. Nhưng số tiền phạt hiện nay còn thấp, không đủ răn đe.

Theo VnExpress

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến