Dòng sự kiện:
Nhiều ngân hàng dự báo sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm nay
08/10/2019 13:06:24
Mặc dù hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng năm nay tiếp tục bị kiểm soát chặt, nhưng nhiều ngân hàng vẫn được nới room tín dụng do sớm áp chuẩn Basel II giúp dư địa cho vay được mở rộng...

Tỷ lệ an toàn vốn tại thời điểm 30/9/3019 của Techcombank theo chuẩn mới đạt 15,6%, cao gần gấp đôi so với yêu cầu.

Nhà băng lớn tự tin

Với 11.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đạt được sau nửa đầu năm 2019, hoàn thành trên 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm và là con số lợi nhuận trong nửa năm cao nhất từ trước tới nay, lãnh đạo Vietcombank tự tin sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay là 20.000 tỷ đồng.

Thực tế, trước khi Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 diễn ra (cuối tháng 4/2019), Vietcombank dự kiến trình cổ đông kế hoạch 20.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay.

Song, theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, con số này là cao nên Ban lãnh đạo Ngân hàng quyết định trình cổ đông thông qua kế hoạch 20.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 9,5% so với năm 2018.

 

Về tín dụng, Vietcombank đã đẩy mạnh cho vay và đạt mức tăng trưởng hơn 9% sau nửa đầu năm, cao hơn đáng kể so với mức bình quân toàn hệ thống là 6,22% (so sánh tương đối do số bình quân hệ thống công bố tính đến ngày 18/6 - PV).

Dẫu vậy, lãnh đạo Vietcombank cho biết, Ngân hàng sẽ không xin nới thêm room tín dụng, mà đẩy mạnh bán lẻ để gia tăng lợi nhuận, cho dù đã đáp ứng chuẩn Basel II.

Thực tế, nguồn thu từ bán lẻ và dịch vụ của Vietcombank đang ngày một cải thiện. Vì vậy, không dừng lại ở mức lợi nhuận cao nói trên, Vietcombank đặt tham vọng  đạt mức lợi nhuận 2 tỷ USD vào năm 2025, với động lực tăng trưởng chính là bán lẻ và ngân hàng số, trong đó lợi nhuận từ bán lẻ sẽ chiếm 50%. Còn về ngân hàng số, Vietcombank cũng đặt mục tiêu dẫn đầu thị trường.

Với Techcombank, mặc dù còn đang kém một nửa lợi nhuận so với Vietcombank, song đây là mức lợi nhuận cao thứ hai trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Đến thời điểm này, ngoại trừ TPBank, chưa có nhà băng nào công bố lợi nhuận quý III/2019, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, Techcombank sẽ tiếp tục giữ vị trí thứ 2 về lợi nhuận trong quý này.

Techcombank là một trong số ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng chuẩn mực Basel II trong quý II/2019.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tại thời điểm 30/9/3019 của Techcombank theo chuẩn mới đạt 15,6%, cao gần gấp đôi so với yêu cầu. Vì vậy, hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay của Techcombank được nâng lên mức 17%. Đây là cơ sở để Techcombank tự tin có thể vượt kế hoạch 11.750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra, khi sau nửa đầu năm đã thu về hơn 5.700 tỷ đồng.

“Với kết quả tích cực đạt được thời gian qua, Techcombank đang nỗ lực để làm tốt hơn so với dự định. Trong 3 tháng cuối năm, bên cạnh việc tăng tốc hoạt động, Ngân hàng cũng sẽ tập trung để chuẩn bị cho kế hoạch 2020”, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank nói.

Ngoài những ngân hàng trên, một số tên tuổi khác như ACB, VPBank, MB cũng đang từng bước đẩy mạnh hoạt động trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, với kỳ vọng sớm cán đích chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra cho năm 2019 lần lượt là 7.300 tỷ đồng, 9.500 tỷ và 9.560 tỷ đồng.

Đây cũng là các ngân hàng đã sớm hoàn tất Basel II và được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng.

Cụ thể, ACB được nới room tín dụng từ 13% lên 17%, VPBank từ 12% lên 16%, Techcombank từ 13% lên 17%, MB từ 13% lên 17%. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính bán niên của các ngân hàng này đều cho thấy đã hoàn thành hơn 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Với Agribank, trong 7 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng đạt 8.200 tỷ đồng tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 127% so với cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Như vậy, so với mục tiêu đưa ra cả năm nay ở mức 10.000 tỷ đồng trước thuế thì đích đến của Agribank không còn xa, nhất là khi quý cuối năm là mùa kinh doanh cao điểm, lợi nhuận thu về thường cao hơn so với các quý trong năm.

Còn những cái tên nào khả quan?

Là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý III/2019, TPBank ước lãi trước thuế 2.400 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm, hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm (3.200 tỷ đồng) và vượt mức lợi nhuận đã đạt được trong năm trước (2.258 tỷ đồng).

Năm 2019, TPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 16% lên 158.000 tỷ đồng; huy động trên 142.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 101.000 tỷ đồng, cao hơn 20% so với năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu kiểm soát dưới 2%.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) từng đề cập, TPBank đã chuyển trọng tâm từ mục tiêu dẫn đầu cho vay mua ô tô sang cho vay lĩnh vực an toàn hơn.

Theo TPBank, thị trường cho vay mua ô tô cạnh tranh ngày một khắc nghiệt, dẫn đến tăng quy mô khoản vay và kỳ hạn cho vay. Vì thế, TPBank quyết định không theo đuổi mở rộng thị phần cho vay mua ô tô từ năm 2019.

Tại ABBank, tính đến hết tháng 8/2019, lợi nhuận trước thuế đạt 745 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 93.484 tỷ đồng. Thu thuần từ phí dịch vụ của ABBank đạt 98 tỷ đồng, tăng 26 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm.

Lý giải việc tín dụng có dấu hiệu giảm so với đầu năm 2019, ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, một phần do tác động từ dòng tiền trong kinh doanh của khách hàng, phần khác xuất phát từ định hướng phát triển bền vững, ABBank đã tăng cường rà soát, thẩm định kỹ hơn đối với các hồ sơ vay nhằm đảm bảo cho vay đúng mục đích, nhu cầu của khách hàng, siết chặt đối với vay đầu cơ bất động sản, hỗ trợ cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở...

Ngoài ra, ABBank còn chuyển hướng tập trung đẩy mạnh mảng thu phí dịch vụ. Tháng 9 vừa qua, ABBank ra mắt ứng dụng thanh toán bằng nhận diện gương mặt (Facial Payment) để vừa tăng trải nghiệm khách hàng, vừa tạo nền tảng tăng trưởng về dịch vụ.

Dẫu vậy, với mục tiêu lợi nhuận đưa ra năm nay là 1.220 tỷ đồng trước thuế, ABBank vẫn còn cách vạch đích tương đối xa.

Thực tế, không phải ngân hàng nào cũng đạt được mức lợi nhuận khả quan kể từ đầu năm đến nay.

Theo kết quả bán niên 2019, không ít nhà băng sụt giảm lợi nhuận trong quý II/2019 như Eximbank, Saigonbank, OCB, PGBank... Nguyên nhân do chi phí dự phòng tăng, room tín dụng hạn chế hoặc trong diện tái cơ cấu, chuẩn bị sáp nhập (Saigonbank, PGBank) nên khó tăng dư nợ.

Với BIDV, theo kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 thông qua, BIDV phấn đấu đạt lợi nhuận trước thuế 10.300 tỷ đồng, tăng trưởng huy động vốn 11%, tăng trưởng tín dụng 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Thế nhưng, BIDV ghi nhận lợi nhuận bán niên 2019 giảm 4% so với cùng kỳ xuống 4.772 tỷ đồng, qua đó hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh là yếu tố chính dẫn đến kết quả kém khả quan này. Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro trong quý II/2019 của BIDV lên đến 5.524 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ 2018.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, BIDV đã trích lập dự phòng rủi ro tới hơn 10.710 tỷ đồng, chiếm hơn 2/3 lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Nợ xấu nội bảng tính đến 30/6/2019 là 21.121 tỷ đồng, tăng 12,3% so với đầu năm.

Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng, sự phân hóa lợi nhuận hiện nay là do mỗi ngân hàng có sự chuẩn bị khác nhau từ nhiều năm trước, đặc biệt trong bối cảnh chịu sự ảnh hưởng bởi hạn mức tín dụng, tức là vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động tín dụng, bên cạnh yêu cầu đáp các tiêu chí an toàn Basel II.

Dù vậy, có một điểm tích cực dễ nhận thấy, đó là các ngân hàng đã đa dạng hóa nguồn thu bằng cách đẩy mạnh hoạt động dịch vụ để bù lại cho tăng trưởng từ hoạt động tín dụng.

 Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến